| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ 'đầu cơ nghiệp' trên cao nguyên trắng

Thứ Năm 24/02/2022 , 13:35 (GMT+7)

LÀO CAI Thấm thía bài học từ đợt rét lịch sử mùa đông 2008, người dân vùng cao huyện Bắc Hà (Lào Cai) giờ đây đã phòng chống đói, rét kỹ lưỡng cho đàn gia súc.

Những ngày này, rét buốt bao phủ vùng núi Lào Cai. Tại huyện Bắc Hà, nhiệt độ ngoài trời giảm sâu, đặc biệt tại các xã vùng cao khu vực thượng huyện như Tả Văn Chư, Lùng Phình, Tả Củ Tỷ, trời rét tê tái, nhất là nửa đêm về sáng kèm theo mưa phùn, sương mù bao phủ, có thời điểm điểm ngưỡng nhiệt chỉ giao động 2 - 3 độ C.

Không chủ quan, lơ là trước những diễn biến bất thường của thời tiết, chính quyền và người dân các xã đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực để bảo vệ đàn đàn đại gia súc.

Bà con vùng cao Lùng Phình lùa đàn trâu về chuồng để tránh rét. Ảnh: Khuất Linh.

Bà con vùng cao Lùng Phình lùa đàn trâu về chuồng để tránh rét. Ảnh: Khuất Linh.

Nằm ở khu vực thượng huyện Bắc Hà, xã vùng cao Lùng Phình thường được biết đến với khí hậu rét buốt, khắc nghiệt nhất vào mùa đông.

Ông Đỗ Anh Sơn, Chủ tịch UBND xã Lùng Phình cho biết: UBND xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông đến tận các thôn bản nắm tình hình, kiểm tra lại công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc của bà con, nhất là việc che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn. Với những hộ chuồng nuôi chưa đảm bảo, xã vận động mua thêm bạt, tận dụng vật liệu tại chỗ như gỗ, tre tiến hành gia cố lại, đảm bảo kín đáo, tránh gió lùa.

Những ngày này, thời tiết rét đậm chỉ trên dưới 2 độ C, xã liên tục đôn đốc bà con nuôi nhốt gia súc trong chuồng, bổ sung thêm thức ăn tinh, thô như rơm rạ, cỏ voi, cám ngô và tuyệt đối không được chăn thả gia súc lên rừng.

Trâu được nuôi nhốt trong chuồng, bà con bổ sung thêm thức ăn tinh, thức ăn thô để tăng sức đề kháng, chống chọi với giá rét. Ảnh: Khuất Linh.

Trâu được nuôi nhốt trong chuồng, bà con bổ sung thêm thức ăn tinh, thức ăn thô để tăng sức đề kháng, chống chọi với giá rét. Ảnh: Khuất Linh.

Xã Lùng Phình hiện có 6 thôn, trên 500 hộ chăn nuôi, đến nay cơ bản các hộ chăn nuôi trong xã đã có chuồng nuôi nhốt gia súc kiên cố. Trận rét lịch sử xảy ra năm 2008 khiến xã thiệt hại gần 300 con trâu, nghé non. Rút kinh nghiệm từ đận ấy, "của đau con xót”, từ đó đến nay, công tác phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi đã được chính quyền và người dân địa phương quan tâm thực hiện tốt hơn.

Đặc biệt, bám sát chỉ đạo của huyện, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để bà con chủ động dự trữ thức ăn bổ sung cho đàn gia súc như rơm rạ, cỏ khô, trồng thêm cỏ voi và ngô dày, thường xuyên nắm bắt tình hình thời tiết, những khi trời chuyển rét đậm, rét hại để thông qua hệ thống loa truyền thanh cảnh báo sớm đến người dân.

