| Hotline: 0983.970.780

Chuyển dịch mùa vụ sản xuất lúa phải đem lại giá trị cao hơn

Thứ Sáu 11/11/2022 , 16:24 (GMT+7)

Chuyển dịch mùa vụ sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết, nhưng cần được tính toán kỹ để đạt giá trị cao hơn về kinh tế, môi trường ...

Chuyển dịch mùa vụ phải giúp cho nông dân có hiệu quả kinh tế tốt hơn. Ảnh: Sơn Trang.

Chuyển dịch mùa vụ phải giúp cho nông dân có hiệu quả kinh tế tốt hơn. Ảnh: Sơn Trang.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa hàng hóa trọng điểm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, với diện tích canh tác lúa là 1,6 triệu ha, diện tích gieo trồng mỗi năm từ 3,8-4 triệu ha, sản lượng khoảng 24 triệu tấn lúa. Mỗi năm nước ta xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo, hầu hết cũng là từ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long.

Do đó, để chuyển dịch mùa vụ sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long được thành công và bền vững, trước hết, các địa phương cần đánh giá lại cơ cấu mùa vụ, năng suất, sản lượng, những điều thuận lợi và khó khăn trong sản xuất lúa bởi tác động từ đất, nước và thời tiết. Những vấn đề này, các địa phương hoàn toàn có thể đánh giá được từ thực tiễn điều hành, tổ chức sản xuất lúa gạo trên địa bàn trong nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, ngoài tính toán của ngành nông nghiệp, các địa phương, các nhà khoa học, cần phải có sự tham gia bàn bạc, trao đổi của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong các chuỗi giá trị lúa gạo.

Việc chuyển dịch mùa vụ phải làm sao thuận với tự nhiên và không làm xáo trộn quá nhiều tập quán canh tác của nông dân. Vì chuyển dịch có thành công hay không thì trước hết phải đạt được mục đích cao nhất là mang lại lợi ích cao hơn cho hoạt động sản xuất lúa gạo, mà trong đó cả nông dân và doanh nghiệp đều có lợi.

Vì vậy, ông Lê Thanh Tùng cho rằng, chuyển dịch mùa vụ có thành công hay không thì phải giúp cho người nông dân có hiệu quả kinh tế cao hơn từ sản xuất lúa gạo, mà trước hết là phải tiêu thụ được lúa gạo với giá tốt trong mùa vụ mới.

Cánh đồng lúa ở Tiền Giang. Ảnh: Sơn Trang.

Cánh đồng lúa ở Tiền Giang. Ảnh: Sơn Trang.

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ), cũng cho rằng, đối với nông dân thì điều quan tâm đầu tiên luôn là hiệu quả kinh tế.

Vì thế, ngoài việc tính toán để chuyển dịch mùa vụ sao cho sản xuất lúa đạt hiệu quả nhất về năng suất, chất lượng, thì cũng phải đảm bảo cho nông dân đạt hiệu quả kinh tế tốt hơn. Trong đó, một yêu cầu rất quan trọng, cần phải tính tới là thị trường và giá bán lúa của nông dân.

Bởi thực tế sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy có vụ lúa tuy năng suất không cao nhưng lại bán được giá cao, nên nông dân vẫn thích hơn là khi trúng mùa mà giá thấp.

Mà muốn giúp nông dân có giá bán lúa tốt, thì phải tính toán việc chuyển dịch mùa vụ, bố trí thời vụ sao cho khi nông dân Đồng bằng sông Cửu Long bước vào thu hoạch thì ở các nước sản xuất lúa trong khu vực, không phải là lúc thu hoạch rộ, không có nhiều lúa chín trên đồng.

Như vậy, tính toán hiệu quả kinh tế cho nông dân khi chuyển dịch mùa vụ sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long là một yêu cầu phải được đặt ra, nhưng hiệu quả kinh tế đó phải mang tính bền vững vì không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cho các thế sau này.

Chính vì vậy, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ cho rằng, ngoài hiệu quả về kinh tế, việc chuyển dịch mùa vụ cũng phải mang lại sự bền vững về môi trường, nhất là môi trường đất.

GS.TS Nguyễn Bảo Vệ khẳng định, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long tiếp thu cái mới rất nhanh. Nếu trong việc chuyển dịch mùa vụ mà họ thấy được lợi ích về kinh tế và sự bền vững về môi trường, chắc chắn bà con sẽ đồng tình thực hiện.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Ninh Thuận xây dựng 2 phương án sản xuất vụ hè thu

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè thu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với khô hạn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.