| Hotline: 0983.970.780

Chống khai thác IUU không thể hời hợt

Thứ Tư 08/02/2023 , 16:55 (GMT+7)

Người đứng đầu các địa phương cần nâng cao tinh thần trách nhiệm và có hành động thiết thực để chung tay cùng cả nước gỡ thẻ vàng EC.

Gỡ thẻ vàng EC không thể làm hời hợt

Sáng 8/2, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã kiểm tra tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (viết tắt là chống khai thác IUU); tình hình phát triển chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại tỉnh Thanh Hóa.

Tại thành phố Sầm Sơn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế về tình hình chống khai thác IUU tại Cảng cá Lạch Hới, âu tránh trú tàu thuyền Lạch Hới, phường Quảng Tiến.

Báo cáo với đoàn công tác về việc chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian qua, việc chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của ngư dân về khai thác hải sản đúng quy định được nâng lên; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 96,5%.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tàu cá tại các cửa lạch, trên biển về việc chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU. Kiên quyết không cho các tàu cá hoạt động trên biển nếu không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không đảm bảo trang thiết bị, thủ tục theo giấy tờ.

Cũng trong năm 2022, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 113 vụ, với tổng số tiền xử phạt hơn 600 triệu đồng. Riêng tháng 1 năm 2023, đã xử lý 13 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt gần 100 triệu đồng. Việc quản lý khai thác tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển được cải thiện. Thanh Hóa là địa phương không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ trái sang phải) cùng đoàn công tác đi kiểm tra thực tế.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (thứ 2 từ trái sang phải) cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế về tình hình chống khai thác IUU tại Cảng cá Lạch Hới, âu tránh trú tàu thuyền Lạch Hới, phường Quảng Tiến. Ảnh: Quốc Toản.

Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế, đoàn công tác Bộ NN-PTNT lưu ý nguy cơ phát sinh hoạt động khai thác thủy sản trái phép, bởi đã có trường hợp lao động trên tàu cá là người Thanh Hóa bị bắt giữ ở địa phương khác. Bên cạnh đó, Thanh Hóa có 6.504 tàu cá, nhưng số lượng tàu cá chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản còn lớn, khó kiểm soát hoạt động khai thác. 

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đề nghị địa phương tăng cường phối hợp giữa các địa phương trong việc cập nhật thông tin, hoạt động tàu cá trên biển để kiểm soát tàu cá, thuyền viên hoạt động khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, địa phương cần rà soát việc cấp giấy phép khai thác thủy sản của toàn bộ tàu cá, để có giải pháp chỉnh hoạt động này. 

Đánh giá về tình hình chống khai thác IUU sau khi kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực trong việc chống khai thác IUU, tuy nhiên việc chuyển biến về nhận thức và hành động còn chậm, trong đó có việc việc quản lý và kiểm soát đội tàu khai thác thủy sản.

“Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu trong việc chống khai thác IUU đã được quy định rất rõ. Do vậy, người đứng đầu các địa cần nâng cao tinh thần trách nhiệm và có hành động thiết thực để chung tay cùng cả nước gỡ "thẻ vàng" của EC”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, địa phương cần sớm thực hiện việc thành lập cơ quan kiểm ngư (Chi cục Kiểm ngư) gắn với chức năng thanh tra kiểm tra đội tàu, thuyền khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng hoàn tất việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển.

Phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp

Năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 66,2 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 9 toàn quốc và đứng thứ 2 ở khu vực Bắc Trung bộ. Tốc độ tăng trưởng đạt 3,65% cao nhất từ trước đến nay và vượt kế hoạch đề ra.

Đánh giá chung về tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, quy mô nền nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa rất lớn, tuy nhiên cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: Quốc Toản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: Quốc Toản.

Đi sâu vào lĩnh vực phát triển chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, Thanh Hóa là địa phương có quy mô lớn về chăn nuôi, do đó, cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, cường nhân lực, vật lực để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

“Chúng ta đã từng tiêu hủy hàng triệu con lợn vì dịch tả lợn Châu Phi, làm ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường thịt trong nước. Do đó, việc phòng, chống dịch bệnh nói chung là nhiệm vụ rất quan trọng, phải luôn trong tư thế sẵn sàng.

Để làm tốt nhiệm vụ này, cơ quan có thẩm quyền cần phân bổ nguồn lực kịp thời để đơn vị được giao trách nhiệm thực hiện tốt việc phòng chống dịch. Kiên quyết không được để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị.

Về công tác khuyến nông, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý, cơ quan khuyến nông từ Trung ương tới địa phương cần nhân rộng và lan tỏa mô hình các vùng nuôi, vùng trồng sản xuất lớn để góp phần mang lại giá trị, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

“Không phải cứ làm mô hình khuyến nông xong rồi nghiệm thu chứng từ để thanh toán. Tránh việc nghiệm thu xong nhưng chẳng thấy mô hình khuyến nông ở đâu. Do đó công tác khuyến nông cần phải thiết thực hơn theo hướng “nghĩ thực, nói thực, làm thực”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.

Từ năm 2022 đến nay, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, động vật tại Thanh Hóa được kiểm soát tốt, không để xảy ra ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, là môi trường tốt cho nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa bàn tỉnh. Đầu năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kiểm tra 20 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó xử lý 7 cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Đồng thời tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất