| Hotline: 0983.970.780

Chủ rừng ở Hà Tĩnh chi trả nguồn ERPA đến đâu?

Thứ Bảy 11/05/2024 , 06:00 (GMT+7)

Hiện đã giữa quý II/2024 nhưng các chủ rừng tại Hà Tĩnh vẫn chưa thực hiện chi trả được nguồn ERPA của năm 2023. Nguy cơ trượt thời gian vì gặp nhiều vướng mắc.

Nội dung chi trả hạn chế

Hà Tĩnh là 1 trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ thực hiện Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ (ERPA).  Trên cơ sở nguồn lực Trung ương điều tiết, năm 2023, tỉnh này phân bổ hơn 40,2 tỷ đồng tương ứng với tổng diện tích hơn 201.700ha rừng tự nhiên để chi trả cho công tác quản lý và các chủ rừng được hưởng lợi.

Thời gian chi trả nguồn ERPA đã qua 1,5 năm nhưng đến nay Hà Tĩnh vẫn chưa chi trả được đến các đối tượng hưởng lợi. Ảnh: Thanh Nga.

Thời gian chi trả nguồn ERPA đã qua 1,5 năm nhưng đến nay Hà Tĩnh vẫn chưa chi trả được đến các đối tượng hưởng lợi. Ảnh: Thanh Nga.

Để thực hiện được kế hoạch giao, thời gian qua, cơ quan chức năng liên quan phối hợp chặt chẽ với các chủ rừng tập trung xây dựng kế hoạch tài chính để kịp thời triển khai các bước tiếp theo.

“Hiện đã có 4 đơn vị gồm Vườn quốc gia Vũ Quang, BQL Rừng phòng hộ Hương Khê; BQL Rừng phòng hộ Kẻ Gỗ; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Chúc A; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn gửi kế hoạch tài chính nguồn ERPA năm 2023 để cơ quan chức năng kiểm tra, xem xét, thẩm định.

Khi kế hoạch này được phê duyệt, các đơn vị sẽ triển khai những bước tiếp theo như xây dựng thiết kế, trình duyệt thiết kế, đấu thầu triển khai thực hiện trên hiện trường”, lãnh đạo Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Hà Tĩnh thông tin.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) cho rằng, tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng Hà Tĩnh đang rất lớn, nếu các chủ rừng chi trả được chính sách thí điểm ERPA đang triển khai, tương lai sẽ mở ra cơ hội vàng giúp các chủ rừng Hà Tĩnh nói riêng, 6 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ nói chung “sống” được nhờ bảo vệ rừng, thậm chí làm giàu từ rừng.

“Hiện nay chủ rừng đang tích cực triển khai các bước để giải ngân nguồn tiền đúng tiến độ. Vướng bây giờ là đang làm thí điểm nên cơ quan chức năng cũng như chủ rừng khá bỡ ngỡ”, ông Tùng nói.

Năm 2023, BQL Rừng phòng hộ Hương Khê được phân bổ 4,4 tỷ đồng, tương đương gần 25.000ha rừng tự nhiên đang quản lý, bảo vệ.

Để việc chi trả đúng quy định, đảm bảo tiến độ, thời gian qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Hà Tĩnh tổ chức nhiều cuộc tập huấn đến các chủ rừng... Ảnh: TN.

Để việc chi trả đúng quy định, đảm bảo tiến độ, thời gian qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Hà Tĩnh tổ chức nhiều cuộc tập huấn đến các chủ rừng... Ảnh: TN.

Sau khi rà soát hiện trạng, đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp lâm sinh, gồm làm giàu rừng 30ha và nuôi dưỡng rừng tự tiên 173ha. Hiện Ban đã hoàn thiện kế hoạch tài chính trình Sở NN-PTNT xem xét, thẩm định.

“Chúng tôi đang khá bỡ ngỡ, lúng túng. Bởi, Nghị định ưu tiên chi trả cho cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng mà ở Hương Khê đối tượng này không có. Nếu chi cho biện pháp lâm sinh, chu kỳ thực hiện là 1 năm trồng, 5 năm chăm sóc. Theo quy định của ERPA thì nguồn giải ngân phải kết thúc trước 31/12/2025, như vậy giai đoạn chăm sóc sẽ không đảm bảo nguồn vốn”, ông Hoàng Xuân Tài, Phó Trưởng ban BQL Rừng phòng hộ Hương Khê chia sẻ.

