| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: 'Chúng tôi không phải là những người vô cảm'

Thứ Sáu 21/07/2023 , 16:07 (GMT+7)

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị nói tại buổi đối thoại công khai với người dân Cồn Xanh bị thu hồi đầm bãi nuôi trồng thủy sản sáng 21/7.

Sáng 21/7, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cùng lãnh đạo các Sở, ngành và huyện Nghĩa Hưng đã tổ chức cuộc đối thoại với người dân bị thu hồi đầm bãi tại Nghĩa Hưng.

Đây là cuộc đối thoại lần thứ 3 được Nam Định tổ chức công khai. Cuộc đối thoại gần nhất - ngày 23/6 - bất thành do người dân kiến nghị có sự tham dự của đại diện các cơ quan Trung ương và xin hoãn cuộc đối thoại cho đến khi có các đại diện của Thanh tra Chính phủ; Bộ NN-PTNT; Bộ TN-MT.

Chủ tịch tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đối thoại với người dân bị thu hồi đầm bãi nuôi trồng thủy sản tại Cồn Xanh sáng 21/7. Ảnh: Kiên Trung.

Chủ tịch tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đối thoại với người dân bị thu hồi đầm bãi nuôi trồng thủy sản tại Cồn Xanh sáng 21/7. Ảnh: Kiên Trung.

Cuộc đối thoại lần này, UBND tỉnh Nam Định đã mời đại diện 3 cơ quan Trung ương nói trên cùng tham dự theo nguyện vọng của người dân, tổ chức tại Trung tâm Văn hóa huyện Nghĩa Hưng.

Các ông Vũ Đông Giang, Lê Văn Tuẩn, Nguyễn Văn Cương, Trần Văn Hiển, Nguyễn Văn Túc đại diện cho các hộ dân tham dự đối thoại theo giấy mời. Ngoài ra, hàng trăm người dân thuộc diện bị thu hồi đầm bãi nuôi trồng thủy sản tại Cồn Xanh cũng có mặt tham dự, lắng nghe cuộc đối thoại.

Buổi đối thoại tập trung giải đáp 22 kiến nghị của người dân gồm các nội dung: Nguồn gốc đất đầm bãi bị thu hồi; thẩm quyền cơ quan quản lý; các vấn đề liên quan tới thời hạn cho thuê đất; đấu giá đất đầm bãi nuôi trồng thủy sản; vấn đề chính sách đền bù - hỗ trợ; chuyển đổi nghề nghiệp; thương hiệu vật nuôi cá Bống Bớp của người dân địa phương; các vấn đề về an toàn môi trường biển khi dự án triển khai; vấn đề phá rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển, xói lở đất ven biển, sạt lở kè sinh thái…

Đại diện các hộ dân bị thu hồi đầm bãi Cồn Xanh tham dự đối thoại theo giấy mời. Ảnh: Kiên Trung.

Đại diện các hộ dân bị thu hồi đầm bãi Cồn Xanh tham dự đối thoại theo giấy mời. Ảnh: Kiên Trung.

Giải đáp đây là chủ trương chuyển đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển công nghiệp, kinh tế ven biển… nhằm mang lại nguồn thu cho địa phương trên diện tích đất ven biển tại các xã thuộc huyện Nghĩa Hưng do nhà nước quản lý; các hộ dân ký hợp đồng thuê đất có thời hạn… nên khi triển khai các dự án, chính quyền thu hồi theo đúng quy định pháp luật.

Chủ tịch tỉnh Nam Định mong muốn cuộc đối thoại sẽ giải đáp những kiến nghị, thắc mắc của bà con để từ đó tìm được tiếng nói chung; mong người dân ủng hộ, đồng thuận với chính quyền trong mục tiêu phát triển kinh tế xã hội về lâu dài.

Chủ tịch tỉnh Nam Định trực tiếp giao lãnh đạo các Sở NN-PTNT; Tài nguyên Môi trường; Xây dựng; Kế hoạch Đầu tư… giải đáp các kiến nghị, thắc mắc của người dân. Ngoài ra, ông Phạm Đình Nghị cũng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch huyện Nghĩa Hưng trực tiếp giải đáp các nội dung thuộc thẩm quyền của cấp huyện theo các câu hỏi của bà con tại cuộc đối thoại.

Theo UBND tỉnh Nam Định, việc thu hồi hơn 800ha đầm bãi nuôi trồng thủy sản của các hộ dân nhằm triển khai các dự án trọng điểm, gồm một dự án cấu kiện bê tông đúc sẵn; 2 dự án thép của Tập đoàn Xuân Thiện. Các dự án này chiếm khoảng 50% diện tích đất bị thu hồi.

Toàn cảnh buổi đối thoại sáng 21/7. Ảnh: Kiên Trung.

Toàn cảnh buổi đối thoại sáng 21/7. Ảnh: Kiên Trung.

Đối với phần diện tích thu hồi còn lại (khoảng 400ha) nhằm triển khai các dự án khu đô thị - sinh thái ven biển đã được HĐND phê duyệt quy hoạch, sẽ triển khai trong thời gian tới. Việc này nhằm sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đất đai trên địa bàn.

Tham dự, lắng nghe giải đáp của đại diện chính quyền, ngoài 22 câu hỏi đã kiến nghị bằng văn bản, bà con cũng gửi hàng chục câu hỏi có liên quan để được chính quyền giải đáp tại cuộc đối thoại.

Ngoài giải đáp của các Sở, ngành địa phương, đại diện các cơ quan Trung ương tham dự cuộc đối thoại cũng đã có những kiến giải để người dân hiểu rõ hơn các quy định pháp luật, chính sách quản lý của Nhà nước.

“Chính quyền không vô cảm”

Chủ tịch tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị bày tỏ đây là một cơ hội để lãnh đạo địa phương gặp gỡ, lắng nghe, tiếp nhận những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ông mong muốn người dân chia sẻ trong việc triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và chính quyền cũng chia sẻ những khó khăn của người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: 'Chúng tôi không phải là những người vô cảm'. Ảnh: Kiên Trung.

Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: “Chúng tôi không phải là những người vô cảm”. Ảnh: Kiên Trung.

“Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bàn đi tính lại rất nhiều, bàn kỹ lưỡng khi thay đổi quy hoạch. Nam Định hiện còn đi sau so với 11 tỉnh thuộc ĐBSH. Kinh tế của Nam Định chưa phát triển, vẫn nhận trợ cấp ngân sách Trung ương, đến nay chưa tự chủ. Từ thực tế này, Nam Định mới đưa ra quy hoạch chung của tỉnh và Quy hoạch ven biển tại các huyện ven biển của tỉnh. Quy hoạch này cũng phù hợp với quy hoạch chung của Chính phủ.

Với 3 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện, đây cũng là một nhà đầu tư lớn, chúng tôi cũng họp rất nhiều, đánh giá lên đánh giá xuống rồi mới quyết định phê duyệt, chấp thuận. Sau khi có quy hoạch chung, ngoài 3 dự án của Xuân Thiện, tỉnh đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư về địa phương nhưng trên tinh thần phải theo đúng quy hoạch, đúng quy trình, quy định pháp luật”, ông Nghị nói.

Chủ tịch Nam Định cũng mong muốn người dân chia sẻ, ủng hộ với tỉnh bởi nhiều năm qua, dù nỗ lực rất nhiều nhưng công nghiệp của Nam Định vẫn chưa khởi sắc, phát triển.

Dự án Tập đoàn Xuân Thiện triển khai tại ngoài cửa sông Đáy, huyện Nghĩa Hưng. Ảnh: Huy Bình.

Dự án Tập đoàn Xuân Thiện triển khai tại ngoài cửa sông Đáy, huyện Nghĩa Hưng. Ảnh: Huy Bình.

“Các nội dung bà con kiến nghị, hôm nay các Sở, ngành đã giải đáp. Nhiều nội dung bà con chưa đồng tình, các Bộ ngành cũng đã có ý kiến. Đề nghị các Sở, ngành tiếp tục rà soát lại để trả lời cho người dân một cách công khai, bằng văn bản. Chúng tôi không phải là những người vô cảm. Có những việc bà con thấy là không đúng, hoặc hình như là không đúng… sẽ có trách nhiệm trả lời người dân”, ông Nghị khẳng định.

Người đứng đầu UBND tỉnh Nam Định cho biết, qua cuộc đối thoại, chính quyền địa phương đã nắm được tâm tư tình cảm của người dân.

“Điều quan trọng là sự hài hòa về quyền lợi. Tôi hứa với bà con những gì thuộc chế độ chính sách sẽ thực hiện đầy đủ, không bỏ sót. Những kiến nghị của bà con sẽ lắng nghe, ghi nhận, báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy để giải đáp cụ thể. Vấn đề môi trường mà người dân lo lắng, khó khăn khi chuyển đổi nghề nghiệp… đó là những vấn đề chính đáng, chính quyền sẽ giám sát chủ đầu tư trong quá trình thực hiện, không để sự cố không đáng có xảy ra”.

Bí thư, Chủ tịch huyện Nghĩa Hưng giải đáp các câu hỏi của người dân Cồn Xanh. Ảnh: Kiên Trung.

Bí thư, Chủ tịch huyện Nghĩa Hưng giải đáp các câu hỏi của người dân Cồn Xanh. Ảnh: Kiên Trung.

Chủ tịch Nam Định cho biết luôn sẵn sàng đối thoại với bà con cho tới khi người dân thỏa mãn các giải đáp, đồng thuận cùng với chính quyền. Các vấn đề khác như hút cát ở Cồn Mờ, phá rừng ngập mặn ở khu vực kè sinh thái, khu vực KCN Rạng Đông thi công đường thoát nước thải; khu vực cửa sông Đáy, hút cát gây sạt lở kè biển… sẽ cho kiểm tra thực tế để trả lời người dân.

Tỉnh Nam Định cần kiểm tra kỹ lưỡng để báo cáo Thủ tướng

Tham dự cuộc đối thoại, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) cho biết, với tư cách là đại diện cơ quan Tiếp công dân Trung ương, cá nhân ông cũng đã gặp gỡ người dân Cồn Xanh, đã có mặt trong các lần Nam Định triển khai thu hồi đất để thực hiện các dự án khu công nghiệp mà người dân có ý kiến.

