| Hotline: 0983.970.780

Gần 1 nghìn tỷ đồng được huy động để xây dựng NTM ở TP Bắc Giang

Thứ Hai 06/12/2021 , 14:41 (GMT+7)

Trong hơn 10 năm, TP Bắc Giang đã huy động được gần 1.000 tỷ đồng từ các nguồn lực khác nhau để thực hiện Chương trình xây dựng NTM.

Nỗ lực 10 năm không mệt mỏi

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã vừa ký Quyết định số 1890/QĐ-TTg công nhận TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đây là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân TP Bắc Giang trong suốt hơn 10 năm qua.

Hội nghị thẩm định hồ sơ và khảo sát thực tế của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương trước khi công nhận TP Bắc Giang đạt chuẩn NTM. Ảnh: Nguyễn Miền.

Hội nghị thẩm định hồ sơ và khảo sát thực tế của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương trước khi công nhận TP Bắc Giang đạt chuẩn NTM. Ảnh: Nguyễn Miền.

Theo UBND TP Bắc Giang, trong quãng thời gian thực hiện Chương trình xây dựng NTM, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là đã phát huy rõ nét, hiệu quả vai trò của chi bộ, ban quản lý thôn và từng gia đình tham gia.

Toàn TP Bắc Giang đã huy động được hơn 750 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó, có hơn 178,7 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp và người dân đóng góp, còn lại là ngân sách Trung ương và địa phương.

Thông qua nguồn lực xã hội hóa, các xã trên địa bàn đã xây dựng mới hàng trăm công trình công cộng, phục vụ đời sống dân sinh, diện mạo các xã có bước thay đổi vượt bậc, kinh tế phát triển khá, hình thành các liên kết sản xuất và tiêu thụ gắn với xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người tại 6 xã đạt 48,5 triệu đồng/người, gấp 2,5 lần so với năm 2011. Ước thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 51,5 triệu đồng/người, còn tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 đã giảm tới 3,23% so với năm 2011.

Từ năm 2011 đến nay, các xã đã đầu tư cứng hóa làm mới và mở rộng 268,9 km đường giao thông nông thôn, tăng 89,121 km so với năm 2011, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, giao thông… từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống nhân dân.

Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt; an ninh, trật tự xã hội được tăng cường; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân ngày càng được nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống được khôi phục và phát huy.

Một trong những điểm sáng trong xây dựng NTM ở TP Bắc Giang là xã Tân Tiến, đây là địa phương có xuất phát điểm thấp nhất trong 4 xã được TP Bắc Giang lựa chọn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, trong khi đó để hoàn thành các tiêu chí còn thiếu thì nhu cầu về vốn là rất lớn, thu nhập của người dân lại không đồng đều và ổn định.

Khảo sát khu xử lý nước thải của TP Bắc Giang. Ảnh: Thế Đại.

Khảo sát khu xử lý nước thải của TP Bắc Giang. Ảnh: Thế Đại.

Cùng đó trên địa bàn xã không có doanh nghiệp và làng nghề, nguồn thu ngân sách địa phương chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của nhà nước nên việc huy động vốn rất khó khăn.

Ngay khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã Tân Tiến đã nghiên cứu kỹ các tiêu chuẩn của 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí NTM.

Qua đó, xác định rõ tiêu chí nào đã cơ bản hoàn thành, tiêu chí nào còn khó khăn, hạn chế cần tập trung thực hiện.

Vì vậy, nhiều phong trào thi đua được phát động và nhận sự hưởng ứng tích cực của nhân dân đã tạo nên khí thế, phong trào sôi nổi trong xây dựng nông thôn mới, chỉ tính từ năm 2011 đến năm 2015, xã Tân Tiến đã huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng NTM với tổng kinh phí trên 76,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, địa phương đã vận động nhân dân chung sức xây dựng NTM với trên 259 hộ gia đình tự nguyện hiến 5.350m2 đất trong đó có 260m2 đất thổ cư để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở địa phương, đồng thời nhân dân cũng tham gia gần 550 ngày công.

Với cách làm sáng tạo, quyết liệt và phù hợp, chỉ trong thời gian ngắn, xã đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, đã quy hoạch, xây dựng được 3 vùng trồng rau an toàn và rau chế biến với diện tích trên 30ha với đầy đủ hạ tầng như đường giao thông, nhà lưới.

Đồng thời đã xây dựng và hỗ trợ 11 mô hình sản xuất cây rau, hoa chất lượng cao, lúa chất lượng. Xây dựng thành công cánh đồng mẫu thu nhập cao ở các thôn Văn Sơn, Thanh Cảm,...

