| Hotline: 0983.970.780

Miệt vườn thành điểm đến hấp dẫn

Thứ Ba 01/09/2020 , 07:35 (GMT+7)

Hậu Giang là mảnh đất của ruộng vườn, cây trái, tạo nên không gian xanh, thuận lợi hình thành sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch homestay miệt vườn.

Khóm Cầu Đúc đã được tỉnh Hậu Giang quy hoạch thành vùng du lịch cộng đồng, ngày càng thu hút du khách. Ảnh: Minh Sáng.

Khóm Cầu Đúc đã được tỉnh Hậu Giang quy hoạch thành vùng du lịch cộng đồng, ngày càng thu hút du khách. Ảnh: Minh Sáng.

Du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc

Hậu Giang là tỉnh “trẻ nhất” khu vực ĐBSCL, “giấy khai sinh” chia tách từ tỉnh Cần Thơ mới vừa ráo mực. Là tỉnh thuần nông, Hậu Giang đã chọn 10 loại cây, con có lợi thế, đầu tư phát triển thành nông sản chủ lực, trong đó có cây khóm Cầu Đúc.

Khóm Cầu Đúc (là giống khóm Queen), được trồng tập trung chủ yếu tại TP Vị Thanh. Sở dĩ có tên “khóm Cầu Đúc” là do trước đây ở địa phương có cây cầu đúc bằng xi măng (có từ thời thực dân Pháp) được bắc qua sông Cái Lớn, tới mùa thu hoạch bà con thường chở trái khóm ra chân cầu để bán. Thương lái đi ghe từ khắp nơi tập trung về khu vực cây cầu này để mua bán, lâu dần hình thành tên “khóm Cầu Đúc”.

Tuyến đường giao thông nông thôn mới dẫn vào vùng du lịch khóm Cầu Đúc rợp bóng cây xanh, thu hút du khách. Ảnh: Minh Sáng.

Tuyến đường giao thông nông thôn mới dẫn vào vùng du lịch khóm Cầu Đúc rợp bóng cây xanh, thu hút du khách. Ảnh: Minh Sáng.

Theo lời kể của những lão nông đã gắn bó cả đời với loại cây “lắm gai nhiều mắt” này, thì cây khóm đã xuất hiện tại vùng đất Hậu Giang vào khoảng những năm ba mươi của thế kỷ trước. Người dân vùng đất Hỏa Tiến - Vị Thanh, thấy cây khóm thích nghi tốt với vùng đất phèn nên tự nhân giống ra trồng dài theo hai bên bờ sông Cái Lớn. Từ đó, cây khóm bén rễ và trụ vững cho đến ngày nay.

Hai bên đường là những vườn khóm bạt ngàn, được canh tác, chăm sóc bằng máy bay không người lái. Ảnh: Minh Sáng.

Hai bên đường là những vườn khóm bạt ngàn, được canh tác, chăm sóc bằng máy bay không người lái. Ảnh: Minh Sáng.

Không ít gia đình trồng khóm đã thành nghề cha truyền, con nối. Vợ chồng anh Huỳnh Tường Dương và chị Trang Kiều Diễm (ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến) là một điển hình trong số đó. Cách đây gần 20 năm, anh chị nên duyên, quyết định góp gạo thổi cơm chung và xây dựng tổ ấm trên mảnh đất 20 công trồng khóm.

Những trái khóm chín vươn lên cao lúc nào cũng mời gọi du khách tới tham quan, thưởng thức. Ảnh: Minh Sáng.

Những trái khóm chín vươn lên cao lúc nào cũng mời gọi du khách tới tham quan, thưởng thức. Ảnh: Minh Sáng.

Chị Diễm tâm sự: “Trong quá trình canh tác cây khóm, thấy mương vườn được quy hoạch đẹp, có thể bơi xuồng dạo quanh, ngắm cảnh làm vườn, thả lưới, câu cá giải trí. Vậy là từ năm 2015, vợ chồng tôi bắt đầu chuyển hướng qua làm du lịch miệt vườn, xây dựng thành Homestay Huỳnh Tường Dương”. Điểm đến ngày càng hấp dẫn, du khách đến tham quan ngày càng nhiều.

Cùng với nhà vườn trồng, chăm sóc những vườn khóm là hoạt động trải nghiệm khá thú vị. Ảnh: Minh Sáng.

Cùng với nhà vườn trồng, chăm sóc những vườn khóm là hoạt động trải nghiệm khá thú vị. Ảnh: Minh Sáng.

Từ khu vực cầu Cái Tư (giáp ranh giữa tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang) du khách đi theo tuyến đường nhựa nông thôn mới khoảng hơn 5 km là tới “Vùng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc”.

Nông thôn thanh bình, với những hàng cây hai bên đường luôn rợp bóng, phóng tầm mắt ra xa là những vườn khóm nối nhau, vươn lên những trái chín vàng cao như mời gọi.

Hiện nay, du khách đến du lịch miệt vườn khóm Cầu Đúc thích nhất là trải nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch trái. Thoải mái bơi xuồng dạo quanh theo những đường mương uốn lượn bên cạnh liếp khóm, giăng lưới, thả câu bắt cá đồng về cùng với chủ vườn chế biến các món ăn dân dã. Từ trái khóm, có thể ăn tươi hoặc nấu canh chua cá. Còn củ hũ khóm thì xào tôm, hầm thịt, làm dưa chua…

“Với tài nấu nướng của những “đầu bếp” nhà vườn, món ăn dân dã đồng quê được dọn ra ăn ngay trong sân vườn, nhâm nhi vài ly rượu, nghe hát đờn ca tài tử Nam bộ.

Chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ làm “thượng đế” ngất ngây, đi một lần là nhớ mãi. Hiện nay, gia đình tôi xử lý cứ mỗi tháng là có đợt khóm chín để phục vụ khách được liên tục. Nhờ kết hợp làm du lịch mà thu nhập của nhà vườn cũng tăng lên và có thường xuyên chứ không chỉ theo mùa khóm như trước”, chị Diễm vui vẻ chia sẻ.

Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch, ông Trần Thanh Tùng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Vị Thanh cho biết: “Để phát triển du lịch có trọng tâm, thì thành phố sẽ tập trung vào 4 khu vực chính, đó là: Kênh xáng Xà No với các hoạt động dưới nước, trên bờ, phường V, phường I và vùng chuyên canh khóm Cầu Đúc. Trong đó, vùng khóm Cầu Đúc sẽ là nơi phát triển du lịch nông nghiệp nghỉ dưỡng ven sông và du thuyền trên sông”.

Trái khóm Cầu Đúc với màu vàng tươi, tượng trưng cho sự sung túc, sẽ là biểu tượng du lịch của TP Vị Thanh. Biểu tượng này sẽ xuất hiện dưới dạng điểm check-in, logo dán trên các phương tiện vận chuyển, đèn trang trí và quà tặng.

“Đại sứ” nông sản

Dựa vào lợi thế nông nghiệp để hình thành sản phẩm du lịch riêng biệt, du sinh thái nông nghiệp, du lịch miệt vườn. Và chính hoạt động du lịch sẽ tác động để nông nghiệp phát triển bền vững hơn, tiêu thụ nông sản được thuận lợi hơn, giá bán cũng tốt hơn. Sự kết hợp này sẽ mang lại nguồn thu nhập tốt hơn cho những nông dân nhà vườn làm du lịch.

Những vườn khóm mới trồng được nhà nông chăm chút để trở thành điểm du lịch cộng đồng. Ảnh: Minh Sáng.

Những vườn khóm mới trồng được nhà nông chăm chút để trở thành điểm du lịch cộng đồng. Ảnh: Minh Sáng.

Để mở đường cho loại hình du lịch đầy tiềm năng này phát triển, cuối năm ngoái, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp”, nhằm chia sẻ cơ hội cũng như tìm đối tác để tỉnh phát triển ngành du lịch, nhất là du lịch nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, cho biết, tỉnh rất coi trọng, quan tâm phát triển du lịch. Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết và UBND tỉnh đã có kế hoạch triển khai đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế quan trọng”.

Du lịch nông nghiệp, du khách sẽ được ngắm cảnh nông thôn, trải nghiệm văn hóa và cuộc sống con người địa phương. Thi vị của du lịch nông nghiệp nằm ở chính cái “Hương đồng gió nội”, sự yên bình, môi trường trong lành, ẩm thực đa dạng phong phú.

Nếu được khai thác tốt, sảm phẩm khóm Cầu Đúc sẽ là biểu tượng, là 'Đại sứ' thúc đẩy phát triển du lịch của thành phố trẻ Vị Thanh. Ảnh: Minh Sáng.

Nếu được khai thác tốt, sảm phẩm khóm Cầu Đúc sẽ là biểu tượng, là "Đại sứ" thúc đẩy phát triển du lịch của thành phố trẻ Vị Thanh. Ảnh: Minh Sáng.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hậu Giang, bà Nguyễn Thị Lý khẳng định, tỉnh đã xác định loại hình du lịch nông nghiệp là bước đi có định hướng và bền vững. Xem đây là hướng đi mới trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển các làng nghề và sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm). Trong đề án cơ cấu lại ngành du lịch, Hậu Giang kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, tiêu biểu về du lịch sinh thái sông nước, sinh thái nông nghiệp của vùng ĐBSCL.

Sản phẩm từ củ hũ khóm được các đầu bép nhà vườn chế biến thành món dưa chua, trái khóm ủ thành mật, rượu lên men từ trái cây. Ảnh: Minh Sáng.

Sản phẩm từ củ hũ khóm được các đầu bép nhà vườn chế biến thành món dưa chua, trái khóm ủ thành mật, rượu lên men từ trái cây. Ảnh: Minh Sáng.

Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng Tròn Việt, đơn vị tư vấn phát triển du lịch TP Vị Thanh, nếu kênh xáng Xà No là tài nguyên lớn nhất thì trái khóm Cầu Đúc là sản vật khác biệt của Vị Thanh.

Vì vậy, cần chọn trái khóm để phát triển thành sản phẩm “Đại sứ” nhằm quảng bá cho điểm đến và hàng năm nên có hội thi trái ngon, trong đó chủ lực là trái khóm, để chọn ra “hoa hậu khóm”. Đây là hình thức quảng bá nhẹ nhàng nhưng rất được khách du lịch hưởng ứng.

Để phát triển du lịch bền vững, thành phố sẽ triển khai các hoạt động đào tạo, xúc tiến, xây dựng sản phẩm. Đồng thời, sẽ dành ngân sách để đầu tư hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Nếu chiến lược phát triển du lịch được triển khai tốt, dự báo tốc độ tăng trưởng du lịch của thành phố Vị Thanh sẽ đạt trên 30%/năm. Đến năm 2025, thu hút được trên 800 ngàn lượt khách, với doanh thu hơn 200 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 10% dân số của thành phố. Tầm nhìn đến năm 2030, Vị Thanh sẽ là một trong những trung tâm du lịch của ĐBSCL.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...