Rút ngắn khoảng cách thành thị với nông thôn
Bình Dương là tỉnh công nghiệp, tốc độ đô thị hóa và dân số cơ học tăng nhanh. Xác định NTM là chương trình nhân văn, rút ngắn khoảng cách thành thị với nông thôn, thời gian qua, tỉnh Bình Dương huy động cả hệ thống chính trị và nguồn lực xã hội để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Từ thực tiễn đã cho thấy, các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực triển khai đồng bộ Chương trình với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết hài hòa với lộ trình phát triển đô thị của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, việc đầu tư phát triển các công trình hạ tầng quan trọng như: giao thông, điện, nước, y tế, giáo dục, văn hóa… đã tạo thuận lợi trong kết nối, thu hẹp khoảng cách giữa các trung tâm đô thị với các vùng nông thôn của tỉnh; nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả đã chứng tỏ được giá trị thực tiễn, góp phần tạo động lực trong công tác xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, Bình Dương có 41/41 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100%; có 29/41 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 70%; 3/6 đơn vị cấp huyện công nhận đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 3 huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng đã trình hồ sơ, tuy nhiên chưa được quy hoạch vùng huyện nên chưa được công nhận.
Toàn tỉnh có 103 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao; trong đó, có 10 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao cho 49 chủ thể. Thu nhập bình đầu người ở nông thôn đến cuối năm 2022 đạt 76 triệu đồng/người/năm.
“Tổng vốn thực hiện Chương trình 3 năm qua là 6.400 tỷ đồng. Đặc biệt, Bình Dương không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Có thể khẳng định, NTM của tỉnh Bình Dương đã làm thay đổi diện mạo nông thôn của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương chia sẻ.
Tiến tới NTM thông minh
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đi được hơn nửa chặng đường. Phát huy kết quả đạt được, Bình Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; trong đó 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (chiếm 24% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao); có 100% huyện đạt chuẩn NTM. Tỉnh Bình Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Đặc biệt, Bình Dương đã và đang thực hiện Kế hoạch về xây dựng nông thôn mới thông minh đến năm 2025. Kế hoạch này tập trung vào việc thay đổi bộ mặt nông thôn trên cả ba tiêu chí về chính quyền, kinh tế, xã hội thông qua các giải pháp về công nghệ thông tin. Trong đó, tỉnh tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Hệ thống này đóng vai trò quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm.
Để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm OCOP, địa phương xây dựng nhiều nền tảng trực tuyến, thực tế ảo để xúc tiến thương mại, khuyến khích nông dân đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán trực tuyến. Tỉnh còn phối hợp với nhiều doanh nghiệp công nghệ để ứng dụng hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử.
Thực tế các giải pháp này đã được Bình Dương áp dụng từ vài năm qua. Đến nay, hơn 2.000 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử. 17.000 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tài khoản để mua - bán trên các sàn này. Đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu có 70% số xã ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, quản lý trang trại, vùng trồng, tiếp cận thị trường.
Kế hoạch xây dựng nông thôn thông minh của Bình Dương cũng đề cập đến phát triển mô hình "làng thông minh" để biến nông thôn thành nơi đáng sống. Mục tiêu đưa chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao, thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Theo ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương, tuy đã đạt được nhiều thành quả, nhưng việc triển khai Chương trình tại tỉnh Bình Dương vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử, Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 được ban hành trong tháng 3/2022, nhưng đến cuối năm 2022 các bộ, ngành Trung ương mới ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí; bộ tiêu chí mới ban hành có nhiều chỉ tiêu chưa sát với điều kiện thực tiễn, các địa phương…
“Để tạo điều kiện giúp tỉnh phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của chương trình, tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí về xã NTM và NTM nâng cao, huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, Bộ NN-PTNT, Bộ Nội vụ rà soát, nghiên cứu ban hành quy định thống nhất trên toàn quốc về hệ thống Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM cấp tỉnh, huyện đảm hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp, tham mưu thực hiện hiệu quả chương trình ở các tỉnh, thành phố”, ông Phạm Văn Bông đề nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương ghi nhận và biểu dương các thành tích đạt được và những nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp; đặc biệt là những nỗ lực, quyết tâm đầy trách nhiệm của chính quyền và nhân dân các xã trên địa bàn tỉnh trong phong trào xây dựng NTM; góp phần quan trọng cho sự thành công của Chương trình NTM trong 3 năm vừa qua.
“Để thực hiện thắng lợi Chương trình NTM nửa cuối giai đoạn 2021-2025, đề nghị các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai hiệu quả các chuyên đề xây dựng NTM đã đặt ra.
Cùng với đó, ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ; quan tâm triển khai thực hiện tốt Chương trình OCOP.
UBND các huyện, thị xã tập trung rà soát, huy động các nguồn lực đầu tư đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí huyện NTM, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, xã NTM thông minh và xã thương mại điện tử…”, ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh.