| Hotline: 0983.970.780

Chương trình OCOP nâng tầm giá trị cho sản phẩm địa phương

Thứ Tư 16/11/2022 , 10:32 (GMT+7)

Chương trình OCOP ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Đa dạng hóa hình thức quảng bá sản phẩm OCOP

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, Lạc Dương là huyện miền núi và có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), đặc biệt các sản phẩm rau, củ, quả và các sản phẩm cà phê.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lạc Dương cho biết, đến nay, trên địa bàn huyện có 28 sản phẩm đạt các chứng nhận OCOP, trong đó có 19 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao và 9 sản phẩm 3 sao. Những sản phẩm này đều mang đặc trưng về văn hóa, lịch sử, truyền thống và con người địa phương.

Anh 4 OCOP Lac Duong

Huyện Lạc Dương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt các sản phẩm rau, củ, quả và các sản phẩm cà phê. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Hưng, thời gian qua, huyện Lạc Dương đã thành lập Ban Chỉ đạo để phát triển sản phẩm và đánh giá sản phẩm OCOP. Ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương, các chủ thể để hoàn thiện quy trình về thủ tục, hỗ trợ các chủ thể trong việc xây dựng sản phẩm để đảm bảo theo các tiêu chí. Chính quyền huyện Lạc Dương cũng tổ chức hỗ trợ các chủ thể về đầu tư máy móc, trang thiết bị để phục vụ sản xuất và hỗ trợ về quảng bá sản phẩm thông qua các chương trình xúc tiến thương mại.

UBND huyện Lạc Dương đã làm việc với Tập đoàn Viettel tổ chức hỗ trợ cho các chủ thể đã đạt chứng nhận OCOP đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử Voso.vn của Viettel. Qua thời gian triển khai, các sản phẩm đã được giao dịch bán với số lượng tăng so với trước đây. Qua đó giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh quảng bá sản phẩm cũng như tăng doanh thu.

anh 2 OCOP Lac Duong

Sản phẩm phúc bồn tử hữu cơ của Công ty Langbiang.F (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) là một trong những sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ảnh: Minh Hậu.

"Để quảng bá, phát triển sản phẩm đặc trưng của huyện Lạc Dương tới du khách trong và ngoài nước, huyện Lạc Dương đã bố trí ngân sách huyện và quỹ đất để xây dựng 1 nhà trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện tại thị trấn Lạc Dương. Nhà trưng bày được xây dựng với tổng diện tích 334m2 gồm 2 tầng với tổng kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng. Thông qua nhà trưng bày này, toàn bộ sản phẩm OCOP của huyện được ký gửi và được tổ chức các hoạt động giới thiệu, bán sản phẩm", ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lạc Dương nói.

Chính quyền huyện Lạc Dương cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị nhằm tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tiêu biểu. Huyện đã bố trí ngân sách hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trong việc ăn ở, đi lại khi tham dự các đợt xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Theo đó, năm 2019, huyện hỗ trợ 1 đơn vị tham gia hội chợ sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng; năm 2020 – 2021 huyện Lạc Dương phối hợp cùng các cơ quan chức năng tổ chức hàng chục doanh nghiệp tham gia 2 đợt xúc tiến thương mại tại TP.HCM; năm 2022 huyện Lạc Dương phối hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại tại Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lào Cai, Gia Lai, Đồng Tháp, Sơn La…

Hướng đến OCOP 5 sao

Đánh giá về kết quả đạt được sau 3 năm triển khai chương trình OCOP, ông Nguyễn Duy Hưng cho hay chương trình OCOP đã bắt đầu tiếp cận với người dân, doanh nghiệp. Thông qua công tác tuyên truyền, hoạt động xúc tiến thương mại cùng với các thành công của chủ thể đi trước đã tạo động lực mạnh mẽ cho các chủ thể mới tham gia chương trình. Đặc biệt, người dân đã hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP nên hưởng ứng, xây dựng để nâng cao giá trị trong sản xuất.

anh 3 OCOP Lac Duong

Trên địa bàn huyện Lạc Dương hiện có 28 sản phẩm đạt các chứng nhận OCOP, trong đó có 19 sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao và 9 sản phẩm 3 sao. Những sản phẩm này đều mang đặc trưng về văn hóa, lịch sử, truyền thống và con người địa phương. Ảnh: Minh Hậu.

Sau 3 năm, chương trình OCOP ở Lạc Dương đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Chương trình cũng mang lại những kết quả khả quan và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Các sản phẩm được chứng nhận đã không ngừng được cải tiến mẫu mã, mở rộng thị trường để từ đó tăng thu nhập cho doanh nghiệp, hộ dân.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lạc Dương, trong giai đoạn 2022 – 2025, huyện Lạc Dương tiếp tục xác định OCOP là chương trình chủ đạo trong chiến lượng phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Do vậy, huyện sẽ tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người dân, doanh nghiệp tham gia chương trình. Đặc biệt tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại và hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP.

anh 1 OCOP lac duong

Huyện Lạc Dương phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 40 – 50 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Ảnh: Minh Hậu.

Huyện Lạc Dương lên kế hoạch từ nay đến 2025 sẽ đề nghị xét công nhận thêm từ 7 đến 10 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao; phấn đấu đến năm 2025 có 40 – 50 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

"Hiện huyện Lạc Dương cũng đẩy mạnh hoạt động của mô hình câu lạc bộ OCOP và phát huy hiệu quả của Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện Lạc Dương. Đồng thời, cũng cố và hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với các hợp tác xã, doanh nghiệp", ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lạc Dương nói và cho biết thêm, từ nay đến 2025, huyện cũng phấn đấu tổ chức 3 đến 5 đợt xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh cho các sản phẩm OCOP để quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.