| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 26/06/2023 , 06:00 (GMT+7)
Nguyễn Kiên Trung

Nguyễn Kiên Trung

Nhà báo 06:00 - 26/06/2023

Lãnh đạo Nam Định nên 'đối thoại' với người dân ở đầm bãi Cồn Xanh

Thay vì tổ chức đối thoại cứng nhắc trên trụ sở, lãnh đạo tỉnh Nam Định nên xuống cơ sở tìm gặp bà con để 'đối thoại' ngay tại Cồn Xanh!

'Niềm tin'

Câu chuyện “Nam Định đổi thủy sản lấy công nghiệp” đang đặt nhiều hộ dân nuôi trồng ngao, tôm, cua, cá bống bớp tại khu vực Cồn Xanh và một loạt các xã ven biển như Phúc Thắng, Nghĩa Hải, Nghĩa Thành... (huyện Nghĩa Hưng) phải nhường đất cho dự án.

Mấy năm qua, bà con kiên trì, nhẫn nại gõ cửa chính quyền các cấp của Nam Định để được giải đáp những câu hỏi mà họ chưa hiểu. Chưa được giải đáp thỏa mãn, bà con kéo nhau lên Trung ương, “gõ cửa” Ban tiếp công dân trung ương (Thanh tra Chính phủ) và nhiều cơ quan, đoàn thể khác.

Trong khi đó, các chủ trương, đường hướng, quyết sách của Nam Định để nhằm mục tiêu phát triển kinh tế công nghiệp “hướng biển”, từ đó giành lại vị thế kinh tế trọng điểm tại khu vực Đồng bằng sông Hồng như mấy thập kỷ trước. Nhất là khi các tỉnh “hàng xóm” trẻ tuổi khác như Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình... mấy năm gần đây tốc độ tăng trưởng đều “qua mặt” thành Nam.

Đầm bãi nuôi trồng thủy sản của một hộ dân huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Ảnh: Thái Bình.

Đầm bãi nuôi trồng thủy sản của một hộ dân huyện Nghĩa Hưng (Nam Định). Ảnh: Thái Bình.

Đặt mình vào vị trí của người dân hay chính quyền, có một điểm chung từ hai góc nhìn ấy, đó là "niềm tin".

Những người nông dân, họ tin tưởng vào chủ trương, Nghị quyết được tỉnh thông qua từ năm 2018, mạnh dạn đầu tư đầm bãi trên đất (dù là được nhà nước cho thuê có thời hạn). Họ tin tưởng vào những thương phẩm Cá Bống Bớp, Ngao vạng Nghĩa Hưng đã có tên tuổi, thương hiệu, đã tìm đường xuất ngoại… do chính họ tạo dựng nên, là thứ giúp họ làm giàu trên mảnh đất quê mình.

Họ tin tưởng vào chính mình, bởi trải qua nhiềm năm tháng, bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu, họ đã cải tạo, biến khu sình lầy, hoang hóa thành khu đầm bãi “bờ xôi ruộng mật” như ngày nay.

Đặt ở vị trí chính quyền, niềm tin đó là những mục tiêu, định hướng, là danh dự của một địa phương, và là số phận của hàng triệu con người.

Nhưng rõ ràng, trong câu chuyện mục tiêu - định hướng của Nam Định và người dân dường như chưa tìm được điểm chung. Một chủ trương, chính sách phát triển kinh tế ven biển dành cho Nghĩa Hưng, vì sao các hộ dân chưa đồng thuận? Vì sao họ vẫn còn nhiều lo lắng, hoài nghi, nên mới trăn trở đi tìm câu trả lời?

Đầm bãi bị thu hồi khu vực ngoài cồn Xanh được Nam Định giao tập đoàn Xuân Thiện triển khai dự án nhà máy cấu kiện bê tông. Ảnh: Thái Bình.

Đầm bãi bị thu hồi khu vực ngoài cồn Xanh được Nam Định giao tập đoàn Xuân Thiện triển khai dự án nhà máy cấu kiện bê tông. Ảnh: Thái Bình.

Chiều 23/6 vừa qua, cuộc đối thoại của tỉnh Nam Định với đại diện các hộ dân bị thu hồi đầm bãi bất thành. Lý do: người dân không đến.

Là người theo dõi, đưa tin vụ việc, tôi lấy làm tiếc cho bà con Cồn Xanh, vì với họ, đây là một cơ hội để được lý giải những điều mà họ còn đang băn khoăn, do ông Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định trực tiếp chủ trì, nhưng họ đã không tới.

Nguồn cơn theo lý giải của bà con: nội dung cuộc đối thoại không đúng như kiến nghị của bà con. Bà con không đề nghị đối thoại để đòi hỏi tiền đền bù đối với đầm bãi bị thu hồi, mà vì việc thu hồi đó là chưa đầy đủ căn cứ, chưa đúng. Bà con muốn đối thoại với người lãnh đạo cao nhất của UBND tỉnh về 22 nội dung đã kiến nghị bằng văn bản rõ ràng, đã gửi đích danh nhiều tháng qua!