Theo ông, vấn đề đáng lo nữa là niên độ kế hoạch tài chính. Đến bây giờ đã đầu tháng 5/2024 nhưng nguồn năm 2023 vẫn chưa giải ngân được. Nguồn 2024 cũng chưa có thông báo nên các đơn vị chưa biết trong năm nay sẽ triển khai những công việc gì. Hơn nữa, theo quy định, các gói thầu trên 100 triệu đều phải đấu thầu công khai, đòi hỏi phải có thời gian nên rất dễ trượt tiến độ.

“Đặc thù rừng các tỉnh Bắc Trung bộ không có hoặc rất ít cộng đồng dân cư khoán bảo vệ rừng. Nếu muốn chi trả hết nguồn ERPA, chúng tôi mong muốn Bộ NN-PTNT sớm đề xuất Chính phủ bổ sung đối tượng khoán bảo vệ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ngoài cộng đồng dân cư”, ông Tài kiến nghị.

Đồng quan điểm, ông Trần Trung Anh, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác đầu tư (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn) cho rằng, nội dung chi trả từ nguồn ERPA quá hạn chế, không phù hợp với hiện trạng công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Hà Tĩnh nên quá trình giải ngân nguồn vốn đảm bảo quy định gặp nhiều khó khăn.

“Ở Hương Sơn không có cộng đồng dân cư khoán bảo vệ rừng nên nội dung chúng tôi đề xuất cũng thực hiện biện pháp lâm sinh trên diện tích gần 50 ha ở xã Sơn Hồng. Tuy nhiên, chi lâm sinh lại bị ràng buộc Luật đầu tư, Luật đấu thầu..., dễ bị trượt thời gian”, ông Anh nói.

Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác đầu tư phân tích, bản chất tiền ERPA là tiền dịch vụ môi trường rừng, nguyện vọng doanh nghiệp mong muốn chủ rừng được thực hiện chi trả theo khoản 3 điều 70, Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ: “Toàn bộ số tiền dịch vụ môi trường rừng nhận được là nguồn thu của doanh nghiệp, được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về tài chính đối với doanh nghiệp”.

Cần một hội nghị mở rộng tháo gỡ vướng mắc

Theo lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Hà Tĩnh, theo quy định, toàn bộ nguồn ERPA phải giải ngân trong 3 năm nhưng đến nay đã gần một năm rưỡi nhưng tỷ lệ giải ngân mới được nhỉnh 10%.

Đồng thời, phối hợp các Sở ngành tổ chức học tập kinh nghiệm triển khai chi trả nguồn ERPA tại tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ảnh: TN.

Đồng thời, phối hợp các Sở ngành tổ chức học tập kinh nghiệm triển khai chi trả nguồn ERPA tại tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Ảnh: TN.

“Để đẩy nhanh tiến độ chi trả nguồn ERPA chúng tôi đề xuất Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cần nhanh chóng có hội nghị quy mô 6 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ để có giải pháp tháo gỡ sớm những khó khăn, vướng mắc trong thời gian vừa qua”, vị lãnh đạo nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu, các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình cũng đều gặp chung khó khăn như Hà Tĩnh và cũng chưa thực hiện chi trả được đến đối tượng hưởng lợi. Vướng mắc chính rơi vào nội dung chi trả theo Nghị định 107 hạn chế; chi phí thực hiện không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách nhà nước…

Từ đầu năm đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Hà Tĩnh đã tổ chức 3 cuộc tập huấn cho các đối tượng hưởng lợi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các Sở ngành tổ chức học tập kinh nghiệm triển khai chi trả nguồn ERPA, tham quan mô hình các biện pháp lâm sinh tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...

Hà Nội công bố bảng giá đất mới, cao nhất gần 700 triệu đồng/m2

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 71 sửa đổi, bổ sung Quyết định 30 về quy định và bảng giá đất trên địa bàn thành phố.