Tờ South China Morning Post (SCMP) số ra ngày 18/8/2020 cho biết, đây là loại vacxin virus nhược độc được tạo ra bằng công nghệ gien di truyền. Theo đó loại vacxin tả lợn châu Phi này được thử nghiệm về độ an toàn trong phòng thí nghiệm và sau đó đã được thử nghiệm tiếp trên 3.000 con lợn trên thực địa có trọng lượng 20kg/con.
Theo đó, mỗi con lợn được tiêm một lượng vacxin nhiều hơn từ 10 đến 100 lần liều vacxin dự kiến. Thử nghiệm này được tiến hành tại 3 tỉnh Hắc Long Giang, Hà Nam và Tân Cương từ tháng 4 đến tháng 6/2020.
Kết quả cho thấy vacxin tả lợn châu Phi này tỏ ra có độ an toàn cao. Đàn lợn được tiêm phòng không có biểu hiện nào bất thường hoặc phát bệnh. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân Bu Zhigao cho biết, đàn lợn được chủng ngừa vacxin phòng chống AFS sinh trưởng bình thường trong suốt 20 tuần theo dõi.
Về mặt hiệu lực, ông Tang Junhua- Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, khi được tiêm phòng với liều lượng dự kiến, lợn tạo ra được sự miễn dịch đến 80%.
Hiện các nhà khoa học Trung Quốc đang đẩy nhanh quy trình hoàn thiện loại vacxin này cả về mặt khoa học lẫn khâu đăng ký lưu hành. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ca ngợi, đây là bước tiến mới trong quá trình phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, đến thời điểm nay vẫn chưa rõ khi nào thì loại vacxin này sẽ có mặt và lưu hành trên thị trường.
Theo tờ Bloomberg, sau hơn 50 năm nghiên cứu, các nhà khoa học trên thế giới cũng đã từng tạo ra một loại vacxin dùng virus sống nhược độc nhưng độ an toàn kém và hiệu lực thấp. Vacxin này làm cho lợn bị yếu đi và gây ra bệnh thể nhẹ nên đến nay vẫn chưa có loại vacxin AFS nào được đăng ký và lưu hành.
Các số liệu mà các nhà khoa học Trung Quốc vừa đưa ra mới chỉ chứng minh rằng, loại vacxin của Viện Nghiên cứu Thú y Cáp Nhĩ Tân có độ an toàn cao. Do vậy cần có thêm các số liệu về hiệu lực của vacxin trên thực địa. Cũng theo tờ này, bệnh dịch tả lợn châu Phi nổ ra đã làm số lợn ở Trung Quốc giảm tới 38% trong giai đoạn từ năm 2017-2019.