| Hotline: 0983.970.780

Quyết liệt thực hiện các giải pháp gỡ thẻ vàng IUU

Thứ Sáu 03/02/2023 , 13:50 (GMT+7)

Phát huy kết quả đạt được suốt 5 năm qua, Việt Nam kỳ vọng gỡ được thẻ vàng IUU trong đợt thanh tra lần thứ 4 của EC.

Đến nay, Việt Nam đã có 96% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: L.K.

Đến nay, Việt Nam đã có 96% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: L.K.

Sáng ngày 3/2, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị phổ biến các kết quả làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.

Vào tháng 10/2022, Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) đã đến kiểm tra công tác khắc phục thẻ vàng IUU của Việt Nam (lần thứ 3). Địa điểm mà đoàn kiểm tra lựa chọn là tỉnh Khánh Hòa.

Trong lần kiểm tra này, Đoàn Thanh tra ghi nhận Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đồng thời đánh giá cao tinh thần hợp tác, minh bạch toàn bộ các thông tin; khung pháp lý của Việt Nam cũng đã đáp ứng đủ các chuẩn quốc tế. Tuy nhiên việc thực thi pháp lý tại các địa phương vẫn chưa được đồng bộ và còn tồn tại nhiều vấn đề.

Đối với tỉnh Khánh Hòa, địa phương này đã có sự phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan, đạt được những kết quả tương đối khả quan. Sau khi nắm thông tin về việc thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của các tàu cá Việt Nam đạt 96%, EC cho rằng đây là một sự thành công rất lớn sau 5 năm từ thời điểm Việt Nam bị rút thẻ vàng thủy sản. Mặc dù vậy, việc vận hành và quản lý thiết bị giám sát hành trình vẫn có vấn đề khi hiện tượng mất kết nối vẫn chưa được xử lý triệt để.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiểm tra công tác khắc phục các khuyến nghị của EC tại Cảng cá Tịnh Kỳ (Quảng Ngãi) vào năm 2020. Ảnh: L.K.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiểm tra công tác khắc phục các khuyến nghị của EC tại Cảng cá Tịnh Kỳ (Quảng Ngãi) vào năm 2020. Ảnh: L.K.

Ngoài ra, đoàn nhận định công tác kiểm soát để ngăn chặn khai thác IUU cũng như kiểm soát sản phẩm IUU ở các tỉnh còn có sự khác biệt. Thanh tra EC đã phát hiện và chỉ ra những lổ hổng trong công tác kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu từ hàng container khiến cho sản phẩm bất hợp pháp vào Việt Nam.

Theo Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy Sản) trong quá trình thanh tra của Ủy ban châu Âu, đoàn đã phát hiện được nhiều vấn đề còn tồn tại của ngành thủy sản Việt Nam. Trong đó có thể kể đến như nghi ngờ công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu hải sản sử dụng hồ sơ giả; hệ thống truy xuất không đáng tin cậy; nhập khẩu vượt quá hạn ngạch khai thác của các quốc gia treo cờ.

Ngoài ra, còn có 1 số tàu cá sử dụng giấy tờ đăng ký giả; công tác giám sát sản lượng qua cảng, cấp giấy xác nhận không đảm bảo độ tin cậy; danh sách tàu cá IUU không thống nhất với số liệu của tỉnh; việc quản lý đội tàu, quản lý cường lực khai thác chưa được chặt chẽ. Đối với việc thực thi pháp luật thì tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài còn cao, các nước trong khu vực vẫn tiếp tục phản ánh. Đồng thời, việc xử phạt nhóm tàu vi phạm này còn thấp.

Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu đã phát hiện một số vấn đề còn tồn tại của ngành thủy sản Việt Nam trong đợt thanh tra lần thứ 3 vào tháng 10/2022. Ảnh: K.S.

Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu đã phát hiện một số vấn đề còn tồn tại của ngành thủy sản Việt Nam trong đợt thanh tra lần thứ 3 vào tháng 10/2022. Ảnh: K.S.

Trên cơ sở những phát hiện nói trên, Đoàn Thanh tra EC khuyến nghị Việt Nam giám sát, làm rõ các tàu cá có khả năng nằm trong danh sách tàu IUU để thực hiện các chế tài xử lý thích hợp. Với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm được phát hiện, cần thanh kiểm tra lại.

Các hoạt động kiểm tra này cần đưa vào quy trình giám sát của cơ quan chức năng đối với các hệ thống truy xuất nguồn gốc tại các doanh nghiệp chế biến và thực hiện các hoạt động đối chiếu số lượng tổng thể ngẫu nhiên.

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Vụ phó Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế cho biết, về khung pháp lý, Đoàn Thanh tra yêu cầu Việt Nam cần quy định cụ thể về khả năng thu hồi giấy phép của một số cảng chỉ định trong trường hợp cơ quan quản lý cảng cá hoạt động kém hiệu quả hoặc có vấn đề về kiểm soát mang tính hệ thống trên địa bàn tỉnh quản lý.

“EC cũng khuyến nghị tăng mức xử phạt, bổ sung tịch thu sản phẩm khai thác, xem xét truy tố đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng; chuẩn hóa việc lưu trữ hồ sơ tại tất cả các cảng, bao gồm các thông tin thống nhất trong giám sát ra, vào cảng, sản lượng thủy sản bốc dỡ, ghi chép các vi phạm và các chế tài xử lý đã được áp dụng”, bà Nhung thông tin.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua, cả hệ thống chính trị, các Bộ ngành và lực lượng liên quan đã quyết liệt thực hiện các giải pháp để gỡ thẻ vàng IUU. Ảnh: L.K.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian qua, cả hệ thống chính trị, các Bộ ngành và lực lượng liên quan đã quyết liệt thực hiện các giải pháp để gỡ thẻ vàng IUU. Ảnh: L.K.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, sau 3 lần thanh tra, Ủy ban châu Âu đánh giá Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, đi đúng hướng. Điều này thể hiện ở 4 nội dung chính: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, quản lý đội tàu, vấn đề truy xuất nguồn gốc và việc thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, hiện nay đội tàu của Việt Nam rất lớn dẫn đến cường lực khai thác cao, không đáp ứng được yêu cầu khai thác bền vững. Dù tỷ lệ tàu cá gắn thiết bị giám sát hành trình đạt trên 96% nhưng số lượng tàu mất kết nối một cách chủ động còn tương đối nhiều, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn.

Trong khi đó, EC khẳng định, chỉ gỡ thẻ vàng khi không có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Thời gian qua, cả hệ thống chính trị và các Bộ ngành, lực lượng liên quan đều ra quân rất quyết liệt nhưng việc quản lý còn bất cập. Do đó, trong thời gian tới cần phải có những chuyển biến tích cực để đợt kiểm tra lần thứ 4 dự kiến vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới đây sẽ gỡ được thẻ vàng IUU.

“Hiện nay, Việt Nam đang là đối tác tin cậy, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Nếu như chỉ vì thẻ vàng mà ảnh hưởng đến vị thế của đất nước trên trường quốc tế là một điều không để xảy ra. Do vậy, quyết tâm chính trị của cả Trung ương, các Bộ ngành, địa phương là rất lớn. Phía trước còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng không gì là không thể khi chúng ta đã phấn đấu và đạt được những thành quả trong 5 năm qua”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cảnh giác với tội phạm xuyên biên giới trên không gian mạng

TP.HCM Theo Giám đốc Công an TP.HCM, tình hình tội phạm trên không gian mạng có nhiều chuyển biến phức tạp, nhất là tội phạm xuyên biên giới. Người dân cần cảnh giác, bảo vệ mình.

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.