Thứ Ba, 14/1/2025 15:39 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Quyết tâm cao nhất để gỡ 'thẻ vàng' IUU

Thứ Ba 29/08/2023 , 15:29 (GMT+7)

Sáng 29/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành vùng ven biển về thúc đẩy các giải pháp chống khai thác IUU.

Hội nghị được tổ chức khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa Việt Nam sẽ đón đoàn của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 4 đến thanh tra, kiểm tra công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thẳng thắn nêu rõ việc EC cảnh báo 'thẻ vàng' khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng. Ảnh: VGP/Hải Minh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thẳng thắn nêu rõ việc EC cảnh báo “thẻ vàng” khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng. Ảnh: VGP/Hải Minh.

Trong thời gian qua, Việt Nam tập trung triển khai 4 nhóm khuyến nghị của EC để chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, gồm: Hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; và thực thi pháp luật. Theo đó, đã có những chuyển biến đáng kể, tuy nhiên cho đến nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục.

Việc bị cảnh báo “thẻ vàng” không chỉ làm làm gia tăng thời gian, công sức, chi phí cho việc quản lý chặt chẽ hồ sơ khi xuất khẩu thủy sản sang EU mà còn làm suy giảm uy tín của Việt Nam.

Theo ước tính của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu bị phạt “thẻ đỏ”, Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản khai thác sang thị trường EU với tổng giá trị khoảng gần 500 triệu USD/năm.

Không chỉ mất thị phần, nếu bị phạt “thẻ đỏ” cũng sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc tại 60 nhà máy đang tham gia xuất khẩu vào thị trường EU cũng như những ngư dân làm ăn chân chính, đồng thời ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng nghề cá hiện đại của quốc gia.

Ngoài EU, một số quốc gia khác như Mỹ cũng đã có những quy định tương tự về chống IUU, nếu Việt Nam bị áp “thẻ đỏ” thì các quốc gia này cũng có thể áp dụng những biện pháp tương tự đối với mặt hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam.

Để gỡ được “thẻ vàng”, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương dự họp cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng chức năng, giữa các địa phương trong việc quản lý và ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; xử phạt nghiêm minh những hành vi vi phạm.

Các bộ, ngành, địa phương đều nhấn mạnh sự cần thiết phải điều tra, xác minh, xử lý nghiêm, triệt để các tổ chức, cá nhân làm ăn phi pháp, hợp thức hóa hồ sơ, tiếp tay, dung túng cho hành vi IUU.

Lãnh đạo Cục Kiểm ngư đề xuất các doanh nghiệp là thành viên của VASEP tiếp tục chung tay cùng Chính phủ trong việc thực hiện các quy định về IUU, không thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn vi phạm quy định IUU.

Phó Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT xây dựng kế hoạch, trong đó nêu rõ những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện từ nay đến khi đoàn kiểm tra của EC đến làm việc; chuẩn bị chu đáo để đón đoàn kiểm tra của EC đạt kết quả tốt nhất, sớm gỡ được cảnh báo 'thẻ vàng' của EC. Ảnh: VGP/Hải Minh.

Phó Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT xây dựng kế hoạch, trong đó nêu rõ những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện từ nay đến khi đoàn kiểm tra của EC đến làm việc; chuẩn bị chu đáo để đón đoàn kiểm tra của EC đạt kết quả tốt nhất, sớm gỡ được cảnh báo "thẻ vàng" của EC. Ảnh: VGP/Hải Minh.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thẳng thắn nêu rõ việc EC cảnh báo “thẻ vàng” khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng, đồng thời chỉ rõ ngành thủy sản có thể phải đối mặt với nguy cơ tương tự “thẻ vàng” ở các thị trường khác ngoài EU.

Phó Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT xây dựng kế hoạch, trong đó nêu rõ những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện từ nay đến khi đoàn kiểm tra của EC đến làm việc; chuẩn bị chu đáo để đón đoàn kiểm tra của EC đạt kết quả tốt nhất, sớm gỡ được cảnh báo “thẻ vàng” của EC.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, mục tiêu không để có tàu cá nào bị bắt ở nước ngoài.

Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng đánh giá sự quyết liệt chưa đồng đều, có những địa phương quản lý tốt tàu cá ra vào bến và nâng cao được tỷ lệ truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác như Cà Mau, nhưng cũng còn những địa phương chưa quyết liệt trong việc xử lý các khuyến nghị của Đoàn thanh tra EC.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Địa phương phải rút kinh nghiệm về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản

Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cảng cá Trần Đề nhộn nhịp chuyến biển cuối năm

SÓC TRĂNG Cảng cá Trần Đề những ngày cuối năm tấp nập tàu cá quay về. Dù đối mặt nhiều khó khăn, ngư dân vẫn bền bỉ bám biển, mong năm mới đủ đầy, thuận lợi.