| Hotline: 0983.970.780

Liên kết lớn để sản xuất bền vững

Chuyện cây khóm đôi bờ sông Cái Lớn

Thứ Năm 24/06/2021 , 10:36 (GMT+7)

Cây khóm (dứa) đã bén rễ đôi bờ sông Cái Lớn cả trăm năm, nhưng hiện đang rất cần sự liên kết đủ lớn để phát triển bền vững, giá trị cao hơn.

Trụ vững bên bờ sông cái

Sông Cái Lớn bắt nguồn từ rạch Cái Lớn (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), dòng chảy rộng dần vào địa phận tỉnh Kiên Giang và đổ ra vịnh Rạch Giá tại cửa Tắc Cậu. Với chiều dài khoảng 60km, sông Cái Lớn uốn lượn qua nhiều huyện, thành phố tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang. Sông Cái Lớn cũng là ranh giới địa lý giữa hai tỉnh này.

Cây khóm đã bén rễ đôi bờ sông Cái Lớn cả trăm năm nay, mang lại nguồn thu nhập cho hàng ngàn hộ nông dân. Ảnh: Trung Chánh.

Cây khóm đã bén rễ đôi bờ sông Cái Lớn cả trăm năm nay, mang lại nguồn thu nhập cho hàng ngàn hộ nông dân. Ảnh: Trung Chánh.

Sông Cái Lớn chịu tác động của biển Tây, có cửa đổ ra biển, tùy theo mùa mà nước sông ngọt, lợ, mặn luân phiên. Vì vậy, dải đất hai bên bờ sông cũng mang đặc trưng phèn, mặn, thích hợp cho cây khóm phát triển. Cách đây cả trăm năm, cư dân sống dọc theo sông Cái Lớn đã chọn cây khóm để sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Cây khóm mà người dân hai bên bờ sông Cái Lớn chọn trồng hiện nay là giống Queen, có ngoại hình thanh nhã, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, hố mắt hơi sâu, khi chín thịt màu vàng sậm, ăn giòn và ngọt. Tại Hậu Giang, diện tích khóm được nông dân trồng nhiều chủ yếu là vùng đất ven sông Cái Lớn, thuộc TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ.

Theo Sở NN-PTNT Hậu Giang, diện tích trồng khóm của tỉnh hơn 2.200ha, tập trung nhiều nhất ở huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh. Bình quân mỗi năm cho sản lượng trên 40.000 tấn, phục vụ tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu.

Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả cho cây khóm hai bờ sông Cái Lớn. Ảnh: Trung Chánh.

Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả cho cây khóm hai bờ sông Cái Lớn. Ảnh: Trung Chánh.

Tại Kiên Giang, cây khóm Queen cũng từng có thời gian phát triển rất mạnh, với những nông trường chuyên trồng khóm ở các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên. Cùng với đó là nhà máy thu mua, chế biến khóm xuất khẩu. Nhưng thăng trầm của thị trường đã khiến những nông trường khóm teo tóp dần và tan rã. Nhà máy chế biến khóm cũng đóng cửa, phá sản. Nhưng cây khóm bên bờ sông Cái Lớn vẫn trụ vững, phát triển ngày càng mạnh.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, hiện toàn tỉnh đang duy trì diện tích trồng khóm trên 8.500ha, tập trung chủ yếu ở các địa phương dọc theo hai bờ sông Cái Lớn. Cụ thể, huyện Gò Quao đang dẫn đầu về diện tích trồng khóm với 4.360ha, tiếp đến là huyện Châu Thành 1.850ha, Vĩnh Thuận 1.300ha và U Minh Thượng 1.000ha.

Một cây hai thương hiệu

Cây khóm đã xuất hiện tại vùng đất Hậu Giang vào khoảng những năm ba mươi của thế kỷ trước. Người dân vùng đất Hỏa Tiến - Vị Thanh thấy cây khóm thích nghi tốt với vùng đất phèn, mặn nên tự nhân giống ra trồng dọc theo hai bên bờ sông Cái Lớn.

Khóm là cây trồng chủ lực của tỉnh Hậu Giang và đã được xây dựng thành thương hiệu 'Khóm Cầu Đúc Hậu Giang'. Ảnh: Trung Chánh.

Khóm là cây trồng chủ lực của tỉnh Hậu Giang và đã được xây dựng thành thương hiệu "Khóm Cầu Đúc Hậu Giang". Ảnh: Trung Chánh.

Ông Dương Văn Thanh ở ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh) là nông trồng khóm nhiều nhất tỉnh Hậu Giang, với trang trại lên đến cả nghìn công (100ha). Từ kinh nghiệm quá nửa đời người gắn bó với công việc sản xuất, kinh doanh trái khóm, ông Thanh đúc kết: Khóm là cây trồng chinh phục đất nghèo, mà các loại cây lương thực, thực phẩm khác sản xuất không hiệu quả. Trồng trên đất nhiễm phèn, nhiễm mặn cây khóm lại phát triển xanh tốt và cho ra những trái có vị ngọt đậm đà.

Từ chỗ sản xuất tự cung tự cấp, khi sản lượng nhiều lên, người dân đã tìm cách thương mại hóa trái khóm. Vào vụ thu hoạch, nông dân hái khóm chất lên xuồng, chở ra cạnh cây cầu đúc (cầu bê tông) nằm trên tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh để trao đổi, mua bán. Thương lái đi ghe từ khắp nơi tập trung về khu vực cây cầu này để mua bán, lâu dần hình thành nên tên gọi “khóm Cầu Đúc”.

Còn tại Kiên Giang, thương hiệu trái khóm lại gắn liền với địa danh Tắc Cậu. Hai con sông Cái Lớn và Cái Bé đổ về biển Tây, tạo thành một vùng cù lao phía hạ lưu. Cù lao này bị con rạch Lòng Tắc chia đôi, một nửa thuộc xã Bình An (huyện Kiên Lương, Kiên Giang), nửa còn lại thuộc xã Vĩnh Hoà Phú (Châu Thành, Kiên Giang). Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng rẫy (làm vườn) nên cù lao còn được gọi là xóm rẫy.

Gò Quao là huyện ven sông Cái Lớn có diện tích trồng khóm lớn nhất tỉnh Kiên Giang hiện nay. Ảnh: Trung Chánh.

Gò Quao là huyện ven sông Cái Lớn có diện tích trồng khóm lớn nhất tỉnh Kiên Giang hiện nay. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Lê Quốc Việt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, quá trình phát triển cây khóm, nông dân nơi đây đã sáng tạo khi xen canh thêm hai loại cây trồng khác là cau và dừa. Từ đó, tạo nên một mô hình canh tác độc đáo với ba tầng sinh thái khóm - cau - dừa. 

Không chỉ giúp tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích, với thân thằng đứng, tán trên cao của cau và dừa giống như những cây dù che bóng mát cho khóm dưới thấp. Nhờ đó, cây khóm phát triển tốt ngay cả khi gặp thời tiết bất lợi, nhất là trong mùa nắng, hạn gay gắt.

“Với thổ nhưỡng gần với cửa đổ ra biển nên độ mặn thường cao hơn gấp 3 đến 4 lần so với khu vực phía nên trái khóm trồng ở vùng Tắc Cậu khi chín có vị ngọt đậm đà hơn hẳn. Người tiêu dùng rất ưa chuộng khi dùng để ăn tươi, giá thường cao hơn 1.000 - 2.000 đồng/trái. Vì vậy, khóm Tắc Cậu ít được các nhà máy thu mua làm nguyên liệu chế biến, do giá thành cao”, ông Việt cho biết.

Chuyển mình sang chuỗi liên kết

Cây khóm thời gian qua đã được cả Hậu Giang và Kiên Giang chọn là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh nhà. Nói về định hướng phát triển, bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết: Hậu Giang đang tập trung đổi mới về tư duy, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị. Lấy hợp tác xã và doanh nghiệp làm trung tâm của sự phát triển, tập trung phát triển kinh tế hợp tác.

