Theo đó, toàn tỉnh đã có 193ha xuất hiện bệnh rải rác tại các xã như Lộc Hòa, Nam Vân (thành phố Nam Định); Liên Bảo, Liên Minh, Tam Thanh(huyện Vụ Bản); Nghĩa Hùng, Nghĩa Hải (huyện Nghĩa Hưng); Phương Định (huyện Trực Ninh); Xuân Tân, Xuân Đài, Xuân Phong, Xuân Kiên (huyện Xuân Trường); Hải Bắc (huyện Hải Hậu); Hoành Sơn, Giao Hà (huyện Giao Thủy)...
Hiện toàn tỉnh đã nhổ vùi cây bệnh. Ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định cho biết, đơn vị đã đề nghị Phòng NN - PTNT, Trạm Trồng trọt - BVTV, Trạm Khuyến nông các huyện, thành phố; Ban Nông nghiệp các xã/thị trấn trong toàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để các hộ nông dân tự kiểm tra đồng ruộng, xác định thời điểm lúa trỗ, diễn biến thời tiết để phòng trừ kịp thời, hiệu quả sâu bệnh theo nguyên tắc “4 đúng”… Tập trung phòng trừ một số bệnh như sâu cuốn lá nhỏ lứa 7, sâu đục thân 2 chấm lứa 5, rầy lứa 6, đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, lùn sọc đen và bạc lá.
“Trong thời gian 4 giờ sau phun gặp mưa, cần lách thời tiết để phun trừ lại. Ngoài ra, khi sâu cuốn lá nhỏ và đục thân cùng xuất hiện, chỉ cần sử dụng thuốc trừ sâu đục thân khi lúa bắt đầu trỗ sẽ trừ được cả 2 đối tượng. Nếu các đối tượng dịch hại cần phòng trừ xuất hiện cùng 1 lúc, có thể phối hợp các loại thuốc nhưng vẫn giữ nguyên nồng độ của mỗi loại”, ông Chính lưu ý.