Chống hàng giả không chỉ bảo vệ người tiêu dùng, mà còn xây dựng nếp sống tử tế cho cộng đồng. Quan trọng hơn, chống hàng giả góp phần thúc đẩy sự tiến bộ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và bản quyền sáng tạo.
Tại hội thảo khoa học “Sự tác động của xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đối với phát triển văn hóa đọc” vừa được tổ chức chiều 29/8 tại Hà Nội, một vị lãnh đạo ngành văn hóa cho rằng: “Đơn vị làm sách, nhà xuất bản phải coi câu chuyện đấu tranh bản quyền sách là câu chuyện của chính mình, không thể đùn đẩy cho cơ quan chức năng”. Ý kiến này động viên quyết tâm chống hàng giả của giới làm sách, nhưng dường như lại hơi hạ thấp vai trò của cơ quan chức năng.
Đành rằng, chống hàng giả cần sự chung tay của cả xã hội, nhưng cơ quan chức năng phải đi đầu, phải tiên phong. Với sách giả thì giới làm sách đã nỗ lực rất nhiều, đã ca thán trên khắp diễn đàn, nhưng kết quả đấu tranh khá khiêm tốn. Bởi lẽ, đó là hạn chế của những nỗ lực riêng lẻ. Khi và chỉ khi, Cục Xuất bản, In và Phát hành gánh vác sứ mệnh dẫn dắt cuộc chiến chống sách giả thì mọi điều sẽ sớm hanh thông hơn.
Nhìn rộng ra, chống hàng giả ở các mặt hàng khác cũng vậy. Để ngăn chặn phân bón giả hay nông sản giả, thì cơ quan chức năng nên nhận lấy vị trí hạt nhân để huy động doanh nghiệp và nông dân giành lại sự công bằng.
Chống hàng giả chưa bao giờ đơn giản. Chống hàng giả đòi hỏi hành lang pháp lý lẫn thái độ văn minh. Chống hàng giả không thể trông cậy vào những lời kêu gọi chung chung “nói không với hàng giả” hoặc “hãy là người tiêu dùng thông minh”.
Với sự nảy nở của hàng vạn mô hình kinh doanh khác nhau thời hội nhập kinh tế thế giới, giá cả cũng cạnh tranh từ kênh phân phối truyền thống đến những sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng chẳng tài nào phân biệt được ranh giới mong manh giữa hàng thật và hàng giả. Vì vậy, để người tiêu dùng khỏi phải trả giá đau đớn cho khái niệm “thông minh” bằng sự trải nghiệm nạn nhân bất đắc dĩ, thì cơ quan chức năng nhất định phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa.
Chống hàng giả đúng là “câu chuyện của chính mình” đối với người sản xuất, nhưng hoàn toàn không phải biểu hiện “đùn đẩy cho cơ quan chức năng”. Vì sao? Vì cơ quan chức năng vừa có chuyên môn nghề nghiệp lại vừa được giao phó công tác quản lý. Cơ quan chức năng có quyền tham mưu để ban hành các văn bản tăng cường biện pháp chế tài đối tượng sai phạm, và có quyền yêu cầu hợp tác giữa nhiều lực lượng để chống hàng giả. Nghĩa vụ đích thực của cơ quan chức năng, thì đâu chờ ai nhắc nhở và cũng đâu ngại ai “đùn đẩy”.
Chắc chắn, cơ quan chức năng không hề cô độc trong cuộc chiến chống hàng giả. Bởi lẽ, bên cạnh cơ quan chức năng còn có bao nhiêu nhiệt huyết đồng tâm đồng lòng của quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế và những hiệp hội đoàn kết và vững mạnh.