| Hotline: 0983.970.780

Chú ý khi trồng 2 giống hồng Fuyu và Jito

Thứ Hai 24/09/2007 , 15:23 (GMT+7)

Với năng suất từ 40-60kg/cây, giá bán tại chỗ ổn định từ 20-30 ngàn đồng/kg thì giống hồng mới này là nguồn thu đáng kể cho bà con miền núi.

TS. Lê Đức Khánh cho biết: Từ năm 2001 đến nay Viện BVTV, Viện Di truyền Nông nghiệp và Viện Nghiên cứu Rau quả phối hợp với doanh nghiệp tư nhân Xuân Hùng (Mộc Châu-Sơn La) trồng thử nghiệm 2 giống hồng giòn nhập nội Fuyu và Jito tại một số địa phương vùng núi cao như: Mộc Châu (Sơn La), Ngân Sơn (Bắc Cạn), Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Mường Phăng (Điện Biên), Đà Bắc (Hòa Bình) và Tân Kỳ (Nghệ An).

Sau 7 năm trồng thử nghiệm, xây dựng các mô hình thâm canh, kết quả bước đầu cho thấy: 2 giống hồng Fuyu và Jito cho năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng phù hợp điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai của một số tỉnh miền núi phía Bắc nhằm góp phần bổ sung vào cơ cấu giống cây ăn quả ôn đới cho các địa phương trong vùng.

Giống hồng Fuyu có nguồn gốc từ Nhật Bản, thuộc nhóm hồng không chát, quả chín già trên cây có thể ăn ngay mà không cần ngâm hoặc giấm như các giống hồng khác, thuận tiện cho chế biến xuất khẩu dưới dạng sấy khô. Quả to, dẹt, hơi vuông, khối lượng 200-250g/quả, vỏ chín có màu vàng đỏ, ruột vàng da cam, ăn giòn, ngọt, không chát. Năng suất hồng Fuyu rất cao (30-60kg/cây ở cây 5-6 tuổi), giá bán cao vì chín sớm.

Ông Nguyễn Xuân Tá, chủ doanh nghiệp tư nhân Xuân Hùng ở tiểu khu Cờ Đỏ, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La), một người đã nhiều năm gắn bó với các cán bộ khoa học trồng thử nghiệm 2 giống hồng mới cho biết: các giống này chín sớm, có thời gian chín kỹ thuật kéo dài 15 ngày nên rất thuận tiện cho việc thu hoạch, vận chuyển, không bị cạnh tranh với các loại hồng khác trên thị trường. Với năng suất từ 40-60kg/cây, giá bán tại chỗ ổn định từ 20-30 ngàn đồng/kg thì giống hồng mới này là nguồn thu đáng kể cho bà con miền núi.

Hiện tại gia đình ông Tá đã nhân giống cung cấp cho nhiều hộ quanh vùng cùng trồng. Theo thống kê hiện toàn tỉnh Sơn La đã trồng được trên 10ha. Theo chúng tôi được biết, với các tỉnh phía Nam giống hồng dòn Fuyu cũng được gia đình ông Nguyễn Văn Lời (Mười Lời) ở phường 9, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) trồng thành công bằng cách ghép cải tạo trên các cây hồng Đà Lạt. Với cây hồng Fuyu 4 tuổi cho 10kg quả bán với giá 40.000 đồng/kg cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với các giống hồng địa phương. Hiện tại gia đình ông Lời đã có trên 120 gốc hồng ghép Fuyu chuyên cung cấp mắt ghép để ghép cải tạo cho bà con quanh vùng.

TS. Đỗ Đình Ca, Trưởng phòng Công nghệ sinh học (Viện Nghiên cứu Rau quả) khuyến cáo: các giống hồng Fuyu và Jito chất lượng cao đòi hỏi điều kiện sinh thái khí hậu lạnh (từ 200-400 CU-đơn vị lạnh) do đó chỉ nên trồng ở những nơi có độ cao trên 500m so với mực nước biển, có điều kiện khí hậu mát, lạnh như Đà Lạt (Lâm Đồng), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai), Ngân Sơn (Bắc Cạn) và những vùng có khí hậu lạnh tương tự; đồng thời phải có chế độ đầu tư, thâm canh lớn (phân bón, tưới tủ đầy đủ, cắt tỉa, tạo tán thường xuyên).

Hồng Fuyu trồng ở nước ta sinh trưởng chậm, vì vậy việc tạo tán mất nhiều năm, có thể tạo theo kiểu bán cầu tròn và hình chữ Y kết hợp áp dụng kỹ thuật ghép nối đoạn cành vừa cải tạo vườn cũ vừa đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng để hình thành tán nhanh, sớm cho thu hoạch. Biện pháp tốt nhất là ghép cải tạo bằng giống Fuyu trên các giống hồng địa phương năng suất, chất lượng thấp, chỉ 2 năm là cho quả, 3 năm ổn định năng suất.

Tuy nhiên, hồng Fuyu là giống mới nhập nội, số lượng cây cũng như diện tích còn ít, bởi vậy những kết quả nghiên cứu trên đây mới chỉ là những kết quả bước đầu ở giai đoạn đầu của cây, cần phải được nghiên cứu, theo dõi tiếp mới có thể kết luận được đầy đủ những vấn đề kỹ thuật đối với một giống cây trồng mới.

Hiện tại, các Viện đang tập trung tổng kết, đánh giá để báo cáo hội đồng KHCN, Bộ NN-PTNT xin được công nhận giống tạm thời, cho phép trồng thử nghiệm trên diện rộng.

Công Hào

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.