UBND xã cử cán bộ khuyến nông xuống tận thôn, bản tuyên truyền, vận động bà con phòng chống rét, trọng tâm là hướng dẫn kỹ thuật phòng chống đói, rét hiệu quả cho đàn gia súc. Nhất là những khi rét đậm, rét hại như hiện nay, cần phải nuôi nhốt, không thả rông gia súc lên rừng. Tăng cường bổ sung thức ăn tinh, thức ăn thô cho đàn gia súc như cho ăn thêm bột ngô, cám pha nước ấm, thậm chí có thể đốt lửa để sưởi ấm cho trâu bò khi thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài giúp gia súc tăng sức đề kháng, chống chọi với bệnh dịch và giá rét.

Bà con trồng khá nhiều cỏ voi, ngô dày tận dụng để làm thức ăn cho gia súc trong những ngày đông tháng giá. Ảnh: Khuất Linh.

Bà con trồng khá nhiều cỏ voi, ngô dày tận dụng để làm thức ăn cho gia súc trong những ngày đông tháng giá. Ảnh: Khuất Linh.

Ông Giàng Sín Mìn, một hộ chăn nuôi trong xã chia sẻ: “Với chúng tôi, con trâu, con ngựa như đầu cơ nghiệp, góp phần đảm bảo nguồn phân bón, sức cày kéo. Cũng chính vì vậy, gia đình tôi nuôi tới 5 con trâu, 1 con ngựa, những ngày rét đậm như thế này, gia đình tuân thủ theo đúng hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, chỉ nuôi nhốt gia súc trong chuồng, không thả rông gia súc ngoài đồng. Tôi chú trọng cho gia súc ăn thêm rơm khô, cỏ voi, cám pha nước ấm, nhất là thường xuyên vệ sinh chuồng trại 1 lần/ngày để phòng tránh dịch bệnh cho đàn gia súc của gia đình.”

Tại vùng cao Tả Văn Chư (huyện Bắc Hà), những ngày này nhiệt độ ngoài trời giảm sâu, thời tiết như rét hơn bởi có mưa phùn bao phủ. Ông Bùi Trọng Nam, Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã có trên 400 hộ chăn nuôi với trên 1.000 con gia súc lớn, chủ yếu là đàn trâu, ngựa.

Hiện toàn xã chỉ còn khoảng 30 hộ chưa có chuồng nuôi kiên cố. Với những hộ này, xã đặc biệt quan tâm, cử cán bộ khuyến nông xuống tận nhà để tuyên truyền, vận động bà con mua thêm bạt về che phủ, quây kín chuồng trại đảm bảo kín đáo, tránh gió lạnh lùa trực tiếp vào chuồng; vận động bà con chủ động nuôi nhốt gia súc trong chuồng khi nền nhiệt ngoài trời giảm thấp như hiện nay...

Cán bộ huyện và xã thường xuyên đến tận thôn bản để kiểm tra, thăm nắm tình hình công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc của các hộ dân. Ảnh: Khuất Linh.

Cán bộ huyện và xã thường xuyên đến tận thôn bản để kiểm tra, thăm nắm tình hình công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc của các hộ dân. Ảnh: Khuất Linh.

Qua công tác tuyên truyền, vận động, đa phần các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã vùng cao Tả Văn Chư đã chủ động hơn trong công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc. Hiện nay, vào đầu mùa đông, các hộ chăn nuôi đã chủ động gia cố, xây dựng chuồng trại, mở rộng thêm nhiều diện tích ngô dày, cỏ voi, dự trữ rơm rạ, đảm bảo đủ thức ăn cho gia súc trong khoảng từ 3 - 4 tháng mùa đông.

Anh Tẩn Seo Dín, người dân thôn Nhù Cồ Ván, xã vùng cao Tả Văn Chư chia sẻ: “Gia đình tôi đang nuôi 4 con trâu, đến nay về chuồng trại, gia đình đã đảm bảo “3 cứng” để phòng chống rét, riêng việc dự trữ thức ăn năm nay thực hiện tốt hơn, rơm rạ mùa vụ được tích trữ chứ không đốt như trước, gia đình cũng trồng thêm khoảng 0,5ha cỏ voi, ngô dày, như vậy có thể đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc khoảng 4 tháng nên cũng thấy yên tâm hơn…”.

Xem thêm
Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.