Tiếp chuỗi sự kiến trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh, thành phố tại Bình Định diễn ra từ ngày 24/6 đến 3/7, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) phối hợp Sở Công thương Bình Định tổ chức Hội nghị tập huấn và Kết nối thương mại điện tử cho doanh nghiệp Bình Định và các tỉnh miền Trung,
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khuyến cáo doanh nghiệp, HTX, người dân chủ động "chào hàng trực tuyến” trên thị trường thương mại điện tử trong và ngoài nước, bên cạnh nỗ lực kết nối của chính quyền địa phương.
"Hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhiều tỉnh, thành phố đã phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng các đơn vị đối tác tổ chức nhiều chương trình kết nối thương mại điện tử và các hoạt động phát triển thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm Việt. Đây là cơ hội cho nông sản đặc trưng, tiêu biểu của Bình Định tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị và thương hiệu", bà Huyền nói.
Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đề xuất một số phương án hợp tác giữa các bên. Theo đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử và logistics sẽ cung cấp thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, nhà cung cấp địa phương về điều kiện, thủ tục, giấy tờ để đưa sản phẩm vào sàn thương mại điện tử.
Ngoài ra, những đơn vị này còn hỗ trợ địa điểm và tư vấn tổ chức các chương trình quảng bá nông sản, xây dựng các chương trình khuyến mại, hoặc các buổi giới thiệu trực tuyến kết hợp trên trực tiếp tại sàn thương mại điện tử.
Đối với các sản phẩm chưa đủ điều kiện đưa vào hệ thống ngay, các sàn thương mại điện tử sẽ tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất hoàn thiện những điều kiện, thủ tục trong thời gian nhanh nhất.
"Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua sàn thương mại điện tử là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX… trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường trong thời đại kinh tế số hiện nay", bà Huyền nhấn mạnh.
Chủ trương chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở các cấp, từ Trung ương đến địa phương, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Trong đó, hoạt động chuyển đổi số nông nghiệp là nằm trong nhóm được Chính phủ quan tâm bậc nhất.
Nhằm đào tạo, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh chuyển đổi số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục phối hợp địa phương và các đơn vị liên quan triển khai ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng các giải pháp số, tài chính số trong phát triển sản xuất, kinh doanh theo các mô hình hiện đại.
Ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Định nêu thực tế, nhà vườn, chủ trang trại, HTX, doanh nghiệp bao tiêu nông sản, đơn vị xuất khẩu ở địa phương không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, phương thức bán hàng còn nhỏ lẻ, nhiều đơn vị gặp khó khăn trong khâu vận hành trên các sàn thương mại điện tử.
Tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử là một xu thế tất yếu hiện nay, theo ông Kha. Cùng với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử giúp các hộ nông dân vừa có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng khắp mọi miền đất nước, vừa hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn.
Phát triển tiêu thụ sản phẩm địa phương qua thương mại điện tử tại thị trường trong nước cũng là một cách hướng đến tham gia các sàn thương mại điện tử lớn của thế giới.
Lãnh đạo Sở Công thương Bình Định cũng đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tiếp tục đồng hành trong việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để phát triển sản xuất, kinh doanh theo mô hình hiện đại. Từ đó, doanh nghiệp Bình Định có thể khai thác tốt các chính sách hỗ trợ của Bộ Công thương, của các sàn thương mại điện tử, các đơn vị vận chuyển cũng như các đối tác trung gian thanh toán.
Với tiềm năng rất lớn về sản phẩm nông nghiệp, đặc sản địa phương, Việt Nam được dự báo có nhiều cơ hội để đẩy mạnh tiêu thụ trên thương mại điện tử, cũng như hướng tới xuất khẩu, trong bối cảnh nước ta đang mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do.
Hội chợ triển lãm sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của các tỉnh, thành phố tại Bình Định quy tụ khoảng 400 gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, cùng nhiều sản phẩm chất lượng đến từ gần 30 tỉnh, thành phố lân cận.