| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi số ngành thủy sản: [Bài 1] Đột phá quy trình quản lý

Thứ Năm 09/11/2023 , 09:40 (GMT+7)

Ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang áp dụng chuyển đổi số sâu rộng giúp các ngư dân, tàu cá, HTX và doanh nghiệp thuận lợi cập nhật thông tin, số hóa công tác quản lý.

Việc đầu tư nâng cấp tàu thuyền và trang bị các phương tiện đánh bắt hiện đại đã giúp ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) chủ động trong hoạt động khai thác hải sản, mang lại hiệu quả cao.

Một số tàu đánh bắt xa bờ còn sử dụng các thiết bị hỗ trợ khai thác tiên tiến như hệ thống định vị vệ tinh GPS, máy dò cá, thiết bị chụp, bộ đàm, đèn chiếu sáng… Nhiều chủ tàu cũng đang tích cực áp dụng chuyển đổi số trong quy trình đánh bắt nhằm nâng cao hiệu quả.

Ngư dân áp dụng ghi nhật ký điện tử sẽ là cơ sở để truy xuất được nguồn gốc rõ ràng các mặt hàng vừa đánh bắt. Ảnh: Minh Sáng.

Ngư dân áp dụng ghi nhật ký điện tử sẽ là cơ sở để truy xuất được nguồn gốc rõ ràng các mặt hàng vừa đánh bắt. Ảnh: Minh Sáng.

Từ đầu năm nay, ông Nguyễn Đình Ngọc, chủ tàu cá ở phường 2, TP. Vũng Tàu đã triển khai việc ghi nhật ký điện tử cho 4 tàu khai thác ngoài khơi của mình. Qua đó đã giúp ông cập nhật, quản lý việc đánh bắt trên biển thuận tiện, nhanh gọn với độ chính xác cao.

“Công việc ghi nhật ký khai thác thủy hải sản trước đây khi tàu đang ngoài khơi xa, nhất là trong điều kiện sóng to gió lớn rất khó khăn và bất tiện. Thậm chí các thuyền trưởng khi mải đánh bắt sẽ quên ghi chép, đến khi rảnh mới mở sổ ra ghi lại thì không chính xác thời gian, địa điểm thả lưới, thu lưới, hay chữ viết xấu khó 'dịch', mà thậm chí còn ghi thiếu thông tin các loài hải sản đã đánh bắt. Tuy nhiên, đến nay, khi áp dụng triển khai ghi nhật ký điện tử  đã giải quyết được hết các hạn chế đó, thông tin minh bạch, nhanh gọn chính xác hơn”, ông Ngọc tâm sự.

Theo ông Ngọc, từ việc áp dụng ghi nhật ký điện tử sẽ là cơ sở để ông cũng như các ngư dân khác cung cấp các mặt hàng vừa đánh bắt về cho chợ hải sản Vũng Tàu có thể truy xuất được nguồn gốc rõ ràng; đồng thời tiến tới giao dịch qua mạng, các sàn giao dịch điện tử trong tỉnh và cả nước, giúp tăng doanh thu cho tàu cá.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh BR-VT đã áp dụng chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Ảnh: Minh Sáng

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh BR-VT đã áp dụng chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Ảnh: Minh Sáng

Theo Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT, việc hiện đại hóa đội tàu đánh bắt, hoàn thiện hạ tầng các cảng cá, tăng cường các biện pháp phòng, chống đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp không chỉ hướng tới gỡ “thẻ vàng”, mà quan trọng hơn là giúp ngành đánh bắt hải sản thực hiện đúng các quy định mới của Luật Thủy sản. Do đó, tỉnh BR-VT sẽ tăng cường hơn nữa việc áp dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động đánh bắt, khai thác và chế biến thủy, hải sản, hướng tới phát triển nghề cá bền vững.

Các mặt hàng hải sản tươi và chế biến cung ứng cho chợ hải sản Vũng Tàu có thể truy xuất được nguồn gốc rõ ràng nhờ công nghệ chuyển đổi số. Ảnh: Minh Sáng.

Các mặt hàng hải sản tươi và chế biến cung ứng cho chợ hải sản Vũng Tàu có thể truy xuất được nguồn gốc rõ ràng nhờ công nghệ chuyển đổi số. Ảnh: Minh Sáng.

Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood) đã sớm áp dụng chuyển đổi số ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Dù không thể gặp mặt trực tiếp các bộ phận sản xuất, kinh doanh nhưng công ty vẫn có thể cung cấp số liệu, thông tin hình ảnh, chứng nhận, chứng chỉ về ISO, môi trường, quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế… cho tất cả các đối tác trong nước và quốc tế; đồng thời tiến hành giao dịch xuất khẩu qua mạng, ký hợp đồng thương mại điện tử. Nhờ đó, công ty giảm chi phí, luôn đảm bảo doanh thu trong 2 năm qua, tạo công ăn việc làm, lợi nhuận ổn định cho người lao động.

Hiện tại, tỉnh BR-VT đang đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số nên việc trang bị cho người dân, ngư dân những kiến thức, công cụ để sẵn sàng tham gia quá trình chuyển đổi số của tỉnh là rất thiết thực. Ảnh: Minh Sáng.

Hiện tại, tỉnh BR-VT đang đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số nên việc trang bị cho người dân, ngư dân những kiến thức, công cụ để sẵn sàng tham gia quá trình chuyển đổi số của tỉnh là rất thiết thực. Ảnh: Minh Sáng.

Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Baseafood cho biết: “Nếu như trước đây, chúng tôi thường tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại và đàm phán đơn hàng trực tiếp với đối tác, tốn kém chi phí, thì hiện nay phần lớn có thể thực hiện thông qua các giao dịch thương mại điện tử, với chi phí thấp. Trong hoạt động xuẩt khẩu, chúng tôi tăng cường tham gia các sàn giao dịch thương mại, giao dịch điện tử trong nước và thế giới”.

Theo ông Dũng, từ mấy năm qua, Baseafood đã tạo thành nếp báo cáo online trong nội bộ, họp online với các cơ quan chức năng và cả các đối tác nước ngoài. Công ty đã áp dụng chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Đến nay, các dữ liệu của Baseafood đã cơ bản cập nhật, lưu trữ qua điện toán đám mây.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT cho biết: Hiện tỉnh đang chú trọng chuyển đổi các nghề khai thác có tính xâm hại đến nguồn lợi thủy sản; tập trung thực hiện công tác chống khai thác IUU; đồng thời khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến thủy sản đầu tư ứng dụng chuyển đổi số và đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản…

Theo Sở NN-PTNT tỉnh BR-VT, là địa phương có ngư trường rộng lớn nên khai thác, chế biến thủy, hải sản trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh. Do đó, BR-VT đang từng bước hiện đại hóa đội tàu, chú trọng đánh bắt xa bờ, đồng thời tăng cường vai trò quản lý Nhà nước và đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong các khâu quản lý, khai thác, chế biến thủy hải sản...

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển