| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Xác định những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Chủ Nhật 04/02/2024 , 14:51 (GMT+7)

Bạc Liêu đặt ra những mục tiêu để phát triển kinh tế bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển kinh tế biển của vùng ĐBSCL. Ảnh: Trọng Linh.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển kinh tế biển của vùng ĐBSCL. Ảnh: Trọng Linh.

Phát triển kinh tế biển

Vừa qua, tỉnh Bạc Liêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển kinh tế biển của vùng ĐBSCL, phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững. Để cụ thể hóa mục tiêu này, bước sang năm 2024, những chiến lược trọng tâm sẽ được địa phương hoạch định.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu xác định: Để phát huy tiềm năng của tỉnh, Bạc Liêu đã tổ chức phát triển các ngành kinh tế biển và bước đầu có chuyển biến tích cực. Việc xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở phục vụ cho việc thu hút đầu tư phát triển khu vực ven biển nhằm phát triển kinh tế biển trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu, phòng ngừa, ứng phó thiên tai, giảm thiệt hại khi biến đổi khí hậu xảy ra.

Công tác bố trí các nguồn vốn cho các dự án dự án được quan tâm thực hiện, nhiều công trình dự án thích ứng biến đổi khí hậu được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, các chính sách phát triển thủy sản, đóng mới, nâng cấp tàu cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai một cách đồng bộ, công tác thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được quan tâm từng bước góp phần phát triển kinh tế biển của tỉnh và đời sống nhân dân vùng ven biển ngày càng được cải thiện.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/12/2018 của (khóa XV) về phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025 Ảnh: Trọng Linh.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/12/2018 của (khóa XV) về phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025 Ảnh: Trọng Linh.

Trước đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/12/2018 của (khóa XV) về phát triển kinh tế biển tỉnh Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh từ biển, giàu từ biển. Tập trung xây dựng và phát triển các ngành kinh tế biển toàn diện, đồng bộ theo hướng hiện đại, có sức cạnh tranh cao; ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc…

Đồng thời, chú trọng đầu tư nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản. Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), điện khí và xây dựng các cụm kinh tế đô thị ven biển kết hợp với du lịch biển. Phấn đấu đến năm 2025, Bạc Liêu trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển khá, là trung tâm điện gió, điện mặt trời, điện khí và là trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

Theo ông Thiều, đến cuối năm 2023, tỉnh Bạc Liêu cơ bản đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Đồng thời, xây dựng Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước. Hiện toàn tỉnh đã hình thành 5 vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, với tổng diện tích 4.600ha.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều tham quan khu hoạch tôm đầu tiên tại Khu phức hợp ngành tôm công nghệ cao của Tập đoàn GrowMax tại xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải. Ảnh: Trọng Linh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều tham quan khu hoạch tôm đầu tiên tại Khu phức hợp ngành tôm công nghệ cao của Tập đoàn GrowMax tại xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải. Ảnh: Trọng Linh.

Về nuôi trồng thủy sản, Bạc Liêu tập trung phát triển các đối tượng chủ lực như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể... Qua đó, phát huy lợi thế nuôi tôm sú, thẻ chân trắng tại các vùng nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh. Các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao được quan tâm phát triển. Tổng sản lượng thủy sản đạt gần 507 ngàn tấn, đạt 100% kế hoạch (tăng 16,3% so cùng kỳ). Diện tích canh tác thủy sản 136.852ha; diện tích nuôi trồng thủy sản 145.725ha.

Về khai thác, đánh bắt thủy sản, hiện nay tỉnh có 1.018 chiếc tàu cá đăng ký, đăng kiểm, tổng công suất 210.070 CV. Tổng số thuyền viên 6.190 người, số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hơn 450 chiếc. Sản lượng khai thác trong năm 2023 là 118.400, tấn, trong đó tôm gần  10.000 tấn, cá và thủy sản khác hơn 108.400 tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng 0,72% so với cùng kỳ.

Phát triển năng lượng tái tạo

Theo ông Phạm Văn Thiều, ngoài những ngành kinh tế biển chủ đạo trên, hiện nay Bạc Liêu cũng bước đầu phát triển năng lượng tái tạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Kết quả đến nay trên địa bàn tỉnh có 10 dự án nhà máy điện gió đã và đang được đầu tư với tổng công suất là hơn 660 MW, trong đó đã hoàn thành đưa vào hoạt động có 8 dự án điện gió, với tổng công suất là 469,2 MW.

Bạc Liêu được đánh giá là tỉnh có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Trọng Linh.

Bạc Liêu được đánh giá là tỉnh có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Trọng Linh.

Đồng thời, triển khai thực hiện 2 dự án điện gió khác với tổng công suất là 191 MW, đặc biệt tỉnh đã thu hút được Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD. Bên cạnh đó, tỉnh đã tổng hợp đề xuất vào Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII quốc gia là 11 dự án nguồn điện đến năm 2030, với tổng công suất là 560 MW và lưới điện truyền tải 500kV, 220kV để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo khi được phê duyệt. Đây là tiền đề quan trọng để Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.

Năm nhiệm vụ trọng tâm

Năm 2024, để đạt mục tiêu tổng quát là phát triển kinh tế bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu qua và sức mạnh cạnh tranh, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu – Phạm Văn Thiều cho biết, tỉnh sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra ở các ngành, lĩnh vực theo các Nghị quyết, Chương trình, Kết luận, Kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Đồng thời, triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt. Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Giống lúa BL9 được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận lưu hành đặc cách cho Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu vào năm 2023. Ảnh: TL.

Giống lúa BL9 được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận lưu hành đặc cách cho Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu vào năm 2023. Ảnh: TL.

Thứ hai, cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để cải thiện, nâng cao điểm số và thứ hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh.

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng - kỹ thuật; quan tâm, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, mời gọi, thu hút các dự án điện, khu đô thị, nhất là đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã được tỉnh quy hoạch. Phát triển thương mại, dịch vụ; tổ chức triển khai thực hiện tốt các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo hướng bền vững, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Bốn là, triển khai thực hiện tốt các chính sách về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, nhất là các chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, thu hút các thành phần kinh tế. Phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước. Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc ngay tại cơ sở.

Năm là, thực hiện tốt chính sách xã hội, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, bảo đảm ổn định và phát triển xã hội bền vững. Gắn kết chặt chẽ các chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bảo đảm mọi người đều bình đẳng, có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.