Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp Giấy chứng nhận cho sản phẩm tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đợt 2 năm 2021.
Theo đó, 39 sản phẩm tham gia chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang đợt 2 năm 2021 được phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.
Trong số này, có 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 37 sản phẩm đạt hạng 3 sao, các sản phẩm được đánh giá 4 sao là Dưa Kim hoàng hậu ở huyện Yên Dũng và Sâm nam núi Dành khô ở huyện Việt Yên.
Các phẩm được công nhận đạt các hạng sao được UBND tỉnh Bắc Giang cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao được cho phép sử dụng biểu trưng của chương trình OCOP và thứ hạng sao in trên bao bì, nhãn mác và các tài liệu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm và được khen thưởng.
Được cơ quan chức năng hướng dẫn UBND các huyện và các chủ thể sản xuất thực hiện việc sử dụng và in biểu trưng của chương trình OCOP, thứ hạng sao lên sản phẩm được công nhận theo quy định.
Đồng thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ các sản phẩm OCOP để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, giới thiệu, xúc tiến thương mại cũng như phối hợp thực hiện việc kiểm tra đột xuất, định kỳ các sản phẩm OCOP đã được công nhận và đề xuất biện pháp xử lý khi có vi phạm xảy ra.
Mặt khác, sau khi được công nhận, UBND các huyện được giao tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm; ưu tiên hỗ trợ hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại và hoàn thiện sản phẩm.
Còn các chủ thể sản xuất có sản phẩm được công nhận tại quyết định này có trách nhiệm nâng cao chất lượng sản phẩm theo quy định của Chương trình OCOP, tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm đã được công nhận để nâng cấp sản phẩm đạt thứ hạng sao cao hơn.
Theo Sở NN-PTNT Bắc Giang, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19 nhưng số lượng sản phẩm được đánh giá, phân hạng nhiều, số hợp tác xã tham gia đăng ký đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP chiếm tỷ lệ cao.
Qua đó, đã góp phần tạo sức lan tỏa trong cộng đồng và nâng cao vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thực hiện chương trình OCOP.
Các sản phẩm tham gia đánh giá đều là những sản phẩm đặc trưng, tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong tỉnh Bắc Giang.
Thời gian tới, Bắc Giang sẽ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tập trung triển khai thực hiện chương trình OCOP, nhất là công tác rà soát, định hướng, tư vấn, hỗ trợ phát triển sản phẩm tham gia chương trình.
Mặt khác sẽ phấn đấu đạt mục tiêu năm 2022 có tối thiểu 30 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, nâng hạng sao cho một số sản phẩm đã đăng ký và phấn đấu nâng hạng, phát triển ít nhất 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.
Sẽ đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc và chuẩn hóa quy trình sản xuất, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP.
Đồng thời, tập trung phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nhằm thu hút du khách, đồng thời quảng bá hoạt động du lịch, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Bắc Giang, thời gian qua, địa phương đã tập trung rất cao cho chương trình OCOP để nâng tầm các đặc sản của từng vùng quê, biến những đặc sản thông thường thành những sản phẩm có chất lượng.
Đồng thời quan tâm tới việc tổ chức lại sản xuất, từ đó tạo ra được quy trình chuẩn, lượng hàng hoá đủ lớn và chất lượng.
Chương trình OCOP đã mang lại cho sự phát triển kinh tế nông thôn ở Bắc Giang, những đặc sản thường ngày đã được đầu tư bài bản, giúp gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, khi tham gia OCOP các sản phẩm đã được chuẩn hoá lại quy trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào, bao bì, nhãn mác, thương hiệu từ đó Bắc Giang xây dựng lộ trình quảng bá, tiêu thụ.
Đồng thời làm thay đổi hẳn cơ chế tổ chức sản xuất, nếu trước kia sản phẩm nông nghiệp đều sản xuất theo nông hộ, đơn lẻ, nhưng giờ đã thay đổi, 80% các chủ thể OCOP là các HTX, doanh nghiệp và đã tạo ra được chuỗi liên kết giữa người sản xuất và người tiêu thụ.
“Quan điểm của Bắc Giang là không chạy theo thành tích, số lượng mà chúng tôi có kế hoạch tăng sản phẩm nhưng không quá nhiều, làm đến đâu chắc đến đó, với tiêu chí OCOP là có thật, đối với Bắc Giang sản phẩm OCOP là thực chất chứ không phải là phong trào”, ông Dương Thanh Tùng – Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang chia sẻ.
Lũy kế hết năm 2021 toàn tỉnh có 155 sản phẩm OCOP, trong đó có 36 sản phẩm 4 sao và 119 sản phẩm 3 sao đưa Bắc Giang trở lên vị trí thứ 2 Khu vực miền núi phía Bắc, sau Hà Giang và đứng thứ 7 cả nước về số sản phẩm OCOP.