Quang cảnh hội nghị |
Theo ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục BVTV), sau khi phát hiện lô hàng lúa mì nhập khẩu từ Nga nhiễm cỏ kế đồng ngày 8/5/2018, loại sinh vật gây hại cực kỳ nguy hiểm thuốc nhóm 1 đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam và cả quốc tế, Cục BVTV liên tục làm việc, họp bàn, hướng dẫn các DN để cùng bàn phương hướng xử lý.
Tuy nhiên, các lô hàng lúa mì NK được phát hiện nhiễm cỏ kế đồng không những không giảm mà có có chiều hướng gia tăng, tính đến ngày 10/10/2018 đã có trên 1,6 triệu trên tổng số gần 5 triệu tấn lúa mì NK nhiễm loại cỏ nguy hại này.
Thực hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo cũng như chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, từ tháng 5 đến nay Cục BVTV vẫn chấp nhận để cho các lô hàng lúa mì của các DN trong nước thông quan thay vì có thể yêu cầu tái xuất.
Tuy nhiên, theo phản ánh Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I (Hải Phòng) và Vùng II (TP.HCM), việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xử lí các lô hàng lúa mì NK có nhiễm cỏ kế đồng chỉ là giải pháp tình thế, bởi lực lượng cán bộ KDTV không thể đáp ứng được khối lượng công việc quá lớn, quá nhiều cùng một lúc như vậy.
Theo ông Đặng Văn Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục KDTV Vùng II, theo quy trình kiểm soát các lô hàng lúa mì NK có nhiễm cỏ kế đồng, Chi cục KDTV vùng II phải cắt cử cán bộ theo dõi, giám sát, hướng dẫn DN trong suốt quá trình vận chuyển lo hàng từ cảng, container đến khi về nhà máy.
Trong khi đó, một tàu hàng lúa mì lên tới vài chục tấn với hàng chục điểm trả hàng khác nhau nên có thời điểm Chi cục KDTV vùng II phải “cầu cứu” Cục BVTV tiếp viện hàng chục cán bộ KDTV vào trợ giúp mới giải quyết được công việc thuận lợi cho DN. Do đó, ông Hoàng khẳng định, nếu sự việc không được giải quyết dứt điểm và kéo dài, chắc chắn cán bộ KDTV sẽ kiệt sức và không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được.
Còn bà Trần Thị Nhinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục KDTV vùng I rất bức xúc trước thái độ làm việc thơ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo các DN kinh doanh, nhập khẩu lúa mì. Trong tổng số 106 DN có sản phẩm lúa mì nhập khẩu bị nhiễm cỏ kế đồng, sau khi được Cục BVTV tạo điều kiện cho thông quan ngay lập tức trở mặt coi như xong việc.
Hơn nữa, theo bà Nhinh, hiện nay theo tinh thần cải cách hành chính của Chính phủ, khi tiến hành làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu tiến hành đo đếm thời gian, song việc kiểm soát loại sinh vật ngoại lại nguy hại như cỏ kế đồng phải được thực hiện vô cùng nghiêm túc và khắt khe, nên khi cơ quan KDTV tạo điều kiện cho DN lại gây khó khăn cho lực lượng hải quan.
Ông Trần Đăng Tiến, TGĐ Cty CP SXKD Lương thực Phước An (Bình Dương) đề xuất, nên nghiên cứu trồng thử loại cỏ này tại Việt Nam để đánh giá khoa học xem mức độ ảnh hưởng của nó đến đâu bởi ông đưa ra dẫn chứng rằng trước đây thời bao cấp Việt Nam ăn bo bo, bột mì rất nhiều những đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện loại cỏ này tại Việt Nam.
Còn ông Vương Gia Tuệ, Giám đốc Cty TNHH Thiết Lập kiến nghị Cục BVTV có quy định về tỉ lệ % nhất định các lô lúa mì nhiễm cỏ kế đồng thay vì yêu cầu 100% không được nhiễm để chia sẻ với doanh nghiệp.
Về nội dung này, các nhà khoa học, như GS Trần Thanh Vân, TS Nguyễn Văn Liêm, Viện trưởng Viện BVTV khẳng định, trên thế giới không có nước nào cho phép làm như vậy. Hơn nữa, đã là đối tượng KDTV nhóm I một mầm bệnh, một hạt cỏ, một con sâu cũng không được phép cho lọt vào. Do đó, đứng trên lợi ích quốc gia và sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước nhà các nhà khoa học cũng yêu cầu phía các doanh nghiệp phải hết sức chia sẻ trên tinh thần xây dựng, bởi bản thân cơ quan quản lí nhà nước không ai tự dưng đi gây khó dễ cho chính doanh nghiệp nước mình làm gì.
Cỏ kế đồng là sinh vật ngoại lai nguy hại |
Sau khi nghe các ý kiến nghị, góp ý từ phía các doanh nghiệp, hiệp hội, Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung nhấn mạnh, việc Cục BVTV cử cán bộ hỗ trợ DN xử lý các lô hàng nhiễm cỏ kế đồng từ tháng 5 đến nay nên nếu bảo là gấp hoàn toàn không đúng.
Hơn nữa, Cục BVTV hay Bộ NN-PTNT chưa ban hành bất cứ văn bản nào hay thông báo nào nói về việc tạm dừng hoặc cấm NK lúa mì mà tái xuất chỉ là một trong những biện pháp bình thường đã được quy định trong Luật của Việt Nam cũng như công ước quốc tế. Trước lúa mì rất nhiều mặt hàng khác Cục BVTV đã yêu cầu tái xuất hoặc tham mưu Bộ ban hành quyết định tạm dừng mà các đối tác không có ý kiến gì.
Tuy nhiên, để chia sẻ với DN, đặc biệt tạo điều kiện cho DN có thêm thời gian đàm phán với đối tác, tìm kiếm đơn hàng và giải phóng xong đơn hàng với những hợp đồng đã ký, sau khi nghe những chia sẻ, kiến nghị rất chính đáng từ phía bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM và đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung đồng ý gia hạn thêm thời gian, tức là sau ngày 1/11/2018 sẽ tạm thời chưa tái xuất các lô hàng lúa mì nhiễm cỏ kế đồng.
Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung đề nghị các DN, hiệp hội, cơ quan quản lí phải cùng nhau tìm hướng xử lí mà cơ quan quản lí chấp nhận được. Trong trường hợp quá trình đàm phán giữa cơ quan chức năng của Việt Nam và cơ quan kiểm dịch thực vật của các nước không đem lại kết quả, các DN nhập khẩu lúa mì của Việt Nam lúc đó cần phải chuẩn bị sẵn tinh thần và hết sức thông cảm là không còn cách nào khác ngoài việc tuân thủ đúng quy định pháp luật của Việt Nam và thông lệ quốc tế. |