| Hotline: 0983.970.780

Chống khai thác IUU, Nam Định tổng kiểm tra, sàng lọc toàn bộ tàu cá

Thứ Năm 31/08/2023 , 09:15 (GMT+7)

Nam Định tổng kiểm tra, rà soát các tàu cá để cập nhật dữ liệu nghề cá quốc gia; ngăn chặn, xử lý các tàu không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản.

Rà soát toàn bộ tàu cá

UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành Công văn số 593 về việc thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU), chuẩn bị cho cuộc làm việc lần thứ 4 vào tháng 10/2023 với Đoàn Thanh tra của Uỷ ban châu Âu (EC)

Nam Định tổng kiểm tra, sàng lọc toàn bộ tàu cá. Ảnh: Mai Chiến.

Nam Định tổng kiểm tra, sàng lọc toàn bộ tàu cá. Ảnh: Mai Chiến.

UBND tỉnh yêu cầu Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện liên quan tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ số lượng và thực trạng tàu cá để sàng lọc, phân loại đảm bảo theo dõi, giám sát được toàn bộ hoạt động của đội tàu, đặc biệt các tàu cá “3 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm);

Xử lý dứt điểm tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra, vào cảng, thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, cập nhật đầy đủ số liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase); ngăn chặn, xử lý nghiêm tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Thực hiện xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đảm bảo tính pháp lý. Đảm bảo giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ qua cảng.

Theo kế hoạch, Nam Định sẽ mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; đặc biệt tập trung xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, vi phạm quy định về giám sát hành trình (GSHT). Phối hợp với Bộ đội Biên phòng chốt trực 24/24 giờ ở các cửa sông ra biển để kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU.

Các tàu chưa lắp VMS do… nằm bờ, ngừng hoạt động

Ngày 29/8, Sở NNPTNT tỉnh Nam Định đã có báo cáo về kết quả chống khai thác hải sản bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hiện toàn tỉnh có 1.759 tàu cá, trong đó, có 548 tàu (chiếm 30,15%) có chiều dài dưới 6m (do cấp xã quản lý); 393 tàu (chiếm 22,34%) từ 6 - <12m; 303 tàu (chiếm 17,22%) từ 12 - <15m; 515 tàu (chiếm 29,27%) từ 15m trở lên. Tổng số lao động khai thác thủy sản trực tiếp trên biển là 5.270 người.

Hệ thống giám sát tàu cá để chống tình trạng khai thác hải sản trái phép của Nam Định.

Hệ thống giám sát tàu cá để chống tình trạng khai thác hải sản trái phép của Nam Định.

Nam Định đã lắp hệ thống giám sát VMS cho hầu hết các tàu cá của ngư dân trong tỉnh. Ảnh: Mai Chiến.

Nam Định đã lắp hệ thống giám sát VMS cho hầu hết các tàu cá của ngư dân trong tỉnh. Ảnh: Mai Chiến.

Đến thời điểm hiện tại, số tàu cá từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) là 507/515 tàu, đạt tỷ lệ 98,45%. Còn lại 8 tàu chưa lắp thiết bị VMS, lý do tàu ngừng hoạt động đang nằm bờ. Tính đến ngày 23/8, tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh ước đạt 40.516 tấn (đạt 65,35%) kế hoạch, tăng 1,20% so với cùng kỳ năm 2022.

Từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hành 8 thông báo tàu mất tín hiệu 10 ngày trở lên và 1 thông báo tàu mất tín hiệu trên 1 năm gửi các đơn vị phối hợp trong tỉnh.

Cụ thể, tàu mất tín hiệu trên 10 ngày là 320 lượt tàu (đã xác minh 236/320 lượt); trong đó mất kết nối trên biển trên 10 ngày là 106 tàu/130 lượt tàu (đã xác minh 96/130 lượt), mất kết nối trong bờ là 140 tàu/190 lượt tàu (đã xác minh 178 tàu/190 lượt).

Nguyên nhân chủ yếu tàu mất tín hiệu được ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định xác định là do tàu nằm bờ dài ngày nên tắt thiết bị, thiết bị bị hỏng.

Ngoài ra, tính đến ngày 15/8, Nam Định đã xử phạt hành chính nhiều tàu cá vi phạm trong lĩnh vực thủy sản. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 881 triệu đồng/66 tàu về các hành vi tàng trữ công cụ kích điện để khai thác hải sản trái phép; không duy trì thiết bị VMS trên tàu cá; không mua bảo hiểm cho thuyền viên theo quy định; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hết hiệu lực; Sở NN-PTNT Nam Định xử phạt vi phạm hành chính đối với 52 đối tượng vi phạm. Tổng số tiền xử phạt là 261 triệu đồng.

 
Ngư dân Nam Định chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Thái Bình.

Ngư dân Nam Định chuẩn bị ra khơi. Ảnh: Thái Bình.

Về thực hiện cấp phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm trên tàu cá, đến nay Chi cục Thủy sản Nam Định đã thực hiện cấp phép khai thác thủy sản cho 1.162/1.211 tàu (đạt 95,95%) tổng số tàu cá thuộc diện phải cấp phép. Đã thực hiện cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho 493/515 tàu cá (đạt 95,73%).

Để công tác chống khai thác IUU đạt kết quả cao hơn, Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập bến của tàu cá, kiên quyết không cho những tàu không đảm bảo các yêu cầu theo quy định ra khơi.

Chấm dứt tình trạng tàu cá không có giấy phép, không trang bị thiết bị VMS, không duy trì VMS, tàu không có biển số, không đánh dấu tàu cá vẫn ra khơi hoạt động sản xuất, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Bên cạnh đó, thường xuyên đưa tàu neo đậu chốt chặn tại các cửa sông ra biển trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn, phát hiện các lỗi vi phạm về khai thác IUU, không cho tàu cá vi phạm ra khơi, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.