Hưởng lợi từ chuyển đổi số
Công tác chỉ đạo điều hành cấp xã ở Bình Định từng bước được hiện đại hóa, ví như lãnh đạo xã sử dụng chữ kỹ số, sử dụng văn bản số. Tại các UBND xã ở tỉnh Bình Định hiện nay đều có bộ phận tiếp nhận, trả kết quả cho người dân và triển khai dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, tại 1 số địa phương cũng đã triển khai 1 số mô hình liên quan đến kinh tế số, xã hội số.
Hiện nay, 1 số sản phẩm OCOP trên địa bàn xã đã được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, ví như sàn giao dịch điện tử Vietnam Post của bưu điện, sàn thương mại điện tử của Viettel… để phục vụ việc trao đổi các sản phẩm, quảng bá sản phẩm OCOP cho bà con.
Trong lĩnh vực y tế và giáo dục ở Bình Định cũng đã ứng dụng nhiều mô hình. Nổi bật có các mô hình khám chữa bệnh từ xa tại các Trạm Y tế xã với sự hỗ trợ của Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, tuyến Trung ương, tạo điều kiện cho người dân nông thôn được tiếp cận với ngành y tế hiện đại.
Các địa phương đã được trang bị phần mềm phục vụ công cuộc chuyển đổi số ở cơ sở. Trong lĩnh vực giáo dục, ở Bình Định đã sử dụng các phần mềm học tập trực tuyến để phục vụ cho các trường học khi có tình huống phải giãn cách xảy ra. Ví như trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết học sinh đều học trực tuyến. Nhiều phần mềm, nền tảng số đã được cung cấp nhằm hỗ trợ cho thầy cô giáo trong việc giảng dạy theo hình thức trực tuyến.
Trong lĩnh vực truyền thông thì Bình Định có mô hình đài truyền thanh thông minh ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Mô hình đài truyền thanh thông minh đã triển khai tại các cơ sở phục vụ rất đắc lực. Nếu trước đây cán bộ đài truyền thanh đến giờ phải trực tại đài để phát sóng chương trình thì giờ có thể phát sóng chương trình thông qua sóng 4G qua điện thoại di động hoặc máy tính, nên cán bộ đài không cần phải có mặt tại đài như trước đây.
Theo ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Bình Định, chuyển đổi số đã hỗ trợ đắc lực cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp
Đến nay, hầu hết nông dân Bình Định đã áp dụng thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến trong 1 số lĩnh vực, công đoạn trong sản xuất nông nghiệp. Ví như dùng máy bay không người lái (drone) để gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật, theo dõi diễn biến cây trồng; ứng dụng công nghệ blockchain vào hoạt động quản lý hệ thống chuồng trại chăn nuôi; cho phép truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP qua mã QR và đặc biệt là trong quan trắc thủy văn, cảnh báo thiên tai.
Trong lĩnh vực trồng trọt, hiện ngành nông nghiệp Bình Định đã triển khai thu thập thông tin truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho rau an toàn hợp chuẩn VietGAP nhãn hiệu Lá lành của HTX Nông nghiệp Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) và HTX Nông nghiệp Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn); cho bưởi da xanh và chè Gò Loi (huyện Hoài Ân); tinh dầu dừa và bánh tráng nước dừa của HTX Nông nghiệp Hoài Thanh Tây (thị xã Hoài Nhơn)…
Đặc biệt sau nhiều năm đầu tư, hiện trong lĩnh vực quan trắc thủy văn, cảnh báo thiên tai ở Bình Định đã được trang bị gần 70 trạm quan trắc mưa tự động, 32 trạm quan trắc mực nước tự động trên các lưu vực sông, hồ chứa của tỉnh đã cung cấp dữ liệu liên tục, là cơ sở rất quan trọng để xây dựng các kịch bản ứng phó thiên tai. Hiện nay, Sở NN-PTNT đang phối hợp với Sở TT-TT và VNPT xây dựng phần mềm về phòng chống thiên tai của tỉnh.
Trong trồng trọt, ngành nông nghiệp còn sử dụng phần mềm trong quản lý dữ liệu về bảo vệ thực vật, quản lý dịch bệnh hại. Trong chăn nuôi, phần mềm quản lý dịch bệnh từ trang trại đến bàn ăn sử dụng công nghệ blockchain đã phát huy ngay hiệu quả tích cực. Các ứng dụng theo dõi diễn biến rừng FRMS, công nghệ GIS nhằm cập nhật báo cáo và đồng bộ dữ liệu, phát hiện nhanh các điểm cháy rừng trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ ngành lâm nghiệp quản lý, kiểm soát, tầm soát và giám sát diễn biến rừng trên toàn thời gian.