| Hotline: 0983.970.780

Chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi mùa mưa

Chủ Nhật 15/05/2022 , 10:05 (GMT+7)

Giải pháp phòng chống dịch bệnh trên gia cầm, gia súc trong mùa mưa là hết sức cần thiết, nhằm giảm thiệt hại cho các hộ nuôi.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, cũng đang khẩn trương triển khai thực hiện tiêu độc khử trùng ở các khu chăn nuôi với số lượng lớn trên địa bàn. Ảnh: Trọng Linh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, cũng đang khẩn trương triển khai thực hiện tiêu độc khử trùng ở các khu chăn nuôi với số lượng lớn trên địa bàn. Ảnh: Trọng Linh.

Tại ĐBSCL, thời tiết đang bước vào mùa mưa, đây được xem thời điểm dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát và gây hại trên diện rộng. Do đó, công tác quản lý, giám sát và phòng chống dịch cần đảm bảo an toàn và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, nhằm phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa, ngay từ đầu tháng 3/2022, đơn vị đã tiến hành bàn giao thuốc tiêm phòng các loại dịch bệnh như: cúm gia cầm, dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng,… số lượng tổng đàn gia súc, gia cầm tại các địa phương, để cán bộ phụ trách thú y ở các Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tiêm phòng, chống dịch bệnh trước khi mùa mưa đến.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu cũng đang khẩn trương triển khai thực hiện giải pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, tiêu độc khử trùng ở các khu chăn nuôi với số lượng lớn trên địa bàn.

Đối với các lò giết mổ tập trung, các điểm chợ, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì cơ quan chuyên môn hướng dẫn cách vệ sinh nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường. Đặc biệt là tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kịp thời phát hiện và xử lý những sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên địa bàn.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu, nhận định: Công tác Phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã được ngành chủ động triển khai từ trước, thứ nhất là chủ động tiêm phòng, tiêu độc sát trùng, thứ hai là tăng cường kiểm dịch động vật trong và ngoài tỉnh, thứ ba là tuyên truyền khuyến nông về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Tuy nhiên, dù đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhưng tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xảy ra 10 ổ dịch tả heo Châu Phi, với số lượng heo bị tiêu hủy là 117 con và hơn 2.500 con gia súc, gia cầm nhiễm bệnh. Ảnh: Trọng Linh.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xảy ra 10 ổ dịch tả heo Châu Phi, với số lượng heo bị tiêu hủy là 117 con và hơn 2.500 con gia súc, gia cầm nhiễm bệnh. Ảnh: Trọng Linh.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra 10 ổ dịch tả heo châu Phi, với số lượng heo bị tiêu hủy là gần 120 con và hơn 2.500 con gia súc, gia cầm nhiễm bệnh. Để giúp người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người chăn nuôi và người tiêu dùng. Ngoài ra, rà soát số đàn mới phát sinh để hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vacxin đầy đủ liều theo quy định.

Theo khuyến cáo của ngành chăn nuôi, trong mùa mưa, thời tiết ẩm ướt là tác nhân gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của gia súc, gia cầm. Vì vậy, người chăn nuôi cần chủ động đề phòng dịch bệnh, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho đàn vật nuôi, tiêm phòng dịch bệnh, sát trùng, vệ sinh chuồng trại bằng các loại hoạt chất như: benkocid, virkon, vôi, bổ sung thức ăn tinh và xanh...

Ông Đoàn Bạch Đằng, ấp Trưng Hưng 1B, xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ: “Mùa mưa heo dễ bị nhiễm bệnh hơn, do không khí quanh khu chuồng nuôi ẩm thấp, thiếu ánh nắng. Do đó, vật nuôi thường phát triển chậm và hay phát sinh dịch bệnh. Chính vì vậy mà trước khi mùa mưa, cán bộ thú y đến tiêm phòng cho đàn heo 3 con của gia đình, trong đó có một con đang chuẩn bị trong giai đoạn sinh sản”.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh hiện có khoảng 210.000 con heo, 3.400 con trâu, bò và khoảng 3 triệu con gia cầm. Để có thể thực hiện đầy đủ các mũi tiêm phòng cũng như quản lý, bám sát địa bàn nhằm kịp thời triển khai các biện pháp xử lý khi xuất hiện các ổ dịch, ngành Thú y cần một đội ngũ cán bộ khá lớn.

Tuy nhiên, hiện nay cán bộ thú y đều là viên chức kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn và cả trang thiết bị bảo hộ nên hoạt động của lĩnh vực này ở cơ sở khá lỏng lẻo, bị động.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu: Thông qua các chuyến công tác về cơ sở, các lớp tập huấn…, cán bộ chăn nuôi và thú y cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần thường xuyên bổ sung các loại khoáng chất, vitamin, chất điện giải nhằm giúp cho vật nuôi nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh, nhất là trong thời điểm bước vào mùa mưa như hiện nay.

“Đặc biệt là chủ động tiêm phòng vacxin, thường xuyên kiểm tra sức khỏe đàn heo, trâu bò và đàn gia cầm. Khi kiểm tra phát hiện đàn vật nuôi có dấu hiệu bất thường, người chăn nuôi cần báo ngay cho cán bộ thú y gần nhất để được hỗ trợ, hướng dẫn cách giải quyết”, ông Hưng cho biết.

Xem thêm
Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.