Các trường học được đầu tư khang trang, sạch đẹp, đáp ứng yêu cầu dạy và họp. Ảnh: Nguyễn Miền.

Các trường học được đầu tư khang trang, sạch đẹp, đáp ứng yêu cầu dạy và họp. Ảnh: Nguyễn Miền.

Với các tiêu chí khó như tiêu chí giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp học, môi trường…. đều hoàn thành theo đúng quy chuẩn, 100% đường trục xã, liên xã được cứng hóa.

Qúa trình xây dựng NTM, nhiều công trình được đầu tư xây dựng, môi trường được giữ gìn, kinh tế phát triển đã tạo chuyển biến rõ nét bộ mặt nông thôn của xã và phục vụ thiết thực đời sống dân sinh, góp phần đưa địa phương ngày càng phát triển và được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang công nhận đạt chuẩn NTM từ rất sớm (năm 2015).

Bài học từ sức dân

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được TP Bắc Giang triển khai thực hiện tập trung, bài bản, quyết liệt ngay từ đầu với phương châm “Kinh tế phát triển - đời sống ấm no - thôn bản văn minh - an ninh ổn định - quản lý dân chủ”.

Chương trình đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân với nhiều hoạt động thiết thực mang lại diện mạo mới cho quê hương.

Ngay từ thời điểm ban đầu, TP Bắc Giang đã xác định xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, bởi có nhiều tiêu chí không chỉ đòi hỏi kinh phí đầu tư mà phải bằng sự quyết tâm từ chính người dân và sự đồng thuận, chung sức của cộng đồng, các cấp ngành.

Với nhiều cách làm mới, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, TP Bắc Giang đã có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại TP Bắc Giang. Ảnh: Thế Đại.

Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại TP Bắc Giang. Ảnh: Thế Đại.

Các phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM được triển khai đồng bộ, thường xuyên, đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân ý thức được xây dựng NTM là xây dựng đời sồng mới cho chính mình, mình là chủ thể, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nêu cao tinh thần tự giác trong tổ chức thực hiện, cách thức sản xuất hàng hóa có chuyển biến rõ nét

Việc quy hoạch xây dựng NTM được tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện theo từng bước: nông nghiệp, nông thôn phát triển theo quy hoạch, trật tự, khang trang, sạch đẹp.

Một số tiêu chí đạt được ở mức độ cao so với kế hoạch như tiêu chí quy hoạch, tiêu chí điện, tiêu chí trường học, thu nhập, y tế,…

Qua đó, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, nâng cấp nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, công trình phúc lợi ở thôn xóm tạo cơ sở, điều kiện tốt cho phát triển kinh tế, tăng hưởng thụ trực tiếp của người dân.

Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đây là nội dung quan trọng và trở thành phong trào, cơ cấu ngành nông nghiệp của TP Bắc Giang đã chuyển dịch theo hướng tích cực, đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, qui mô lớn và có thương hiệu.

Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, liên kết 4 nhà trong sản xuất, nhất là liên kết giữa doanh nghiệp và người dân được duy trì, TP Bắc Giang đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nông dân liên kết sản xuất.

Để đạt được những kết quả trong xây dựng NTM, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình chính là phải phát huy vai trò chủ thể của người dân, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đảm bảo cho người dân tham gia từ khâu lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”.

Vai trò của người đứng đầu có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là cán bộ cấp cơ sở, thực tiễn cho thấy ở địa phương nào người đứng đầu tâm huyết, quan tâm, trách nhiệm, gương mẫu, có phương pháp, cách làm chủ động, công khai, dân chủ thì ở đó tạo được niềm tin, huy động được sự tham gia của người dân và đạt được kết quả cao.

Do đó, TP Bắc Giang xác định cần thường xuyên xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, quan tâm đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm nhất là cán bộ cơ sở thôn xóm, đồng thời thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và sơ kết, rút kinh nghiệm kịp thời.

Theo ông Vũ Trí Hải, Bí thư Thành ủy Bắc Giang, trong thời gian tới, thành phố cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã đạt chuẩn NTM tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng như thường xuyên huy động tổng vệ sinh môi trường, giữ cảnh quan sạch đẹp, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong toàn dân.

Mặt khác, TP Bắc Giang sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng thoát nước, nâng cấp đường giao thông nông thôn, cải tạo chỉnh trang lại các nhà văn hóa cơ sở nhằm nâng cao các tiêu chí NTM tại các địa phương.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.