Một nguyên nhân nữa, đó là bà con mong mỏi có đại diện của các Bộ ngành Trung ương tham dự (gồm đại diện của Thanh tra Chính phủ, đại diện hai Bộ TN-MT, NN-PTNT - những cơ quan đang quản lý tài nguyên, lĩnh vực ngành liên quan tới bà con). Vì không có các đại diện của các cơ quan này nên bà con không tới…

Việc người dân không tới, phải chăng còn có một lý do khác có tên "niềm tin"? Họ chưa tin tưởng người đối thoại với họ sẽ giải đáp được những băn khoăn của họ, cho nên mới mong muốn có đại diện của các cơ quan trên Trung ương cùng tham gia, giám sát cuộc đối thoại? Hay họ chưa tự tin ở chính bản thân mình?

Nhà văn hóa trung tâm huyện Nghĩa Hưng, nơi có buổi đối thoại bất thành chiều 23/6. Ảnh: Huy Bình.

Nhà văn hóa trung tâm huyện Nghĩa Hưng, nơi có buổi đối thoại bất thành chiều 23/6. Ảnh: Huy Bình.

'Kỳ vọng'

Chiều 23/6, theo kế hoạch và theo quy định, Chủ tịch tỉnh Nam Định cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành của tỉnh và huyện đã có mặt tại Nhà văn hóa trung tâm huyện Nghĩa Hưng để chủ trì buổi làm việc. Các vị lãnh đạo đã chờ đợi người dân từ lúc 13h30 cho tới 14h30 cùng ngày, tròn 1 giờ đồng hồ. Nhưng bà con chưa tới.

14h30, các lãnh đạo của Nam Định đã rời khỏi Hội trường Nhà văn hóa trung tâm huyện Nghĩa Hưng – nơi diễn ra buổi đối thoại.

Chính quyền Nam Định đã rất cầu thị khi tổ chức cuộc đối thoại lần thứ hai (lần 1 vào ngày 14/4/2023); đã rất chuẩn mực và đúng đắn khi vẫn tổ chức buổi đối thoại (theo kế hoạch và theo quy định!) dù đã được báo cáo là người dân không tới. Nhưng, việc này cho thấy sự cứng nhắc, máy móc và dập khuôn!

Thay vì việc “lập biên bản sự việc”, thay vào việc vẫn tổ chức buổi đối thoại dù đã được thông báo người đối thoại không đến, lãnh đạo tỉnh Nam Định nên chăng lựa chọn một cách thức khác, mềm mại, khéo léo và gần gũi hơn: trực tiếp xuống gặp bà con, chủ động đi tìm người dân để tìm hiểu nguyên nhân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, không bị động ngồi chờ người dân đi tìm cán bộ...

Đó là cách “tuyên truyền” thân thiện và nhân văn nhất.

Cụ Nguyễn Văn Túc (80 tuổi) - một trong số các hộ dân nuôi trồng thủy sản tại Cồn Xanh. Ảnh: Huy Bình.

Cụ Nguyễn Văn Túc (80 tuổi) - một trong số các hộ dân nuôi trồng thủy sản tại Cồn Xanh. Ảnh: Huy Bình.

Ở Hậu Giang, cán bộ xã Trường Long A (huyện Châu Thành A) xuống tận ấp tìm dân, không để người dân phải đi tìm cán bộ. Ở Đồng Tháp, Bí thư, Chủ tịch tỉnh cuối tuần café sáng với người dân, doanh nghiệp, hay thành lập các Hội quán để để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, tháo gỡ những khó khăn tồn đọng cho người dân, doanh nghiệp… Tỉnh Bắc Ninh thành lập 5 tổ công tác tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất… để tham mưu lãnh đạo tỉnh tháo gỡ các khó khăn…

Những cách thức nói trên là hiện thực hóa của những Nghị quyết, những chủ trương xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” mà nhiều địa phương trên cả nước đang triển khai.

Mục tiêu của mô hình Chính quyền thân thiện lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả của hoạt động công vụ, năng lực, phẩm chất, đạo đức của cán bộ và hiệu quả của chính quyền trong việc điều hành. Đó là sự phát triển ở một tầm cao mới để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Câu chuyện thực tiễn đang diễn ra ở Nam Định: khi người dân không tới buổi đối thoại, cán bộ, lãnh đạo tỉnh thay vì tổ chức một buổi đối thoại theo kế hoạch cứng nhắc có sẵn trong lịch trình, mà xuống tận đầm bãi, về tận Cồn Xanh đi tìm người dân để nắm rõ căn nguyên, đối thoại với họ trên chính khu đầm bãi đang vận động họ trả ra để thu hồi phục vụ dự án. Điều đó sẽ là nhân văn, cho thấy một Nam Định thân thiện dù địa phương này xây dựng hay đưa “Chính quyền thân thiện” vào Nghị quyết.

Người dân Nghĩa Hưng cho biết, họ đang từng ngày, từng giờ mong được đón ông Bí thư Tỉnh ủy, ông Chủ tịch tỉnh về thăm đầm bãi, để nghe bà con nói, và để thấy Cồn Xanh rất “xanh” chứ không “nóng” như trong các báo cáo mà tỉnh Nam Định vẫn nêu trên giấy!