| Hotline: 0983.970.780

Chương trình OCOP nâng cao giá trị nông sản và kết nối vươn xa

Thứ Ba 19/11/2024 , 11:55 (GMT+7)

Hậu Giang Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP không chỉ nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và tiến tới vươn xa xuất khẩu.   

Sản phẩm OCOP phong phú

Phát huy lợi thế là tỉnh nông nghiệp có vị trí trung tâm của ĐBSCL, tỉnh Hậu Giang đã tập trung phát triển sản phẩm OCOP đã nâng cao giá trị nông sản. Chuỗi giá trị sản phẩm OCOP được hình thành và hoạt động hiệu quả, đã khai thác tối đa nguyên liệu nông sản, thủy sản tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang được trưng bày, giới thiệu tại Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2024. Ảnh: Trung Chánh.

Sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang được trưng bày, giới thiệu tại Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2024. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hậu Giang cho biết, đến nay toàn tỉnh đã công nhận 278 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 92 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 186 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao với 129 chủ thể tham gia, gồm các công ty, hợp tác xã nông nghiệp và cơ sở, hộ kinh doanh cá thể. Đặc biệt, đã có 11 sản phẩm đăng ký dự thi sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Cá thát lát được các hợp tác xã tại Hậu Giang chế biến thành nhiều sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh.

Cá thát lát được các hợp tác xã tại Hậu Giang chế biến thành nhiều sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh.

Huyện Phụng Hiệp là địa phương phát triển mạnh chương trình OCOP, với 42 sản phẩm đã được công nhận, chiếm khoảng 15% tổng sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang. Riêng Hợp tác xã Kỳ Như (xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp) hiện đang là chủ thể của 11 sản phẩm OCOP 4 sao, chủ yếu được chế biến từ cá thát lát.

Tại Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2024, do tỉnh Kiên Giang đăng cai tổ chức vào tháng 10 vừa qua, Hợp tác xã Kỳ Như có 1 sản phẩm là cá thát lát rút xương tẩm gia vị, đạt chứng nhận OCOP tiêu biểu cấp vùng, đang chờ Trung ương xét công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như cho biết, các sản phẩm OCOP được chế biến sâu từ cá thác lác của đơn vị đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và hàng chục đại lý trên cả nước từ nhiều năm nay. Không chỉ vậy, Hợp tác xã Kỳ Như còn tập trung nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào, đầu tư nâng cấp nhà xưởng, thiết bị chế biến, cải tiến bao bì và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Cụ thể, Hợp tác xã Kỳ Như đã liên kết với một doanh nghiệp đối tác tại TP Hồ Chí Minh để gia công hàng xuất khẩu đi thị trường Mỹ và đã xuất khẩu thành công lô hàng 20 tấn sản phẩm chả cá thát lát và cá thát lát rút xương tẩm gia vị sang thị trường này.

Chất lượng ngày cao

Theo ông Huỳnh Thành Hữu, thời gian qua sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang không chỉ gia tăng về số lượng, mà chất lượng ngày càng được nâng cao. Các chương trình khuyến nông, khuyến công của tỉnh đã hỗ trợ chủ thể OCOP xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, áp dụng khoa học công nghệ trong chế biến sản phẩm. Qua đó, các sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Các loại trái cây đặc sản của Hậu Giang được nâng tầm thành sản phẩm OCOP, đóng gói xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh.

Các loại trái cây đặc sản của Hậu Giang được nâng tầm thành sản phẩm OCOP, đóng gói xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh.

Uy tín và thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang ngày càng được khẳng định, khi có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước thông qua các kênh bán hàng lớn như siêu thị, bách hóa tổng hợp, cửa hàng kinh doanh nông sản đặc sản vùng miền. Đặc biệt, một số loại trái cây đặc sản của tỉnh Hậu Giang đã được chế biến  xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, khu vực Bắc Mỹ và châu Âu.

Các chủ thể OCOP được hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển  thị trường thông qua các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP khu vực và quốc gia. Ứng dụng công nghệ số để thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và các sàn thương mại điện tử như: Postmart, Shopee, Lazada... để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Hậu Giang gồm cây lúa, chanh không hạt, mít, cá thát lát và lươn đồng đều được các địa phương phát triển trở thành sản phẩm OCOP, nhằm nâng cao giá trị. Trong đó, nhiều nhất là nhóm thủy sản với gần 60 sản phẩm, lúa gạo chiếm trên 10 sản phẩm… Nhiều sản phẩm OCOP của Hậu Giang đã đủ điều kiện xuất khẩu, vươn mình cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.