Nhiều khu vực xuất hiện "điểm đen" ngập úng
TP Thủ Đức hiện là địa phương ngập nặng nhất tại TP.HCM vào thời điểm đầu mùa mưa. Khi cơn mưa lớn bắt đầu từ chiều ngày 14 và liên tục kéo dài liên tiếp đến ngày 17/5, TP Thủ Đức đã ghi nhận khoảng 15 “điểm đen” ngập nặng. Cụ thể, tại khu vực chợ Thủ Đức (giao cắt giữa các đường Võ Văn Ngân, Trương Văn Cam, Nguyễn Thị Rành…) ngập hơn nửa mét các ngày 15 - 16/5.
Tương tự, Trung tâm Phát triển Quản lý hạ tầng TP Thủ Đức ghi nhận từ trạm đo lượng mưa ở đường Dương Văn Cam (ngày 15/5) ở mức 122,8mm, trong khi tại trạm Phú Hữu là 74mm, Nguyễn Xiển 41,6mm.
Tại các khu vực đường giao thông huyết mạch trên địa bàn như Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền, mức độ ngập 0,15m); Nguyễn Duy Trinh (có đoạn ngập sâu 0,2m, dài khoảng 200m), Lê Văn Việt (dài 960m, ngập 0,3m), Lã Xuân Oai (khu vực ngập dài 150m, ngập sâu 0,3m).
Đây đều là các “điểm đen” ngập úng của TP Thủ Đức vào mỗi mùa mưa, nhưng đến này vẫn chưa có giải pháp triệt để để thoát nước nhanh chóng, đảm bảo hoạt động giao thông và đi lại của người dân.
Không riêng gì TP Thủ Đức, đầu mùa mưa năm nay cũng đã ghi nhận tình trạng ngập úng tại nhiều khu vực quận, huyện vùng trũng của TP.HCM. Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM ghi nhận lượng mưa cao tại các đường Dương Quảng Hàm (87,9mm, thuộc quận Gò Vấp); khu vực Bình Triệu (0,74mm, thuộc quận Bình Thạnh).
Ngoài ra còn có các điểm ngập cục bộ hoặc điểm ngập tức thời do mưa lớn kết hợp triều cường cũng khiến các tuyến đường lớn bị ngập nước như Phan Huy Ích, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp); Ung Văn Khiêm, Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh); Trường Sơn, Phan Văn Hớn, quốc lộ 22 (quận Tân Bình, quận 12, huyện Hóc Môn).
Do tình trạng ngập úng, nhiều tuyến đường huyết mạch của TP.HCM đã bị “thất thủ” do kẹt xe, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Chị Lương Ngọc Châu, nhân viên văn phòng, thường xuyên di chuyển từ quận 1 về Thủ Đức vào đúng thời điểm mưa lớn cho biết, mùa mưa năm nay đến bất ngờ và sớm hơn những năm trước, chị đã rút kinh nghiệm là không di chuyển vào cao điểm mà ở lại công ty sau giờ tan tầm vừa để tránh kẹt xe, vừa tránh đi vào những tuyến đường ngập nặng như Võ Văn Ngân, chợ Thủ Đức, nhưng tình hình không quá khả quan.
“Năm nay có vẻ ngập nặng hơn những năm trước, nhiều đồng nghiệp của tôi bị xe chết máy, vì thế tôi đã thay đổi tuyến đường di chuyển là đi xa lộ Hà Nội, hướng quận 9 (cũ) về Thủ Đức, tuy nhiên ngay ngã tư Bình Thái thì vẫn bị ngập, đây là điểm ngập mới mà năm trước tôi chưa thấy”, chị Châu chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Thuận, tài xế SM Xanh cũng cho biết, ông hay chở khách qua đoạn đường từ huyện Nhà Bè về Thủ Đức, không khó để thấy tình trạng xe ô tô lẫn xe máy bị chết máy. “Đối với các phương tiện xe hơi gầm thấp thì việc chết máy giữa đường thường xuyên là vấn đề đối với các tài xế”, ông Thuận cho biết.
Cũng theo ông Thuận, khu vực đường Nguyễn Văn Linh (giao cắt với Nguyễn Hữu Thọ) dù đã được cải tạo nhiều năm nhưng vẫn còn ngập nước do mưa lớn kết hợp triều cường và dự báo sẽ còn tình trạng này kéo dài suốt mùa mưa năm nay.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, tính đến hết năm 2023, thành phố còn 13 tuyến đường trục chính ngập do mưa và 5 tuyến đường trục chính ngập do triều.
Ông Lý Thanh Long (Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết, hiện thành phố đang triển khai 3 dự án xóa, giảm ngập. Còn đối với việc giải quyết các tuyến ngập do triều, thành phố phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng dự án Giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) sẽ giải quyết được 5/5 tuyến đường ngập do triều.
Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung xây dựng nhà máy xử lý nước thải, nâng công suất của Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng; hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè giai đoạn 2. Về giải pháp trung hạn và dài hạn, thời gian tới thành phố cũng sẽ khởi công và hoàn thành nhiều dự án xây dựng hệ thống thoát nước.
Ngoài ra, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 có nguy cơ tăng vốn từ gần 10.000 tỷ đồng lên 14.398 tỷ đồng, cũng đang gặp khó khăn về tiến độ và vốn đầu tư.
“Trong giai đoạn trước mắt, nhằm đảm bảo công tác thoát nước được tốt, Sở Xây dựng đã chỉ đạo các trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật triển khai các nhiệm vụ cụ thể. Duy tu sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành van ngăn triều, xây dựng các phương án trực mưa. Ngoài ra, cũng phối hợp với trung tâm hạ tầng giao thông đường bộ thống nhất các phương án điều tiết giao thông tại các điểm có ngập. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức vận động người dân tham gia bảo vệ các hệ thống thoát nước, không lấp, bít và bỏ rác thải tại các miệng thu nước”, ông Lý Thanh Long cho biết.