Với mục tiêu xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường cho các sản phẩm đặc trưng, tỉnh Đồng Tháp đang nỗ lực đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, chương trình OCOP không chỉ là một phong trào ngắn hạn mà là một chiến lược lâu dài giúp gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương. Ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các HTX, doanh nghiệp và người dân để xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ phát triển OCOP toàn diện, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng Tháp không chỉ muốn phát triển số lượng sản phẩm OCOP mà còn chú trọng nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế, giúp sản phẩm OCOP của tỉnh có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Để hỗ trợ các cá nhân và tổ chức tham gia chương trình, Sở NN-PTNT cùng các ban ngành liên quan đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về sản xuất an toàn, chuẩn hóa quy trình sản xuất và áp dụng công nghệ tiên tiến. Đồng thời, tỉnh đã hỗ trợ các đơn vị OCOP xây dựng bao bì, tem truy xuất nguồn gốc và hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp sản phẩm tăng tính cạnh tranh.
HTX Nông sản an toàn An Hòa ở huyện Châu Thành là một trong những đơn vị tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp tham gia chương trình OCOP. Với sản phẩm chính là nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP, HTX đã nhận được sự đánh giá cao từ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Ông Huỳnh Hữu Thuận, Phó Giám đốc HTX Nông sản an toàn An Hòa chia sẻ: “Tham gia OCOP giúp HTX chúng tôi không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. Các ban ngành trong tỉnh Đồng Tháp đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và các hội chợ nông sản, giúp HTX có nhiều đơn hàng hơn và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước”.
Chị Nguyễn Bích Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hương Sen Đồng Tháp, cho biết: Từ tình yêu cây sen Đồng Tháp, công ty đã đầu tư xây dựng các sản phẩm đạt OCOP để nâng tầm giá trị cây sen, góp phần gìn giữ văn hóa của quê hương, đồng thời tạo việc làm cho người dân địa phương.
Ngoài các HTX và doanh nghiệp, nhiều cá nhân tại Đồng Tháp cũng đã dấn thân vào lĩnh vực sản xuất các sản phẩm OCOP.
Chị Nguyễn Thị Lan, một hộ sản xuất trà sen tại huyện Tháp Mười cho biết: “Trước đây, sản phẩm của tôi chỉ bán trong xã, chợ địa phương. Tuy nhiên, sau khi tham gia chương trình OCOP, tôi đã nhận được sự hỗ trợ về quảng bá và kỹ thuật chế biến từ chính quyền. Nhờ đó, sản phẩm trà sen của tôi đã có mặt tại các cửa hàng đặc sản trong tỉnh và thậm chí còn nhận được đơn đặt hàng từ các tỉnh lân cận".
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: UBND tỉnh vừa ban hành văn bản số 685/UBND-KT chỉ đạo tăng cường triển khai thực hiện hiệu quả chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Theo văn bản này, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương của tỉnh tăng cường triển khai thực hiện hiệu quả chương trình nhằm khai thác tối ưu nguồn nguyên liệu, lao động, lợi thế về chất lượng sản phẩm của từng địa phương.
Đồng thời, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình, khai thác hiệu quả phần mềm số hoá OCOP, video tuyên truyền về chương trình OCOP của tỉnh đến năm 2025 (video đồ hoạ 3D), để chủ thể sản xuất cập nhật thông tin, thực hiện.