| Hotline: 0983.970.780

Chủ động bảo vệ môi trường thủy sản

Thứ Tư 13/10/2021 , 16:47 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Người dân huyện Minh Hóa đã chủ động ứng phó với mùa mưa nhằm hạn chế tối đa thiệt hại và bảo vệ môi trường thủy sản….

Hiện nay, Minh Hóa (Quảng Bình) có gần 40 ha nuôi trồng thủy sản. Trung bình sản lượng khai thác mỗi năm đạt gần 250 tấn các loại. Nuôi trồng thủy sản đã mang đến nguồn thu nhập hiệu quả cho nhiều hộ dân.

Để kịp thời ứng phó với mùa mưa bão năm nay, người dân tại đây đang tập trung cao độ thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại và bảo vệ môi trường thủy sản.

Nếu như năm 2020 bị ảnh hưởng nặng nề do những cơn mưa lũ kéo dài thì từ đầu năm 2021 cho tới nay, nhiều ngành nghề đều bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19. Theo đó, sản lượng khai thác, đánh bắt thuỷ sản ở huyện Minh Hóa đã bị sụt giảm mạnh. Từ chỗ hàng năm đều đạt khoảng 250 thì đến cuối tháng 7, sản lượng mới đạt gần 100 tấn.

Nhằm kịp thời ứng phó với mùa mưa bão năm nay, người nuôi trồng thủy sản ở Minh Hoá nhanh chóng áp dụng nhiều kỹ thuật cao, tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, lồng cá để hạn chế hư hỏng, sạt lở do mưa lũ gây ra.

Người dân Minh Hóa phát triển nuôi cá nước ngọt đảm bảo môi trường. Ảnh: Công Điền.

Người dân Minh Hóa phát triển nuôi cá nước ngọt đảm bảo môi trường. Ảnh: Công Điền.

Ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo các hộ nuôi thủy sản khẩn trương thu hoạch thủy sản nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm, nhanh chóng xuất bán trước khi điều kiện thời tiết xấu làm ảnh hưởng đến năng suất.

Theo bà Nguyễn Thị Bê, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Minh Hóa, cán bộ đã hướng dân bà con chủ động xử lý môi trường nước bằng vôi bột với lượng 2-3kg/100m3 nước ao hoặc một số hóa chất được phép sử dụng theo đúng liều lượng hướng dẫn của nhà sản xuất để khử trùng nước ao nuôi, phòng dịch bệnh tốt cho thủy sản… .

Ngoài ra, người nuôi trồng thủy sản cũng được khuyến cáo và hướng dẫn sử dụng vitamin C trong thức ăn cho cá nuôi. Ông Đinh Văn Thành (ở Quy Đạt, huyện Minh Hóa) cũng đã sử dụng khuyên cáo này trong việc chăm sóc cá ở hồ nuôi. Ông Thành cho hay: “Việc bổ sung vitamin C vào thức ăn cho cá để tăng cường sức đề kháng cũng đặc biệt được chú trọng. Cá nuôi sẽ có sức kháng bệnh tốt hơn”.

Trước mùa mưa, về cơ bản, đa số các hộ dân nuôi trồng thủy sản đều đã nắm bắt rõ được các biện pháp để bảo vệ và phòng chống thiệt hại do mưa bão gây ra. Người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, luôn sẵn sàng làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt để ứng phó hiệu quả với thiên tai.

Xuôi theo thượng nguồn sông Gianh, huyện Tuy Hóa cũng đã tái tạo bổ sung cho môi trường thủy sản lượng cá giống đáng kể.

Tại hồ chứa Đập Bẹ (xã Mai Hóa) và trên sông Gianh (thuộc địa bàn xã Thạch Hóa), huyện Tuyên Hóa phối hợp với các địa phương tổ chức thả hơn 40.000 con cá giống. Các loại cá giống được thả chủ yếu là lóc, mè, trắm, chép, rô phi để bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Tuyên Hóa là địa bàn có nhiều hồ đập, sông, suối với nguồn thủy sản phong phú. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc đánh bắt các loài thủy sản tự nhiên diễn ra với quy mô ngày càng tăng.

Nhiều hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt vẫn được một số đối tượng lén lút thực hiện làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Thả cá giống để bảo vệ môi trường và tái tạo nguồn lợi thủy sản ở Quảng Bình. Ảnh: Công Điền.

Thả cá giống để bảo vệ môi trường và tái tạo nguồn lợi thủy sản ở Quảng Bình. Ảnh: Công Điền.

Hoạt động thả cá giống và các loài thủy sản được huyện Tuyên Hóa triển khai hàng năm với số lượng và quy mô ngày càng lớn, góp phần bổ sung nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên, tái tạo quần đàn bị khai thác cạn kiệt.

Ông Lê Văn Toàn, ở xã Thạch Hóa thường xuyên đánh bắt cá trên sông cho rằng những năm gần đây lượng cá đánh bắt được ngày càng giảm về số lượng. Vì vậy, khi tham dự vào hoạt động thả cá trên sông ông rất vui mừng.

Ông Toàn chia sẻ: ‘Hy vọng từ hoạt động này, người dân sẽ có suy nghĩ khác đi để bảo vệ môi trường thủy sản và hạn chế, từ bỏ việc đánh bắt cá có tính hủy diệt như rà điện, tận diệt. Có như vậy thì sản lượng cá trên sông mới được nhiều hơn. Thông qua việc thả cá giống nhằm phát động, khơi dậy phong trào toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bảo vệ môi trường".

Ông Nguyễn Văn Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Tuyên Hóa cho hay: “Thông qua việc này, chúng tôi tuyên truyền đến người dân không khai thác thủy sản mang tính hủy diệt như sử dụng lưới có mắt nhỏ, dùng xung điện, hóa chất độc hại. Qua đó, mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường, nguồn nước, phát triển nguồn lợi thủy sản của địa phương”.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.