Công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) trên cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng nay đã chuyển sang giai đoạn chiều sâu, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thông qua tiêu chí xây dựng khu dân cư thông minh.
Đầu năm 2020, thôn Đông Trung được xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình khu dân cư thông minh. Lúc bấy giờ dù thuận lợi về vị trí địa lý, thu nhập bình quân đầu người... song, với người dân nơi đây, chuyển đổi số vẫn là một khái niệm rất mới mẻ.
Theo ông Đặng Thế Đài, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đông Trung, do là “cuộc cách mạng” mới nên để có đủ kiến thức, kỹ năng trong việc vận hành các thiết bị thông minh, ban cán sự thôn phải dành nhiều thời gian để học hỏi. Sau đó, các đoàn thể trong thôn cùng nhau đi tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu và đồng hành trong tiến trình chuyển đổi số, xây dựng khu dân cư thông minh.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn kêu gọi nguồn lực hàng trăm triệu đồng từ các cấp và Nhân dân hỗ trợ để lắp đặt đồng bộ hệ thống camera, wifi... Các đoàn thể thôn còn thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng với thành phần chính là lực lượng đoàn viên thanh niên - những người đi đầu trong chuyển đổi số để đến hỗ trợ từng hộ “bắt nhịp”. Đồng thời, tăng cường chỉnh trang khuôn viên nhà văn hóa thôn, đường làng, ngõ xóm... nhằm tạo điểm nhấn cho khu dân cư.
“Đến nay, toàn thôn Đông Trung đã có trên 90% hộ dân lắp đặt và sử dụng wifi, mã QR; nhà văn hóa thôn đã được kết nối wifi để phục vụ người dân truy cập, tìm hiểu thông tin; 100% người dân dùng điện thoại thông minh tích hợp nhiều ứng dụng của các ngân hàng để chuyển khoản, quét mã QR trong giao dịch thanh toán...”, ông Đài phấn khởi thông tin.
Theo ông, từ khi xây dựng khu dân cư thông minh, mọi hoạt động điều hành của thôn được thực hiện trên nhóm Zalo chung. Đặc biệt, những chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước thường xuyên chuyển tải đến với người dân một cách kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả.
Chuyển đổi số cũng đã giúp cho ban cán sự thôn dễ dàng thực hiện việc quản lý công việc của thôn. Mọi hoạt động từ việc giám sát camera, phát thông tin trên loa thông minh, điều khiển hệ thống điện chiếu sáng... đều được thực hiện trên điện thoại.
“Cuộc cách mạng” của khu dân cư thông minh còn thể hiện thông qua việc khuyến khích người dân không sử dụng tiền mặt. Tại các cửa hàng ở thôn Đông Trung đều có bảng quét mã QR giúp người dân thanh toán khi mua bán hàng hóa.
Bà Nhàn, chủ cửa hàng tạp hóa thôn Đông Trung chia sẻ, người dân được hưởng lợi nhiều từ mô hình khu dân cư thông minh. Vui nhất là có wifi, lướt internet công cộng miễn phí cho nên người dân có thể cập nhật thông tin nhanh chóng. Bản thân gia đình bà khi bán hàng thì sử dụng mã QR trong các giao dịch, thanh toán rất tiện lợi, việc kiểm kê thu chi cũng dễ dàng hơn.
Bác Lê Đăng Hùng, một người dân khác ở thôn Đông Trung nói: “Nếu như trước đây, điện thoại thông minh, wifi, mã QR... là điều mà người dân chúng tôi không bao giờ dám nghĩ tới thì nay những tiện ích này đã hiển hiện ngay trên chính quê hương. Sự đổi mới này đã giúp chúng tôi có cuộc sống ngày một hiện đại, văn minh. Tôi rất mừng trước sự đổi thay này của quê hương”.
Với cách làm bài bản, linh hoạt, đặc biệt là huy động được sự vào cuộc quyết liệt của bà con nhân dân nên đến nay, thôn Đông Trung cơ bản xây dựng hoàn thiện khu dân cư thông minh, góp phần đưa đời sống của người dân nơi đây ngày một hiện đại. Đây cũng là yếu tố giúp xã Cẩm Bình đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu vào tháng 6/2022.
Ông Nguyễn Thiên Toàn, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình: “Sau hơn 3 năm thực hiện thí điểm xây dựng khu dân cư thông minh, đến thời điểm này mô hình của thôn Đông Trung đã đi vào hoạt động ổn định, giúp thôn ngày càng phát triển, tiếp cận với các công nghệ số hiện đại, thay đổi cuộc sống của người dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao các tiêu chí xây dựng khu dân cư thông minh tại thôn Đông Trung, đồng thời, nhân rộng mô hình tại các thôn khác trên địa bàn toàn xã”