| Hotline: 0983.970.780

Tạo khác biệt cho sản phẩm OCOP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Chủ Nhật 13/11/2022 , 06:58 (GMT+7)

'Chủ thể OCOP phải sáng tạo hơn về sản phẩm. Các địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển riêng, tránh trùng lặp', ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Tăng nhanh về số lượng

Tại Diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 do Bộ NN- PTNT, Tổ Điều hành kết nối nông sản 970 tổ chức, đại diện các tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều chung đánh giá: Qua 4 năm triển khai, chương trình OCOP đã phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Minh chứng là số lượng sản phẩm OCOP của mỗi tỉnh không ngừng tăng lên; hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại cũng trở nên đa dạng và không ngừng được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, tiềm năng, dự địa để phát triển các sản phẩm OCOP còn rất lớn.

Dư địa, tiềm năng phát triển của các sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL còn rất lớn. Ảnh: TL.

Dư địa, tiềm năng phát triển của các sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL còn rất lớn. Ảnh: TL.

Ông Võ Văn Lập, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Tiền Giang thông tin: Tiền Giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, diện tích cây ăn quả hơn 90.000 ha với nhiều sản phẩm nổi bật như sầu riêng (diện tích hơn 50.000 ha, 13.000 cho thu hoạch với sản lượng hơn 350.000 tấn); khóm (diện tích 14.000 ha, sản lượng 250.000 tấn); mít (diện tích 14.000 ha, sản lượng 250.000 tấn); thủy sản sản lượng gần 300.000 tấn...

Hiện nay, tỉnh đã xây dựng được 187 mã số vùng trồng cho hơn 17.000 ha trên tất cả các loại cây trồng; công nhận được 148 sản phẩm OCOP (90 sản phẩm đạt 4 sao, 58 sản phẩm đạt 3 sao).

Theo ông Lập, từ nay tới cuối năm, tỉnh dự kiến sẽ công nhận thêm 30 sản phẩm OCOP và dự kiến đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ công nhận được 200 sản phẩm OCOP, trong đó có 10 sản phẩm OCOP 5 sao.

Tại tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Bá Thuấn, Chi Cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Cà Maucho biết: Tỉnh có 77 sản phẩm OCOP của 44 chủ thể. Trong đó, có 3 sản phẩm đạt 4 sao, 74 sản phẩm 3 sao, hầu hết đều thuộc nhóm thực phẩm và được xúc tiến phân phối tại các hệ thống siêu thị, đại lý trên cả nước cũng như các sàn thương mại điện tử. Qua đó, có 30% sản phẩm có doanh thu từ 5-8%, giá bán tăng 5-10%.

Đặc biệt, Cà Mau xếp thứ 4/13 tỉnh vùng ĐBSCL có nhiều sản phẩm OCOP. Thời gian tới, địa phương sẽ xúc tiến thương mại, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm OCOP để tiếp cận thị trường Hàn Quốc, Úc, Thái Lan. Cùng với đó, tăng cường công tác dự báo thị trường, thúc đẩy tư duy sản xuất kinh tế nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả việc kết nối tiêu thụ giữa các doanh nghiệp, tăng cường xúc tiến nông sản trên nền tảng số.

Trong năm 2022, Cà Mau đề ra mục tiêu phát triển mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm; công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao; nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao; phát triển, nâng cấp 28-30 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; củng cố, nâng cao chất lượng kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ 77 sản phẩm OCOP đã được tỉnh công nhận tham gia các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm...

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TL.

Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TL.

Đại diện Sở NN-PTNT Đồng Tháp thông tin: Sau 4 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, tỉnh Đồng Tháp đã có 269 sản phẩm OCOP, trong đó có 61 sản phẩm OCOP 4 sao, 208 sản phẩm đạt 3 sao.

Đồng Tháp rất quan tâm tới hoạt động thương mại hóa các sản phẩm OCOP, giúp các chủ thể liên kết với thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có 109 sản phẩm OCOP được bán trên sàn thương mại điện tử Shoppe, 100 sản phẩm trên sàn VoSo, 76 sản phẩm trên Lazada, 73 sản phẩm trên sàn Co.opmart...

Chú trọng tính riêng biệt khi phát triển sản phẩm OCOP

Ông Lê Thanh Tùng , Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) chia sẻ: Qua số liệu từ các địa phương có thể thấy, chương trình OCOP đã đạt được những kết quả rất khả quan. Việc tiêu thụ sản phẩm OCOP cũng ngày càng phong phú, đa dạng.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn về mẫu mã, giá cả, thị trường. Chủ thể OCOP chưa có bước chuẩn bị sẵn sàng từ công tác quản lý, thị trường...

Theo ông Tùng, cần có nhiều hình thức để giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương, trong đó, việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu.

“Khi đi du lịch tại 1 vùng nào đó, du khách luôn muốn mang những sản phẩm của địa phương về làm kỷ niệm. Đó là cơ hội quảng bá, cách tiếp cận gần nhất, hiệu quả nhất của sản phẩm OCOP với thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm OCOP khi kết hợp với dịch vụ du lịch thì cần tính toán đến sự phù hợp với thị hiếu khách hàng. Ví dụ, du khách du lịch dài ngày không thể mua các sản phẩm nặng nề, cần hướng đến sản phẩm nhẹ nhàng hơn”, ông Tùng nhấn mạnh.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), khi phát triển sản phẩm OCOP các địa phương cần chú ý tới tính riêng biệt của sản phẩm (Ảnh minh họa). 

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), khi phát triển sản phẩm OCOP các địa phương cần chú ý tới tính riêng biệt của sản phẩm (Ảnh minh họa)

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cũng cho rằng: Trong thời gian tới, các chủ thể cần sáng tạo hơn về sản phẩm. Các địa phương cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ tích cực hơn; xây dựng kế hoạch đồng bộ, chi tiết, nắm bắt thông tin các sản phẩm tương đồng để xây dựng chiến lược riêng, tránh trùng lặp.

Bên cạnh đó, số lượng sản phẩm OCOP nhiều thì tính riêng biệt cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. Việc thành lập trung tâm trưng bày sản phẩm OCOP tại các địa phương cần được hoàn thiện, tính toán bài bản; cần có thêm các thông tin chi tiết cho danh sách các sản phẩm OCOP Quốc gia.

Ngoài ra, bài toán kết nối tiêu thụ nông sản hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, do đó, cần kêu gọi các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ cùng vào cuộc để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Từ đó, nâng cao giá trị cho sản phẩm, gia tăng thu nhập cho người dân.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.