Đòn bẩy xây dựng nông thôn mới
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, hiện tại, địa phương này đang có 584 hợp tác xã (HTX) và 4 liên hiệp HTX nông nghiệp, trong đó có 184 HTX trồng trọt, 85 HTX chăn nuôi, 135 HTX thủy lợi, 40 HTX thủy sản và 140 HTX tổng hợp.
Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn do dịch Covid -19, tuy nhiên các HTX đã cố gắng khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hơn 100 HTX nông nghiệp có hoạt động liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, 48 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 49 HTX nông nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng đang có 65 tổ hợp tác được cấp xã chứng thực hợp đồng hợp tác, trong đó gồm 01 tổ chăn nuôi, 7 tổ thủy sản, 33 tổ hợp tác dùng nước và 24 tổ trồng trọt.
Trong những năm qua, kinh tế tập thể và HTX ở Bắc Giang đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Là một yếu tố và động lực cơ bản để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất trên mọi phương diện cho người nông dân, đồng thời, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong khu vực nông nghiệp, nông thôn,…
Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, HTX còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như về thể chế, chính sách, về nhận thức, nguồn nhân lực, về nguồn lực tài chính, về công nghệ,…
Trong đó, về thể chế, chính sách, chuyển đổi số là một nội dung mới nên các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX để thực hiện chuyển đổi số còn rất ít, các nghị quyết, Đề án phát triển kinh tế tập thể, htx chưa lồng ghép với các tiêu chí về chuyển đổi số.
Còn về nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế tập thể, HTX chưa đồng đều, chưa thành thạo các kỹ năng ứng dụng CNTT nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế, chưa thực hiện lồng ghép chuyển đổi số vào công tác quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh do vậy thiếu kỹ năng tiếp cận các nguồn thông tin, chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước,...
Xác định rõ tầm quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong việc tạo nền tảng, đòn bẩy để thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký quyết định phê duyệt cho "Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 – 2025" với tổng nguồn kinh phí hơn 88.1 tỷ đồng.
Đây là chương trình nhằm mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX cả chiều rộng và chiều sâu để tiếp tục củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, tạo được sự chuyển biến rõ nét trên các mặt quan hệ sở hữu, phương thức quản lý và phân phối thu nhập.
Đồng thời để phát triển đa dạng và bền vững các mô hình HTX trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn, ưu tiên hỗ trợ xây dựng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị với sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc trưng của địa phương.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0
Theo chương trình này, đến năm 2025, tỉnh Bắc Giang sẽ thành lập mới tối thiểu 50 HTX/năm trong các lĩnh vực, thành lập mới ít nhất 02 liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng tổng số liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả 7 liên hiệp HTX.
Sẽ củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các HTX hiện có, phấn đấu mỗi năm tăng số HTX hoạt động hiệu quả lên 5% - 7%, nâng tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đến 2025 đạt trên 50%, giảm số HTX yếu, kém xuống còn dưới 9% và giải quyết dứt điểm tình trạng HTX hoạt động không hiệu quả, ngừng hoạt động.
Mặt khác, hoàn thành phát triển 10 mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và mô hình HTX nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
“Phấn đấu đến 2025, tối thiểu có khoảng 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp. Đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới có ít nhất 01 HTX là những mô hình thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của địa phương, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; 100% số cán bộ chủ chốt HTX tham gia ít nhất một khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng đại học trở lên đạt 15% trở lên”, nội dung chương trình nêu.
Để duy trì hiệu quả hoạt động của các HTX, UBND tỉnh Bắc Giang đã giao cho Sở NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho thành viên HTX nông nghiệp, hỗ trợ cho các HTX mua máy móc, thiết bị từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Mặt khác, thực hiện hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo đề án của tỉnh về “Hỗ trợ phát triển mô hình Hợp tác xã ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và mô hình Hợp tác xã nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025”.
Theo ông Lê Bá Thành – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, địa phương xác định phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn là trọng tâm, với phương châm tích cực, hiệu quả, chủ động và phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, chú trọng chất lượng hợp tác xã, tham gia tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Thời gian tới, ngoài việc thực hiện đề án, thời gian tới tỉnh Bắc Giang triển khai nhiều giải pháp củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn.
Bắc Giang sẽ hỗ trợ tài chính từ các nguồn lồng ghép cho phát triển hợp tác xã nông nghiệp, ưu tiên hợp tác xã mô hình điểm, các hợp tác xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.
Ban hành một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã nông nghiệp, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn, như: thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất, tập trung đất đai, xây dựng nhãn hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đồng thời hỗ trợ trong việc tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước dành riêng cho khu vực hợp tác xã, đào tạo nguồn nhân lực, để lĩnh vực kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả tốt nhất, góp phần thiết thực vào xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xã hội.
Theo chương trình, trong thời gian tới, mỗi năm có ít nhất 20 HTX được hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, 35 HTX được hỗ trợ tập trung đất đai; 3 HTX được hỗ trợ lãi suất, 35% số HTX thành lập mới được hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, website điện tử.
Mặt khác, tăng cường hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, ứng dụng, chuyển giao các giải pháp công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất, bảo quản và chế biển sản phẩm nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP.