| Hotline: 0983.970.780

Chuyện buồn ngày lễ ông Công ông Táo

Thứ Năm 23/01/2014 , 10:09 (GMT+7)

Càng gần đến ngày ông Công, ông Táo thì các mặt hàng phục vụ cho ngày lễ lại theo đó tăng giá… Điều đáng nói hơn đó là có rất nhiều chuyện gây phản cảm sau lễ cúng này.

Hàng năm, ngày 23 tháng Chạp được xem là ngày Tết ông Công, ông Táo. Theo quan điểm của người Việt thì ông Táo vừa là Thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu mà con người đã làm trong năm cũ và cũng là người báo cáo với Ngọc Hoàng những việc này.

Vậy nên mọi gia đình người Việt Nam đều làm mâm cơm cùng những lễ vật tiễn đưa ông Công, ông Táo về Trời. Tuy nhiên, càng gần đến ngày này thì các mặt hàng phục vụ cho ngày lễ lại theo đó tăng giá… Điều đáng nói hơn đó là có rất nhiều chuyện gây phản cảm sau lễ cúng này.

Giá cả leo thang

Theo khảo sát của chúng tôi, tại các chợ Tân An, Tân Hoà… ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), khu vực trung tâm ngã sáu…, vài ngày trước đó, không khí mua sắm của người dân nơi đây trở nên sôi động hẳn lên, giá cả các mặt hàng từ cá chép đến hàng mã... giá cả được thể leo thang. Tết ông Công, ông Táo năm nay nhiều người dân Buôn Ma Thuột sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua hàng mã. Với quan niệm “trần sao - âm vậy”, hàng mã đốt trong ngày ông Công ông Táo cũng khá phong phú từ xe hơi, máy bay, đến cả ti vi, tủ lạnh… giá từ 50.000 - 300.000 đ/chiếc.

Các loại biệt thự dành cho người âm cũng được thiết kế đa dạng về mẫu mã, giá dao động từ 150.000 đến 400.000 đ. So với ngày thường giá tăng từ 10-30%, còn so với mọi năm tăng 35-55%. Một bộ lễ cúng ông Công, ông Táo gồm: Mũ, quần áo, giày, có giá dao động từ 55.000 - 150.000 đ (tùy loại xịn hay bình thường).

Cùng với đó, đồ cúng chúng sinh: Lạc, khoai lang, trầu, cau, dầu rễ... cũng được bày bán kèm với lễ ông Công, ông Táo: Quần áo chúng sinh có mức giá từ 30.000 - 60.000 đ. Chị Lan (một tiểu thương bán hàng mã tại chợ Buôn Ma Thuột) cho biết: “Do cuộc sống phát triển luôn bận rộn nên cách nghĩ của người dân cũng thay đổi. Mua sắm các tiện nghi hiện đại cũng chỉ với mong muốn các vị tổ tiên nhà mình được sung sướng nơi cõi âm. Năm nay hàng bán có chậm hơn so với mọi năm, nhưng các đồ đắt tiền như điện thoại iphone, máy bay…bán chạy hơn”.

Ngay cả cá chép cũng được cải tiến giúp cho Táo Quân “diện” hơn khi lên gặp Ngọc Hoàng. Ngoài cá chép thường, người dân còn đua nhau mua các loại cá cảnh, chép Nhật… đẹp, sang trọng hơn cho ông Táo nhà mình.


Mặt hàng cá chép phục vụ Tết ông Công, ông Táo tăng giá nhưng vẫn đông người mua (dạng nhỏ)

Cá chép thường loại nhỏ được nhiều người tìm mua nhất, giá khoảng 10.000-15.000 đ/cặp, loại lớn thì được bán theo kg, với giá từ 40.000-50.000 đ/kg. Còn cá chép Nhật giá không dưới 40.000 đ/cặp tùy kích cỡ. Không chỉ cá chép thật, nhiều người còn mua cá chép giả với nhiều nguyên liệu khác nhau. Anh Hoà, một người bán cá cảnh gần trung tâm ngã sáu cho hay: Người mua cá vẫn thích “dùng hàng Việt” giá rẻ. Cá chép thường bán đến khoảng trưa là hết hàng, còn lại chép Nhật và cá cảnh khác bán rải rác đến chiều.

Nhiều phản cảm

Theo phong tục, người dân cúng lễ song thì cá phải được phóng sinh ra sông, nơi có dòng chảy lưu thông, để ông Táo lên đường mát mẻ, vàng mã được đốt, đồ cúng chúng sinh phải rải ra các ngã ba đường. Thế nhưng với cuộc sống và điều kiện của người dân đô thị hiện nay thì các thủ tục ấy đang được biến cải theo nhiều cách khác nhau…khá nực cười.

Chị Thơm, một người dân trên đường Nguyễn Văn Cừ nói: “Năm nay nhà tôi cho ông Táo cưỡi cá chép ta, nhưng mua 3 con thì có 2 con cá trôi lẫn vào, cúng xong đi tìm chỗ phóng sinh hơi xa nên thấy chỗ nào có kênh rạch, miễn có nước là thả xuống”.

Còn những con cá cảnh thì sao? Anh Tiến, người đi mua cá tại khu vực trung tâm ngã sáu cười nói: “Cá chép thì năm nào cũng mua, năm nay đổi cá khác cho ông Táo lộng lẫy khi đi đường. Cá cúng xong để nuôi làm cảnh vì nhà có sẵn cái bể rồi”. Nhiều người mua cá to, khi hạ lễ cá cũng lờ đờ, đành “thịt luôn”. Chưa kể nếu đi sâu về phía hồ Ea Kao, hồ Ông Dám… thì ngay từ sáng sớm, nhiều người đã chờ sẵn dọc ven hồ với những cái vợt, lưới để bắt lại cá đi bán tiếp hoặc mang về nấu ăn. Một câu hỏi đặt ra, không biết ông Táo rồi sẽ đi đến đâu?

Ngoài ra, vàng mã được đốt khắp mọi nơi, mọi chỗ trên hè phố, từ trong ngõ hẻm ra đến đường lớn, khói bay ra gây cản trở giao thông, bụi tro tung hoành, mặc kệ cho người đi đường kêu la. Nhiều cầu cống, kênh rạch, cá với tro vàng mã cùng nhau được phóng sinh xuống nước có khi gây tắc dòng chảy. Túi nilon sau khi được người dân đem cá và tro phóng sinh thì cũng vứt tràn lan khắp nơi...

Thiết nghĩ, để ngày Tết ông Công, ông Táo được diễn ra theo đúng với những nét văn hoá truyền thống của dân tộc, mọi người dân cũng cần thay đổi cách làm gây phản cảm này và cần thực hành tiết kiệm hạn chế đốt vàng mã gây lãng phí.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất