| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ cạn thức ăn cho gia súc sau rét hại

Thứ Ba 22/02/2022 , 17:45 (GMT+7)

HÀ GIANG Hà Giang cảnh báo vài ngày tới, bệnh đường hô hấp gia súc có nguy cơ bùng phát. Sau rét, băng tuyết tan sẽ khiến cây cỏ bị chết, cạn thức ăn cho gia súc.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, đến 14h ngày 22/2, toàn tỉnh có 16 gia súc chết rét, trong đó huyện Quang Bình là 14 con (2 con trâu và 12 con nghé); huyện Xín Mần có 2 con nghé bị chết. Ngoài ra, tại xã Đức Xuân, huyện Bắc Quang cũng có 503 kg mạ bị chết rét.

Ông Lê Anh Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang cho biết, phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi, huyện đã chủ động duy trì nguồn thức ăn tinh hơn 17.800 tấn và hơn 277.000 tấn thức ăn thô xanh; diện tích đồng cỏ hơn 28.000 ha. Đợt rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh Hà Giang lần này có thể kéo dài đến ngày 26/2, vì vậy chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với người dân phòng chống đói, rét cho đàn gia súc.

Nhiều hộ dân ở vùng núi cao Hà Giang đã chủ động không thả rông gia súc trong những ngày giá rét. Ảnh: Đào Thanh.

Nhiều hộ dân ở vùng núi cao Hà Giang đã chủ động không thả rông gia súc trong những ngày giá rét. Ảnh: Đào Thanh.

Xã Ma Né, huyện Đồng Văn có độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển, 3 ngày qua, thời tiết ở đây rét buốt và xuất hiện băng giá với mật độ dầy đặc. Nhiệt độ xuống 0 độ C, có nơi -2 độ C. Để bảo vệ đàn gia súc, chính quyền xã chỉ đạo cho người dân không thả rông gia súc.

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, tính đến 14h ngày 22/2, rét đậm, rét hại đã làm 1.591 con gia súc bị chết (978 con trâu, 465 con bò; 148 gia súc khác), trong đó: Lớn nhất là Sơn La với 393 con; Nghệ An 345 con; Hòa Bình 176 con; Lạng Sơn 166 con; Lào Cai 139 con; Bắc Kạn 127 con; Cao Bằng 97 con; Điện Biên 44 con; Yên Bái 38 con; Quảng Ninh 29 con; Lai Châu 13 con; Tuyên Quang 8 con.

Ông Ly Mý Ná, Chủ tịch UBND xã Ma Né cho biết, toàn xã có gần 4.000 con trâu, bò. Diện tích đồng cỏ của xã gần 200 ha, ngoài ra bà con tận dụng nguồn cỏ tự nhiên và cây ngô, rơm rạ.

Trong những ngày rét đậm, rét hại và có băng giá, UBND xã chỉ đạo bà con không thả gia súc mà chủ động nguồn thức ăn. Do có kinh nghiệm chống chọi với thời tiết lạnh, có băng giá nên các hộ gia đình cũng đã chủ động nguồn thức ăn dự trữ trong mùa đông cho đàn vật nuôi.

Gia đình ông Hoàng A Tà, thôn Ma Lé là một trong những hộ nuôi nhiều trâu, bò nhất xã Ma Né, với 5 con trâu, 3 con bò. Ông Tà bảo: "Thời tiết lạnh đến 0 độ C người còn không muốn ra ngoài thì trâu bò cũng phải ở trong chuồng. Mấy hôm nay thời tiết có băng giá, nhưng vì hết cỏ dự trữ, người vẫn phải thay nhau lên đồi lấy cỏ voi về cho đàn gia súc mà không dám thả rông. Gia súc mà chết thì cái nghèo sẽ kéo về ngay".

Nhờ nắm bắt được tình hình thời tiết cực đoan trên địa bàn, ngay từ khi bắt đầu vào vụ đông, gia đình anh Già Dũng Cấu, thôn Há Chủa Lả, xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn đã chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho đàn bò của gia đình. Mặc dù gia đình phải hạn chế đi lại để thực hiện cách ly phòng chống dịch Covid-19, thế nhưng gia đình cũng không quá lo lắng vì số thức ăn cho đàn bò có thể đáp ứng được khoảng hơn một tháng.

Bên cạnh chủ động đối phó với thời tiết, gia đình anh cũng thường xuyên được cán bộ khuyến nông xã và thú y thôn, bản hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ che chắn truồng trại đàn bò. Gia đình đã xuống cửa hàng trung tâm xã mua bạt về che chắn cho đàn gia súc. Nên chuồng chăn nuôi đảm bảo giữ ấm cho đàn vật nuôi.

Các hộ chăn nuôi tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang che chắn chuồng chặt nuôi bảo vệ đàn gia súc. Ảnh: TN.

Các hộ chăn nuôi tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang che chắn chuồng chặt nuôi bảo vệ đàn gia súc. Ảnh: TN.

Cùng với huyện Đồng Văn, Mèo Vạc cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng của đợt rét hại những ngày qua. Đặc biệt tại 3 xã biên giới là Xín Cái, Thượng Phùng và Sơn Vĩ có mật độ băng giá dầy đặc nhất.

Ông Tề Văn Lâm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Mèo Vạc cho biết, toàn huyện có hơn 30.000 con trâu, bò, diện tích đồng cỏ hơn 5.000 ha. Ngoài ra, người chăn nuôi cũng chủ động dự trữ nguồn thức ăn rơm rạ cho những ngày giá rét. Đến nay, toàn huyện có khoảng 70% hộ nuôi có chuồng chăn nuôi kiên cố, vẫn còn khoảng 30% hộ có chuồng tạm, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh cũng như sức khỏe của đàn gia súc trong đợt rét đậm, rét hại lần này.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình thời tiết vẫn diễn biến phức tạp, huyện Mèo Vạc khuyến cáo mỗi gia đình tiếp tục chủ động theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, từ đó có các biện pháp chủ động phòng chống cho đàn gia súc của gia đình.

Ngoài nguồn thức ăn thô xanh, bà con cần tăng cường thức ăn tinh và muối để tăng sức đề kháng cho đàn gia súc. Với những hộ khó khăn, địa phương chủ động trích nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ mua bạt cho bà con che chắn chuồng trại chăn nuôi.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, trong một vài ngày tới có thể sẽ phát sinh dịch bệnh liên quan đến đường hô hấp nếu bà con không chủ động được việc theo dõi biến biến tình trạng sức khỏe của đàn vật nuôi và thực hiện tốt công tác phòng chống đói rét.

Cùng với đó, khi băng giá tan có thể nhiều đồng cỏ, rau màu của bà con sẽ bị táp lá và chết yểu, dẫn đến nguồn thức ăn có thể khan hiếm cũng sẽ là một khó khăn trong ngành chăn nuôi của Hà Giang.

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.