Cây khóm đang rất cần sự hợp tác để phát triển liên vùng giữa 2 tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Cây khóm đang rất cần sự hợp tác để phát triển liên vùng giữa 2 tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Thời gian qua, một số loại nông sản như: Khóm cầu Đúc, chanh không hạt, xoài, mãng cầu xiêm đã bắt đầu hình thành chuỗi liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã. Ông Lâm Trường Thọ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng (TP Vị Thanh, Hậu Giang) cho biết, đơn vị là nơi tập hợp các thành viên chuyên trồng và chế biến các sản phẩm từ khóm. Nhờ có mối liên kiết với các công ty thu mua nông sản, sản xuất vật tư nông nghiệp nên hợp tác là đầu mối ký kết hợp đồng cung ứng phân bón và thu mua khóm trái từ các thành viên với mức giá hợp lý.

Năm 2020, HTX Thạnh Thắng đã được hỗ trợ xây dựng nhà xưởng chế biến các sản phẩm từ khóm, như: Rượu khóm, mứt khóm, siro, nước màu, dưa chua cũ hũ khóm… Đồng thời, chọn đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh, tạo thương hiệu, gia tăng thu nhập. Ngoài ra, một số hộ còn tham gia mô hình du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc (Homestay), mở hướng phát triển mới cho nông nghiệp.  

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 5 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, với tổng công suất khoảng 1.900 tấn sản phẩm/tháng. Trong đó, các đơn vị như Tiến Thịnh, Minh Dũng, Ba Sương, Quang Hưng… đều thu mua và chế biến khóm.

Trái khóm hiện nay là nguồn nguyên liệu để chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị, được công nhận là sản phẩm OCOP, giúp tăng thêm thu nhập. Ảnh: Trung Chánh.

Trái khóm hiện nay là nguồn nguyên liệu để chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị, được công nhận là sản phẩm OCOP, giúp tăng thêm thu nhập. Ảnh: Trung Chánh.

Còn tại Kiên Giang, mô hình khóm - cau - dừa cũng đang được ngành nông nghiệp phát triển, nhân rộng, không chỉ chú trọng đến kinh tế nông nghiệp mà còn kết hợp làm du lịch sinh thái từ mô hình này. Hiện đã có doanh nghiệp về tìm hiểu, đầu tư phát triển mô hình.

Liên kết phát triển chuỗi giá trị sản xuất từ cây khóm đang được các địa phương quan tâm, tập trung đầu tư, xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Đó là tín hiệu tốt, cho thấy sự chuyển mình tích cực khi làm kinh tế nông nghiệp.

Tuy nhiên, bấy nhiêu là chưa đủ, nền kinh tế nông nghiệp cần có sự liên kết không chỉ các địa phương trong nội tỉnh, mà là tỉnh với tỉnh, rộng hơn là liên kết vùng, liên vùng. Do đó, việc tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang liên kết với nhau để cùng xây dựng một thương hiệu chung cho chuỗi giá trị từ cây khóm, đưa loại đặc sản địa phương vươn xa là câu chuyện có thể tính đến.

Chỉ dẫn địa lý khóm Cầu Đúc

Hiện nay, cây khóm Hậu Giang đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Khóm Cầu Đúc”. Diện tích vùng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý bao gồm: phường VII, xã Hỏa Tiến, xã Tân Tiến, xã Hỏa Lựu, xã Vị Tân thuộc TP Vị Thanh và xã Vĩnh Viễn A thuộc huyện Long Mỹ.

Bên cạnh đó, dự án đã hỗ trợ đăng ký, hướng dẫn sử dụng mã số, mã vạch sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cho 3 tổ chức: HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, HTX ông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Thạnh Tiến, HTX Vĩnh Phát.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.