| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn ở Bắc Giang đang từng bước ‘thay da đổi thịt’

Thứ Ba 07/12/2021 , 16:15 (GMT+7)

Xây dựng NTM ở tỉnh Bắc Giang giúp phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập người dân và làm "thay đổi thịt" diện mạo nông thôn.

Đoàn công tác Văn phòng Điều phối NTM về khảo sát và thẩm tra hồ sơ đề nghị công nhận TP Bắc Giang đạt chuẩn NTM. Ảnh: Nguyễn Miền.

Đoàn công tác Văn phòng Điều phối NTM về khảo sát và thẩm tra hồ sơ đề nghị công nhận TP Bắc Giang đạt chuẩn NTM. Ảnh: Nguyễn Miền.

Năm 2021, được xem là kỳ tích với tỉnh Bắc Giang trong xây dựng nông thôn mới (NTM) do phải vừa phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục phát triển kinh tế vừa thực hiện hàng loạt nhiệm vụ chính trị quan trọng khác.

Chưa hết năm 2021 nhưng tỉnh Bắc Giang đã có 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 9 xã đang thẩm định, 2 huyện đạt chuẩn NTM, 1 huyện đang thẩm định và 69 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Còn nhớ, đại dịch Covid-19 càn quét qua tỉnh Bắc Giang đã khiến đời sống, kinh tế, xã hội đảo lộn, có thời điểm gần như tê liệt, tuy nhiên các địa phương vẫn chủ động thực hiện, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM và NTM nâng cao.

Trong đó, huyện Lạng Giang được xem là một trong những địa phương tích cực xây dựng NTM nâng cao của tỉnh Bắc Giang.

Chỉ tính trong 4 năm trở lại đây, chất lượng cuộc sống của người dân trong huyện không ngừng nâng lên, thu nhập bình quân tăng từ 48,5 triệu đồng/người/năm lên 67,8 triệu đồng.

Năm 2021, từ ngân sách của địa phương, huyện Lạng Giang đã triển khai hỗ trợ 2 tỷ đồng cho mỗi xã xây dựng NTM, các xã thực hiện NTM nâng cao như: Tân Dĩnh, Nghĩa Hưng, Mỹ Thái,...

Qua rà soát, các địa phương đã hoàn thành cơ bản các tiêu chí, đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số tiêu chí về giao thông, cảnh quan môi trường và cơ sở vật chất văn hóa, dự kiến trình thẩm định công nhận vào cuối năm.

Xác định xây dựng NTM nâng cao là quá trình liên tục nhằm bảo vệ, giữ vững thành quả trong xây dựng NTM bền vững, nếu các địa phương không duy trì, nâng cao sẽ đánh mất các tiêu chí NTM đã đạt. 

Đường nông thôn tại thôn Hậu, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang được mở rộng, có hệ thống điện chiếu sáng. Ảnh: BBG.

Đường nông thôn tại thôn Hậu, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang được mở rộng, có hệ thống điện chiếu sáng. Ảnh: BBG.

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Bắc Giang, năm 2021, tỉnh Bắc Giang đặt chỉ tiêu có 15 xã đạt chuẩn NTM, 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, 17 xã được công nhận NTM nâng cao và 73 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã có 4/15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, dự kiến hết năm 2021 sẽ có 138/184 xã đạt chuẩn NTM.

Về xây dựng NTM nâng cao, đã có 8 xã về đích, còn 9 xã đang thẩm định, dự kiến hết năm 2021, tỉnh Bắc Giang có 23 xã NTM nâng cao, chiếm 16,7% số xã đạt chuẩn NTM.

Đối với cấp huyện, đến nay, tỉnh Bắc Giang đã có huyện Yên Dũng và TP Bắc Giang được Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, qua đó nâng số lượng đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM của tỉnh Bắc Giang lên thành 5 đơn vị.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang đang mục tiêu đến hết năm 2021 có thêm huyện Hiệp Hòa đạt chuẩn NTM, đến nay, Văn phòng điều phối NTM Trung ương đã về thẩm tra hồ sơ và dự kiến trong năm 2021 cũng sẽ được công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bắc Giang cho biết, những tháng đầu năm các địa phương đã có sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM.

Mặt khác, chủ động cân đối nguồn ngân sách địa phương thực hiện các nội dung kế hoạch, các huyện, thành phố đã xác định xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Do đó, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng nhìn chung tiến độ thực hiện chương trình cơ bản đảm bảo theo kế hoạch dự kiến.

Một góc thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên nay đã 'thay da đổi thịt'. Ảnh: BBG.

Một góc thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên nay đã "thay da đổi thịt". Ảnh: BBG.

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số tồn tại cần khắc phục như: Một số xã giao đạt chuẩn năm 2021 gặp khó khăn, lúng túng trong tổ chức thực hiện; tình hình an ninh trật tự ở một số địa phương có những diễn biến phức tạp, vệ sinh môi trường chậm được xử lý.

Do chưa có nguồn vốn trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình, cơ chế chính sách giai đoạn 2011-2025 chưa được trung ương ban hành và đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và việc tập trung cho công tác bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp phần nào ảnh hưởng đến kết quả thực hiện tại địa phương, tiến độ giải ngân nguồn vốn đạt thấp.

Có thể nói, quá trình thực hiện thôn NTM đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM và phát huy, khơi dậy sự sáng tạo, nhiệt tình của đội ngũ lãnh đạo thôn và cộng đồng.

Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, tỉnh Bắc Giang đã bổ sung các quy định, bộ tiêu chí và cơ chế quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách cùng các nguồn lực khác một cách hợp lý.

Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang đã chú trọng nâng cao thu nhập, đời sống người dân và thực hiện các nhiệm vụ khoa học, thông suốt từ tỉnh đến cơ sở.

Qua đó đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nâng cao, coi trọng quy hoạch và phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập người dân và làm cho diện mạo nông thôn tại Bắc Giang từng bước được “thay da đổi thịt”.

Ở cấp thôn, năm 2021, tỉnh Bắc Giang phấn đấu có 73 thôn NTM kiểu mẫu, đến hết tháng 11/2021, đã có 69/73 thôn được công nhận thôn NTM kiểu mẫu, dự kiến hết năm 2021, có 145 thôn NTM kiểu mẫu.

Năm 2022, tỉnh Bắc Giang đặt ra mục tiêu sẽ có thêm 9 xã nông thôn mới, 19 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu và có thêm 75 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân tiêu chí/xã đạt 17,1 tiêu chí/xã.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.