| Hotline: 0983.970.780

Chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thứ Năm 09/09/2021 , 11:43 (GMT+7)

Nghệ An sở hữu tổng đàn gia súc lớn nhưng đa phần là chăn nuôi nông hộ, do đó công tác quản lý an toàn phòng chống dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu.

Trên địa bàn Nghệ An chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm đa số, do đó công tác quản lý, phòng chống dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Ảnh: Anh Khôi.

Trên địa bàn Nghệ An chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm đa số, do đó công tác quản lý, phòng chống dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Ảnh: Anh Khôi.

Quy mô càng lớn càng phải đề phòng

Nghệ An có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn với 788.000 con trâu bò, 926.000 con lợn và trên 26 triệu con gia cầm. Số lượng dù "nhiều nhưng không tinh" bởi hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, phân tán chiếm đến 85%. Nhiều vùng chủ yếu chăn thả rông, chuồng trại không đảm bảo, khâu tiêm phòng chưa đạt đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý và ứng phó phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, dù trên địa bàn có hàng chục cơ sở giết mổ (bao gồm 19 cơ sở giết mổ tập trung đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm) nhưng nhìn chung chính quyền cơ sở vẫn thiếu sự chỉ đạo, quản lý, đôn đốc, kiểm tra. Phần đa vẫn duy trì hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, chính những điều này ẩn chứa rất nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Hai nữa, Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, lại nằm trên trục chính của các tuyến giao thông Bắc - Nam, do đó việc kiểm soát, hạn chế lây lan dịch bệnh từ các phương tiện giao thông càng khó khăn gấp bội.

Là tỉnh có địa bàn rộng, lại nằm trên trục chính của các tuyến giao thông Bắc - Nam, vì thế quá trình kiểm soát vận chuyển phòng chống dịch bệnh gia súc trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Việt Khánh. 

Là tỉnh có địa bàn rộng, lại nằm trên trục chính của các tuyến giao thông Bắc - Nam, vì thế quá trình kiểm soát vận chuyển phòng chống dịch bệnh gia súc trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Việt Khánh. 

Nguyên nhân nữa xuất phát từ nhân lực chuyên ngành còn mỏng, đặc biệt cán bộ thú y cấp xã, lực lượng này vừa thiếu, vừa yếu, chưa kể phụ cấp thấp nên không thể níu chân họ nên hiện đang lộ ra nhiều lỗ hổng.

Theo ghi nhận của NNVN, thực hiện Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Nghệ An thì nhân viên thú y thuộc Ban NN-PTNT không nằm trong chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và không có chế độ phụ cấp. Trong thế “liệu cơm gắp mắm”, công tác chăn nuôi và thú y đành giao cho các chức danh như: công chức Địa chính - Nông nghiệp hoặc Hội Nông dân, Đoàn thanh niên… theo hình thức kiêm nhiệm, vì thế hoạt động kém hiệu quả.

Xuất phát từ thực tiễn, lộ trình đến 2025 Nghệ An đặt mục tiêu duy trì ổn định đàn trâu khoảng 268.000 con, đàn bò thịt từ 445.000 - 450.000 con, đàn bò sữa đạt 90.000 con. Trên tinh thần đó sẽ từng bước cơ cấu lại phương thức chăn nuôi, dần chuyển dịch theo quy mô công nghiệp, trang trại.

Mục tiêu của ngành thú y tỉnh là chủ động khống chế hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi theo nguyên tắc “Thực hiện phòng bệnh là chính, chữa bệnh kịp thời, chống dịch khẩn trương; phát hiện nhanh, chính xác, xử lý triệt để”.

Cẩn trọng không thừa

Dịch lở mồm long móng (LMLM) trên địa bàn tỉnh Nghệ An có xu hướng giảm dần. Năm 2017 xảy ra khá nhiều ổ dịch với 446 con gia súc mắc bệnh. Từ  2018-2020 dịch chủ yếu xảy ra trên đàn trâu bò nhưng quy mô nhỏ lẻ, trong diện hẹp.

Trong 6 tháng đầu năm 2021 diễn biến chung được kiểm soát tốt với chỉ tổng cộng 5 ổ dịch thuộc 29 hộ của 4 huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Diễn Châu và Tân Kỳ, số trâu, bò mắc bệnh chỉ 70 con.

Qua theo dõi, phần đa các trường hợp bị bệnh là do không thực hiện tiêm phòng đầy đủ, không có đủ miễn dịch để chống chọi trước sự xâm nhập của virus. Ngoài ra, nhiều hộ chăn nuôi tự phát không bảo đảm vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường, gia súc mua về không có nguồn gốc rõ ràng… cũng là nguyên nhân.

Dịch lở mồm long móng được ngành chăn nuôi và thú y Nghệ An kiểm soát tốt trong những năm qua. Ảnh: Việt Khánh.

Dịch lở mồm long móng được ngành chăn nuôi và thú y Nghệ An kiểm soát tốt trong những năm qua. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An khẳng định: “Để chủ động phòng, chống dịch bệnh LMLM trên gia súc, người chăn nuôi cần chú ý nắm bắt thông tin về diễn biến thời tiết chủ động phương án che chắn chuồng trại, tránh mưa rét, nhiễm lạnh. Tuyệt đối hạn chế để chuồng trại, vật nuôi bị ngấm, ứ đọng nước, đặc biệt là chuồng nuôi bê nghé”.

Ngành chăn nuôi khuyến cáo, tiêm phòng vacxin LMLM là biện pháp tối ưu để nâng cao hệ thống miễn dịch, do đó người nuôi cần tuân thủ nghiêm túc cho đàn gia súc của mình. Đồng thời thực hiện tốt “5 không” trong phòng chống dịch: Không dấu dịch; Khi có dịch báo ngay cho thú y và chính quyền; Không bán chạy gia súc mắc bệnh; Không giết mổ gia súc mắc bệnh; Không vứt xác chết và chất thải gia súc ra môi trường.

Cùng với đó, cần tăng cường cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho đàn vật nuôi nhằm nâng cao sức để kháng, qua đó chống lại mầm bệnh xâm nhập. Khi phát hiện có những triệu chứng bất thường (bỏ ăn, không nhai lại, nước dãi nhiều và trắng như bọt xà phòng, vành móng có vết loét, đi lại khó khăn) phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở đến để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Dựa theo tình hình thực tại, dễ thấy công tác quản lý và ứng phó dịch bệnh trên vật nuôi nói chung đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Trông chờ đơn thuần vào quá trình xoay xở của lực lượng chức năng chỉ là phương án trước mắt, lâu dài nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ từ chính quyền các cấp.

Xem thêm
Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.