| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 24/12/2015 , 06:35 (GMT+7)

06:35 - 24/12/2015

Chúng ta đã làm được gì cho trẻ em?

Có thể trả lời ngay là những thành tựu mà chúng ta đã làm được là rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. 

Mấy ngày qua, một sự kiện được nhiều cơ quan thông tin đại chúng nhắc đến. Đó là việc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội vừa tổ chức kỷ niệm 25 năm Việt Nam phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (20/12). Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước này vào năm 1990.

Lần kỷ niệm này cũng là dịp mà chúng ta tự nhìn lại mình: 25 năm qua, chúng ta đã làm được gì cho trẻ em?

Có thể trả lời ngay là những thành tựu mà chúng ta đã làm được là rất lớn. Trẻ em hôm nay đã được xã hội dành cho những điều kiện tốt nhất có thể, các em đã có một cuộc sống khác hẳn trước cả về chất lẫn lượng. Chúng được chăm sóc, được giáo dục tốt hơn. Tỷ lệ trẻ đến trường tăng cao hơn…

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo hành vẫn khá lớn. Trên các phương tiện truyền thông, không mấy ngày không có những bản tin về những vụ trẻ em bị hiếp dâm, bị xâm hại tình dục hay bị bạo hành. Nhiều cháu đã bị bạo hành đến thành thương tật, thậm chí đến chết.

Và những sự việc ngược đời vẫn cứ xảy ra. Trong khi hàng trăm hàng ngàn đứa trẻ sáng sáng phải lội bộ hàng chục cây số, thậm chí phải đu dây qua suối đến trường với cái bụng đang réo sôi ùng ục vì đói. Nhiều cháu thậm chí phải bắt cả chuột để ăn để biết mùi thịt, thì lãnh đạo tỉnh vẫn rất hào hứng với việc xây những trụ sở, những quảng trường ngàn tỷ.

Trong khi hàng trăm ngôi trường còn xơ xác, gió lùa bốn phía, và học trò còn phong phanh trong manh áo mỏng dưới cái rét cắt da cắt thịt, thì không ít tỉnh đã chi hàng trăm triệu đồng cho những quan chức sắp “hạ cánh” đi “tham quan, học tập kinh nghiệm” ở nước ngoài, và những cuộc họp, những hội nghị, những cuộc tổng kết… với chất lượng rất thấp nhưng chi phí lại rất lớn, vẫn liên tiếp được mở ra. Trong các thành phố, thị xã vẫn nhan nhản những em bé đánh giày, ăn xin hay bụi đời.

Trên 6.000 trẻ em ở Tây Nguyên bỏ học, và hàng ngàn em nữa ở đồng bằng sông Cửu Long, phải bỏ học để kiếm sống, nhưng các cơ quan giáo dục ở những tỉnh đó vẫn báo cáo rằng 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường… Nghĩa là báo cáo thì rất đẹp nhưng sự thật khác xa.

“Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn kia. Nhưng với không ít trẻ em hiện nay, thì có muốn ngoan như thế cũng không thể ngoan được, vì cơm đâu mà ăn? Điều kiện đâu mà học hành?

“Trẻ em hôm nay, là thế giới ngày mai”, trên các con đường hay những nơi công cộng, vẫn nhan nhản những khẩu hiệu đó. Nhưng, liệu có ai có thể yên lòng khi thấy không ít hình ảnh của “thế giới ngày mai” đang đói rét, thất học?

Giá như những trụ sở, những quảng trường ngàn tỷ. Giá như những khoản chi hàng trăm triệu cho cán bộ sắp hưu đi “tham quan, học tập kinh nghiệm” nước ngoài. Giá như những hội nghị vô bổ… được dừng lại hết, để dùng tiền đó xây trường, và tạo điều kiện cho các em có thể được học hành, ở những vùng khó khăn, thì tốt biết bao.