| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP

Chủ Nhật 13/11/2022 , 06:57 (GMT+7)

Để gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP cần nâng cao năng lực của chủ thể OCOP, tích hợp đa giá trị vào trong sản phẩm, gắn với phát triển du lịch.

Còn nhiều bất cập

Ông Đặng Quý Nhân, Phó Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết: Sau 4 năm triển khai, đến nay có thể khẳng định chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ trên 63 tỉnh thành trong cả nước; phù hợp với định hướng phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam. Dự kiến, đến năm 2025, cả nước sẽ có 10.000 sản phẩm OCOP, ít nhất 50% sản phẩm được đánh giá phân hạng.

Sau 4 năm triển khai, chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước. Ảnh: TL.

Sau 4 năm triển khai, chương trình OCOP đã lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước. Ảnh: TL.

Chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang liên kết theo chuỗi giá trị với vai trò chính là các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chương trình đã góp phần tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt với chủ thể là phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số. Các sản phẩm OCOP đã đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng an toàn thực phẩm, mẫu mã, bao bì đa dạng, thân thiện với môi trường, phù hợp theo yêu cầu của thị trường.

Ngoài ra, chương trình OCOP đã góp phần bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống. Hiện tại, cả nước có 5.400 làng nghề, trong đó có 2.000 làng nghề truyền thống và 300 điểm du lịch cộng đồng đang hoạt động.

Tuy nhiên, theo ông Nhân, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chương trình OCOP vẫn tồn tại nhiều khó khăn như: Số lượng sản phẩm tăng nhanh nhưng chưa bền vững, chưa tập trung vào các sản phẩm có lợi thế; thiếu sự chủ động, chưa tập trung chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, năng lực thị trường; các hoạt động xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ...

Cùng chung quan điểm, ông Lê Viết Bình, Phó Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT khu vực phía Nam đánh giá: Chương trình OCOP đã đạt được nhiều thành quả, hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, hiện nay, sau khi xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm OCOP, nhiều địa phương vẫn gần như chỉ dừng lại ở mức độ trưng bày, giới thiệu sản phẩm, khả năng thương mại còn thể hiện nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, đang tồn tại một thực trạng là số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh một cách ồ ạt, các địa phương chưa tập trung cho sản phẩm lợi thế, mang tính chất đặc thù nên chất lượng cũng như hiệu quả của chương trình OCOP chưa cao. Việc phát triển sản phẩm OCOP còn rời rạc, không có sự liên kết giữa các sản phẩm trong cùng một địa phương và các địa phương trong cùng một vùng...

Bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển sản phẩm OCOP ở các địa phương vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn. Ảnh: TL.

Bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển sản phẩm OCOP ở các địa phương vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn. Ảnh: TL.

Khẳng định vai trò của HTX, gắn sản phẩm OCOP với du lịch nông thôn

Ông Vũ Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chia sẻ: Việt Nam hiện có hơn 19.000 HTX nông nghiệp, chiếm gần 70% số HTX của cả nước, với hơn 3,4 triệu xã viên. Tuy nhiên, trong hơn 8.500 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên chỉ có 40% sản phẩm có chủ thể là HTX và tổ hợp tác tham gia chương trình OCOP.

Từ đó có thể thấy, đóng góp của HTX, tổ hợp tác trong việc phát triển và gia tăng giá trị của sản phẩm OCOP vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng vốn có. Ông Tiến cho rằng, việc phát triển sản phẩm OCOP gắp với HTX có vai trò kép trong việc nâng cao giá trị của các đặc sản vùng miền.

Theo đó, HTX giúp nông dân chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, là điểm hội tụ văn hóa, lan tỏa các giá trị đặc sản, đặc hữu của địa phương.

Do đó, cần tăng cường triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP gắn với HTX như: Tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực HTX; khuyến khích chủ thể sản phẩm OCOP phát triển bảo hộ sở hữu trí tuệ; hỗ trợ HTX về nguồn vốn, hạ tầng, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ...

T.S. Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, (Trường Đại học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Hiện nay, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đang phát triển mạnh mẽ. Ngoài những vẻ đẹp của tự nhiên ban tặng, thì việc đưa những sản phẩm đặc sản, đặc hữu vùng miền phục vụ cho phát triển du lịch vừa giúp thu hút, giữ chân được khách du lịch vừa gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Một sản phẩm phục vụ du lịch không chỉ đơn thuần mang giá trị hữu hình, mà phải mang trong mình những câu chuyện, giá trị văn hóa, lịch sử, con người của vùng miền đó.

Gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sẽ gia tăng giá trị, phát triển bền vững (Ảnh minh họa).

Gắn sản phẩm OCOP với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sẽ gia tăng giá trị, phát triển bền vững (Ảnh minh họa).

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” có thể hiểu là khi nói đến địa phương nào là chúng ta sẽ nhớ ngay đến sản phẩm đặc trưng, riêng biệt của địa phương đó. Điều này hoàn toàn phù hợp và có thể trở thành điểm tựa vững chắc cho du lịch nông thôn phát triển mạnh mẽ.

Do đó, với nhóm sản phẩm đặc trưng thì mỗi địa phương cần có bước đi, định hướng lâu dài trong việc củng cố vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị... Từ đó, giúp sản phẩm bản địa trở nên nổi bật, mang đặc trưng vùng miền và gia tăng được giá trị.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.