Vì thế trong thời gian gần đây, địa phương này đã được Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội hỗ trợ để xây dựng chuỗi sản xuất-tiêu thụ sản phẩm “Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến” cho HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến. Cụ thể năm 2022 đã hỗ trợ 20.000 túi đựng gạo, 20.000 tem nhãn, chỉ đạo HTX đầu tư lắp đặt hệ thống máy xay xát, đóng gói, bao tiêu 100% sản phẩm lúa hữu cơ cho người dân. Tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức quản lý chuỗi và phát triển thị trường cho cán bộ HTX và nông dân, hỗ trợ cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm gạo chất lượng cao tại các quận nội thành Hà Nội để quảng, bá xúc tiến tiêu thụ sản phẩm...

Cấy lúa ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: NNVN.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến đã thay nhật ký giấy thủ công bằng nhật ký điện tử kết hợp camera hiện trường. Cách thức này cho phép kiểm tra một cách dễ dàng bất kỳ lúc nào, bất kỳ công đoạn nào trong quá trình trồng lúa gạo. Với người tiêu dùng hay chủ doanh nghiệp nhận tiêu thụ theo chuỗi có thể tiếp cận những thông tin này từ xa và hoàn toàn yên tâm về những sản phẩm được chứng nhận hữu cơ. Chúng đã được tuân thủ đủ các tiêu chuẩn, quy trình, không có dư lượng độc hại trong sản phẩm và được cấp tem Qr Code eGap chứng nhận, xác thực, đảm bảo.
Với người sản xuất là các thành viên của HTX họ nay đã có công cụ để chứng minh được chất lượng sản phẩm giúp kết nối thị trường và nhận được sự hướng dẫn, nhắc nhở về quy trình, các cảnh báo thời tiết, thiên tai, sâu bệnh qua các phương tiện công nghệ từ các cán bộ kỹ thuật, chuyên gia tham gia vào quản lý. Với cơ quan quản lý chuyên ngành có thể nắm rõ tiến độ, tình hình thực tế của việc sản xuất, diện tích, năng suất, sản lượng...

Cánh đồng lúa đẹp như tranh ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Tư liệu.
Qua thực tế của các mùa vụ, năng suất lúa hữu cơ ở HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến đạt trung bình 5,6 - 5,8 tấn/ha. Nhưng điều quan trọng hơn là giá bán giúp cho các thành viên canh tác lúa hữu cơ đạt kinh tế cao gấp 2 lần so với canh tác lúa thông thường. Bằng việc bán thóc tươi tại bờ ngay sau khi thu hoạch, các thành viên không phải lo khâu phơi phóng và nỗi lo “được mùa, mất giá”.
Xác định công tác tiêu thụ sản phẩm là khâu then chốt để phát triển sản xuất được bền vững, nên ngay từ đầu các vụ sản xuất, Hà Nội đã kết nối các doanh nghiệp vào ký kết bao tiêu sản phẩm và triển khai chỉ đạo các HTX xây dựng phương án tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Kết quả đã có 5 doanh nghiệp vào tiêu thụ sản phẩm cho nông dân là Công ty CP giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam, Công ty TNHH đầu tư và phát triển nghiệp Bắc Hải, Công ty Long Vũ, Công ty Khang Long, Công ty Mỹ Loan. Các doanh nghiệp trên không chỉ đã tiêu thụ được hơn 100 tấn thóc cho HTX Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến mà còn tiêu thu được hơn 2.000 tấn lúa tươi cho các HTX trên địa bàn thành phố. Hiệu quả kinh tế sản xuất lúa hữu cơ theo chuỗi cao hơn so với sản xuất lúa Khang dân 18 thông thường từ 10 - 15 triệu đồng/ha/vụ.

Gặt lúa ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: NNVN.
Theo ông Tạ Văn Tường-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội với mục tiêu không chỉ tiêu thụ nội địa cho một thành phố gần 10 triệu dân mà còn hướng tới xuất khẩu gạo, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 cơ cấu giống lúa chất lượng toàn thành phố sẽ đạt trên 80%. Để làm được việc đó thành phố sẽ duy trì và phát triển 80 - 100 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa hàng hóa chất lượng cao, áp dụng những quy trình nghiêm ngặt trong sản xuất, chế biến để đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh những chuỗi đã có, Hà Nội cũng đặt mục tiêu hình thành thêm ít nhất 2 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm gạo nhằm phát triển thị trường tiêu thụ, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe của nông dân cũng như môi trường sống.
* Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội