Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnhSóc Trăngcho biết, các khu vực địa lý trồng hành tím được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam gồm phường 1, phường 2, phường Vĩnh Phước, xã Vĩnh Hải, xã Vĩnh Tân, xã Lạc Hòa và xã Lai Hòa của thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng).
Ngoài ra, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng ban hành quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” dùng cho sản phẩm của tỉnh. 6 tổ chức, cá nhân gồm Hợp tác xã Hành tím Vĩnh Châu, Hợp tác xã Rau màu Hòa Thành, Công ty TNHH Long Châu Dương, Công ty TNHH Vạn Thành, cơ sở thu mua hành tím Vĩnh Châu và cơ sở thu mua hành tím Văn Thành được Sở Khoa học và Công nghệ chọn để tiến hành trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu”.
“Để nghề trồng hành tím phát triển ổn định cần sản xuất theo hướng sạch, an toàn, đảm bảo chất lượng, tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Từ đó, nhãn hiệu hành tím sẽ được lan rộng tạo ra mối liên kết tiêu thụ nâng cao giá trị kinh tế theo chuỗi bền vững, giúp người dân nâng cao thu nhập và làm giàu”, ông Phước cho biết.
Theo ông Phước, trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp, công ty đã liên hệ với nông dân hướng đến liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ. Sản phẩm hành tím Sóc Trăng cũng có mặt tại các đại lý, siêu thị, hướng đến xuất khẩu.
Hiện diện tích trồng hành tím Sóc Trăng khoảng 6.000 ha. Trong đó, có hợp tác xã trồng hành tím được chứng nhận VietGAP khoảng 15 ha, diện tích hành tím sản xuất theo hướng hữu cơ của tỉnh đạt trên 300 ha. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2021 tỉnh Sóc Trăng sẽ mở rộng diện tích trồng hành tím từ 500 - 600 ha.
Hành tím là nông sản đặc trưng của ĐBSCL, thích nghi thổ nhưỡng độc nhất vùng ven biển Sóc Trăng, Bạc Liêu nhờ hương vị thơm, ngon dùng để chế biến nhiều món ăn. Hành tím cũng là món ăn không thể thiếu của người dân Nam bộ trong những ngày lễ, tết cổ truyền.