“Rất nhiều câu hỏi của bà con đã được các cơ quan, ban ngành của tỉnh trả lời. Trước khi có cuộc đối thoại này, tỉnh Nam Định cũng đã có 2 cuộc họp với các cơ quan Trung ương. Nam Định đã rất cẩn thận, cầu thị theo đúng yêu cầu của bà con.

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp công dân Trung ương tại buổi đối thoai. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp công dân Trung ương tại buổi đối thoai. Ảnh: Kiên Trung.

Bà con yêu cầu trực tiếp Chủ tịch tỉnh tham gia đối thoại, có đại diện các cơ quan chuyên môn của Trung ương để đảm bảo tính khách quan, lãnh đạo tỉnh Nam Định cũng đã đáp ứng nguyện vọng của bà con.

Trách nhiệm trả lời những nội dung này là của cấp huyện. Điều đó cho thấy sự cầu thị, hợp tác của chính quyền địa phương trong công tác tiếp công dân”, ông Điệp phát biểu.

Theo ông Điệp, các câu hỏi, kiến nghị của người dân đưa ra tại buổi đối thoại có thể tóm lược thành các chủ đề chính, gồm: Quy trình thực hiện đầu tư các dự án tại Cồn Xanh có ảnh hưởng trực tiếp tới đa số các hộ dân (hơn 400 hộ với khoảng 6.000 lao động); trình tự đầu tư của dự án; Thứ hai, nguồn gốc sử dụng đất. Thứ ba, quyền lợi của các hộ nuôi trồng thủy sản sẽ tính như thế nào, có phương án đền bù khi thu hồi hay không; Thứ 4, vấn đề an ninh, an toàn với môi trường khiến bà con lo ngại. Việc đầu tư dự án này, ngoài các hộ dân nuôi trồng thủy sản, toàn bộ bà con tại địa phương được hưởng lợi gì.

Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương đề nghị Chủ tịch tỉnh Nam Định giao các Sở, ngành và UBND huyện Nghĩa Hưng trả lời theo các nhóm vấn đề tóm lược trên.

Lãnh đạo các Sở, ngành của Nam Định tại buổi đối thoại với người dân Cồn Xanh. Ảnh: Kiên Trung.

Lãnh đạo các Sở, ngành của Nam Định tại buổi đối thoại với người dân Cồn Xanh. Ảnh: Kiên Trung.

“Những điều trên hoàn toàn chính đáng khi đã có một số sự vụ đã xảy ra. Chúng ta cần xem xét những kiến nghị, lo lắng này”, ông Điệp nói và chia sẻ thêm quyền lợi của bà con trong các hộ nuôi trồng thủy sản có hợp đồng cũng cần được xem xét để đảm bảo sự chính đáng. Quy hoạch thay đổi nhanh quá khiến bà con không kịp điều chỉnh.

Nam Định thu hồi đầm bãi nuôi trồng thủy sản để phát triển công nghiệp. Ảnh: Kiên Trung.

Nam Định thu hồi đầm bãi nuôi trồng thủy sản để phát triển công nghiệp. Ảnh: Kiên Trung.

Đây là vụ việc kiến nghị đông người. Các câu hỏi đã được trả lời, giải đáp nhưng một số câu trả lời bà con vẫn chưa thông, chưa đồng ý. Những nội dung này kiến nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, giao các ban ngành chức năng trả lời bằng văn bản rõ ràng, chi tiết.

Về quyền lợi của mình và của các thế hệ con cháu, đề nghị bà con tập trung vào các nội dung chính. 22 nội dung bà con kiến nghị, tỉnh Nam Định nên trả lời theo nhóm; với những văn bản không thuộc diện mật thì cũng nên công khai cung cấp cho bà con. Ngoài ra, trường hợp bà con vẫn chưa thấy thỏa mãn có thể họp đại diện để tiếp tục đối thoại với lãnh đạo, chính quyền.

Ông Điệp cũng chia sẻ chân thành: “Quyền khiếu nại tố cáo là quyền công dân nhưng phải tuân thủ đúng pháp luật, bà con không nên đi vượt quá giới hạn sẽ không đảm bảo đúng mục đích, quyền lợi của người dân, của cộng đồng, của đất nước và của nhà đầu tư. Đề nghị Nam Định cho kiểm tra kỹ càng một lần nữa các vấn đề liên quan tới thủ tục đầu tư, quy trình đầu tư, quy hoạch… để có căn cứ, cơ sở báo cáo Thủ tướng và trả lời người dân”, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương nói.

11h50, buổi đối thoại kết thúc. Chủ tịch tỉnh Nam Định Phạm Định Nghị hứa “sẽ đối thoại với người dân nếu như bà con vẫn tiếp tục có các mong muốn đối thoại” và giao nhiệm vụ cho các Sở, ngành, UBND huyện Nghĩa Hưng giải đáp thấu tình, đạt lý, đảm bảo quyền lợi cho bà con Cồn Xanh.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.