| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh

Thứ Hai 11/10/2021 , 23:26 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Gần đây, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình đã thực hiện chuyển đổi vùng đất nhiễm mặn, đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh, cho hiệu quả cao.

Tôm càng xanh là loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, kích cỡ tương đối lớn, thịt thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đầu năm 2018, Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư Quảng Bình (Trung tâm) đã thực hiện thí điểm mô hình nuôi tôm càng xanh trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả tại huyện Quảng Ninh và Bố Trạch.

Kết quả cho thấy, tôm càng xanh thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Chuyển đổi vùng đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh ở huyện Quảng Ninh. Ảnh: Công Điền.

Chuyển đổi vùng đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh ở huyện Quảng Ninh. Ảnh: Công Điền.

Năm 2021, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa chuyển đổi gắn với tiêu thụ sản phẩm được nhân rộng tại các xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy), Gia Ninh, Hàm Ninh, Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh) và Đức Ninh (TP Đồng Hới) với diện tích gần 5 ha.

Bà Hồ Thị Thủy, Phó trưởng Phòng Chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư Quảng Bình cho biết, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa chuyển đổi gắn với tiêu thụ sản phẩm được triển khai thực hiện tại 8 hộ nuôi tôm trên địa bàn các huyện.

Mục tiêu của mô hình là chuyển đổi những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh thương phẩm thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng hiệu quả kinh tế.

Tham gia mô hình, người dân được Trung tâm hỗ trợ 50% giống và 50% vật tư (thuốc, thức ăn…). Trước khi thực hiện, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật nuôi, quy trình chăm sóc và cách phòng trừ dịch hại trên tôm.

Giống tôm được chọn thả là giống tôm càng xanh toàn đực được mua tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II. Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi và hướng dẫn ghi chép sổ nhật ký sản xuất cho nông dân...

Do thời gian nuôi tôm rơi vào thời điểm nắng nóng, thời tiết thay đổi liên tục, các hộ nuôi còn thiếu kinh nghiệm trong nuôi tôm càng xanh nên cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thường xuyên bám hộ, bám mô hình để kịp thời phát hiện những thay đổi trong môi trường nước.

Sau 5 tháng nuôi, cho thấy tôm sinh trưởng và phát triển tốt. Trọng lượng bình quân khi thu hoạch đạt 25 - 30 con/kg, sản lượng thu được bình quân mỗi hộ 2.000 kg, với giá bán 200.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi hộ thu được lợi nhuận gần 120 triệu đồng/ha.

Mô hình nuôi tôm càng xanh cho nông dân thu nhập khoảng 120 triệu đồng/ha. Ảnh: Công Điền.

Mô hình nuôi tôm càng xanh cho nông dân thu nhập khoảng 120 triệu đồng/ha. Ảnh: Công Điền.

Ông Lê Hùng (xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh) là hộ lần đầu tiên tham gia mô hình cho biết, đã mạnh dạn nuôi tôm càng xanh toàn đực trên 0,5 ha đất lúa kém hiệu quả nên còn khá nhiều bỡ ngỡ. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư tỉnh, nên đã khắc phục kịp thời những sự cố trong ao nuôi do ảnh hưởng của thời tiết.

Ông Hùng chia sẻ: Cái hay của nuôi tôm càng xanh là không phải phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn trên thị trường vì có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có để bổ sung cho tôm như cá tạp, tép... Ngoài ra, nuôi loại tôm này suất đầu tư ít và cho thu nhập khá cao.

Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư Quảng Bình: Tôm càng xanh là đối tượng nuôi khá mới, nhu cầu tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh. Để hỗ trợ người dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm, Trung tâm đã đứng ra kết nối, giới thiệu, quảng bá rộng rãi sản phẩm tôm càng xanh.

Mô hình không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho người dân mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của bà con trong nuôi trồng thủy sản; chủ động hơn trong việc ứng dụng KH-KT vào sản xuất, phòng chống dịch hại trên tôm.

Quy trình kỹ thuật nuôi tôm càng xanh áp dụng cân bằng sinh học không tác động đến môi trường, giảm thiểu dịch bệnh, tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Tuy nhiên, người dân cần chọn nguồn giống ở các cơ sở sản xuất có uy tín. Môi trường nuôi là đất ruộng chuyển đổi thường nhiều dịch hại nên công tác cải tạo ao nuôi cần chuẩn bị kỹ lưỡng và tuân thủ tuyệt đối các quy trình kỹ thuật nuôi”, ông Hải lưu ý.

Thời điểm hiện tại, nhiều hộ nuôi tôm đã tiến hành thu hoạch tôm. Ông Đặng Văn Thỏn (xã Đức Ninh, TP Đồng Hới) cho biết: Đầu vụ, ông thả 60.000 con tôm càng xanh giống, sau một thời gian nuôi và chăm sóc tôm theo đúng quy trình kỹ thuật, hiện ông đã bắt đầu thu hoạch tôm để bán dần cho người dân trên địa bàn.

"Tôm từ 25 - 30 con/kg có giá bán từ 150.000 - 200.000 đồng/kg. Mặc dù khó khăn tiêu thụ do dịch Covid-19, giá bán đợt này đang thấp nhưng gia đình tôi vẫn rất phấn khởi và sẽ tiếp tục nhân rộng, phát triển mô hình trong thời gian tới”.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất