Được sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền các cấp, nhất là Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hậu Giang, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã trở thành động lực phát triển của các doanh nghiệp, HTX và cơ sở sản xuất vùng nông thôn. Đồng thời, sản phẩm OCOP của địa phương cũng dần khẳng định được vị thế trên thị trường bởi chất lượng và khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.
Vì lẽ đó, chương trình đã thu hút được sự tham gia của nhiều chủ thể OCOP, tạo nên sự gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giá trị nông sản địa phương từng bước được nâng cao, tạo ra cơ hội việc làm, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông thôn bền vững.
HTX Lúa gạo Tân Long là đơn vị tiên phong trong phong trào sản xuất lúa hữu cơ. Những năm đầu sản xuất, sản phẩm chưa được người tiêu dùng biết đến, thương lái mua lúa hữu cơ chỉ bằng mức giá lúa thường. Sau khi được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh, thương hiệu Gạo sạch Vị Thủy với quy trình sản xuất hữu cơ đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng.
“OCOP là động lực để chúng tôi tạo ra sản phẩm mang giá trị đặc trưng của quê hương và cũng là cơ hội để tiếp cận và mở rộng thị trường”, ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc HTX Lúa gạo Tân Long tâm sự.
Đến nay, Hậu Giang đã công nhận 278 sản phẩm OCOP, trong đó 92 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 186 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Bên cạnh sự gia tăng về số lượng, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao đáng kể. Đây là bước tiến quan trọng, cũng là sự khẳng định thương hiệu và uy tín của OCOP Hậu Giang.
Sản phẩm OCOP dựa trên nền tảng các sản phẩm chủ lực
Cây lúa, chanh không hạt, mít, cá thát lát và lươn đồng là 5 sản phẩm chủ lực của tỉnh Hậu Giang. Theo đó, địa phương đang tập trung ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để đẩy mạnh khai thác, chế biến sâu các loại nông sản này. Nhằm tạo ra sản phẩm giá trị cao, hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP mang tính độc đáo riêng, không lẫn với các sản phẩm vùng miền khác.
Đến nay, 5 loại nông sản chủ lực của tỉnh Hậu Giang đều có sản phẩm được công nhận chất lượng OCOP. Cụ thể, địa phương có 11 sản phẩm từ gạo, 1 sản phẩm từ chanh không hạt, 6 sản phẩm từ mít; 44 sản phẩm từ cá thát lát, 12 sản phẩm từ con lươn.
Đặc biệt, chanh không hạt và cá thát lát rút xương tẩm gia vị Kỳ Như là 2 sản phẩm được đăng ký thi OCOP 5 sao cấp Trung ương. Bên cạnh đó, một số sản phẩm chế biến khác từ 5 loại nông sản chủ lực này cũng được các chủ thể khai thác có hiệu quả.
Bà Nguyễn Kim Thùy, giám đốc HTX Kỳ Như tâm sự, các sản phẩm từ cá thác lác của HTX đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng sản phẩm sạch và hơn 30 đại lý trên cả nước từ nhiều năm nay. Hiện nay, HTX đang triển khai cải tiến bao bì và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tiếp đến sẽ mở rộng vùng nuôi, nâng cấp nhà xưởng, thiết bị sản xuất, hướng tới sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm OCOP khác của tỉnh Hậu Giang cũng đã khẳng định được vị thế trên thị trường như Rượu Lão Tửu Út Tây, Sữa dê Ngọc Đào.
Không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm
Hiện nay, sản phẩm OCOP của tỉnh Hậu Giang đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước thông qua các kênh bán hàng lớn như siêu thị, bách hóa, cửa hàng nông sản sạch. Đặc biệt, một số loại trái cây địa phương đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, khu vực Bắc Mỹ và châu Âu, sản phẩm từ cá thát lát đạt chuẩn OCOP cũng xuất khẩu gián tiếp sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững, sản phẩm OCOP phải đảm bảo tính đồng đều và ổn định về chất lượng, mẫu mã. Do đó, tỉnh Hậu Giang định hướng các sản phẩm OCOP 4 sao và tiềm năng 5 sao cần xây dựng quy trình sản xuất đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng cao nhất như GlobalGAP, HACCP ISO 22000 để hoàn thiện, mở rộng quy mô, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo đó, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất nông thôn, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và chế biến, triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, liên kết chuỗi giá trị; tăng cường đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), cải tiến quy trình sản xuất, tìm kiếm và phát triển các sản phẩm mới từ những nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng điều phối các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tỉnh Hậu Giang chia sẻ, địa phương sẽ tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ chế biến để tiếp nhận những kỹ thuật tiên tiến nhất. Đột phá trong công nghệ và sáng tạo trong sản xuất, chế biến sẽ là điểm nhấn của OCOP tỉnh Hậu Giang, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng và phát triển thương hiệu, tạo dấu ấn riêng cho sản phẩm.
Địa phương đẩy mạnh áp dụng các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng. Tăng cường mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước thông qua các hoạt động quảng bá sản phẩm như hội chợ, triển lãm thương mại và kênh truyền thông.
Qua đó, từng bước nâng cao khả năng nhận diện sản phẩm trên thị trường, bảo vệ danh tiếng, chất lượng sản phẩm trước sự cạnh tranh và gian lận thương mại. Góp phần hỗ trợ chủ thể OCOP phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, các trung tâm kinh doanh sản phẩm OCOP sẽ tiếp tục được hình thành và mở rộng, đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP để giải quyết vấn đề đầu ra.
HẬU GIANG CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI