| Hotline: 0983.970.780

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng: Nuôi giun đất phải thử nghiệm nhỏ, đừng làm lớn vội

Thứ Hai 14/08/2023 , 10:05 (GMT+7)

'Theo tôi, muốn nuôi giun đất nhất định phải thử nghiệm trong phạm vi hẹp đã, nếu tốt có thể làm lớn, chứ đừng làm lớn vội', chuyên gia Nguyễn Lân Hùng nêu ý kiến.

Trước vấn nạn kích giun nở rộ ở khắp nơi và gợi mở của tỉnh Hòa Bình về đề tài khoa học nuôi giun đất (bài "Hiểm họa kích điện giun đất: Nuôi giun đất để giải quyết tận gốc nạn kích giun", Báo Nông nghiệp Việt Nam ra ngày 10/8/2023), chuyên gia sinh học Nguyễn Lân Hùng đã bày tỏ ý kiến với Báo Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề này.

Trại nuôi giun quế của chị Nguyễn Thị Liên ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trại nuôi giun quế của chị Nguyễn Thị Liên ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông có thể cho biết đôi điều về con giun đất và lịch sử sử dụng chúng trong y học?

Giun đất hay còn gọi là địa long trên thế giới có rất nhiều, ở châu Âu là lumbricus, ở châu Á là pheretima. Thành phần của chúng được các nhà khoa học thế giới nghiên cứu từ năm 1911, có rất nhiều tác dụng. Còn ở ta, ngay từ thời Hải Thượng Lãn Ông đã coi địa long (giun đất) là một vị thuốc.

Sau này, GS Đỗ Tấn Lợi trong cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” có ghi nhiều tác dụng của giun đất gồm giảm sốt, giãn phế quản, hạ huyết áp, ức chế sự co bóp của ruột non, chống đọng huyết. Ngoài ra còn chữa sốt rét, ho hen, co giãn phế quản, cao huyết áp, chống nghẽn mạch, chống nhức đầu…

Ông Lợi có đưa ra hai bài thuốc: Thứ nhất là chống bán thân bất toại, méo mồm không nói được, méo mắt, bí đại tiểu tiện; thứ hai là chống xuất huyết, hôn mê bất tỉnh, phù thận, phù tim, báng bụng… Có thể ở nước ngoài người ta còn tìm ra những tác dụng khác nữa của con giun đất nên tìm cách thu mua…

Tôi đã viết cuốn sách về nuôi giun quế. Con giun quế có hai lợi thế, thứ nhất là sinh sản nhanh, thứ hai là nguồn đạm cao tới 86%. Ngay từ năm 1983, GS Nguyễn Văn Uyển ở Mỹ về có gửi cho tôi cuốn sách “Giun đất, lợi ích và sinh thái học” của hai nhà khoa học Mỹ, xuất bản năm 1976. Trong đó có nêu nhiều tác dụng của nó, một tác dụng lớn nhất là dùng để làm mồi câu và người Mỹ họ cũng nuôi con giun quế.

Con giun quế có hình dáng rất nhỏ, khác với giun đất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Con giun quế có hình dáng rất nhỏ, khác với giun đất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi không thể tưởng tượng được lúc đó mà nước Mỹ có tới 33,5 triệu người trong các hội câu cá nên nhu cầu dùng giun làm mồi câu rất lớn. Hiện nay, chúng ta mới tập trung nuôi con giun quế với mục đích làm thức ăn chăn nuôi. Còn con giun mà người ta đang kích này là giun khoang, nếu như muốn nuôi cần hiểu mấy điều kiện sau: Nơi ở của nó là gì? Thức ăn của nó là gì? Nó sinh sản như thế nào?

Phải lưu ý là con giun không có phổi mà hô hấp qua da cho nên cần ẩm. Giun không bao giờ bò trên mặt đất vào ban ngày cả mà phải chờ ban đêm khi sương xuống mới lên.

Vì sao nó bò lên mặt đất? Trên một con giun có cả yếu tố đực và cái nhưng hai yếu tố đó ở cách nhau nên hai con giun phải bò lên mặt đất rồi quấn nhau, đực của con này chuyển cho cái của con kia và ngược lại rồi đẻ. Giun chỉ lên vào buổi tối nên chỗ nuôi thứ nhất phải ẩm, thứ hai phải tối. Thức ăn của giun đất chủ yếu là mùn bã hữu cơ đã hoai mục nhưng chống chỉ định với các chất cay, đắng, chua, mặn, vôi, xà phòng… Còn cách sinh sản của giun là đồng tính.

Bởi thế muốn nuôi có thể tạo thành luống rộng cỡ 1m, dài tùy ý nhưng chiều cao khoảng 40cm, trên đó phải có tấm che như chiếu rách hay bao tải nhưng luôn ẩm, tối và tránh mưa. Khi mưa xuống giun bò khắp nơi bởi sợ bùn bám quanh thân, nắng lên bùn khô lại sẽ không hô hấp được.

Chị Nguyễn Thị Liên, chủ trại giun quế ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội đang chế biến giun khô. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Nguyễn Thị Liên, chủ trại giun quế ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội đang chế biến giun khô. Ảnh: Dương Đình Tường.

Con giun làm thuốc là giun đất, còn con giun mình đang nuôi phổ biến là giun quế. Vậy sự khác nhau và giống nhau giữa chúng thế nào thưa ông?

Con giun quế nhỏ nhưng hàm lượng đạm rất cao và sinh sản rất nhanh, mỗi tuần đẻ một lần, mỗi lần đẻ ra một nang có 20 trứng, sau mấy tuần là nở ra cả đàn và sau mấy tháng là trưởng thành. Con giun quế nhiều đạm bởi chủ yếu ăn phân, còn con giun đất chủ yếu ăn thực vật, mùn bã hữu cơ, cơ thể là một ống rỗng ăn vào rồi đi ra nên lượng đạm không có nhiều.

Vậy có thể coi con giun quế là một loại địa long được không thưa ông?

Không thể coi con giun quế là địa long được. Địa long mà Hải Thượng Lãn Ông và GS Đỗ Tất Lợi gọi phải là con giun đất. Hiện nay Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam đang mỗi tháng mua cả tạ giun quế để nghiên cứu, thử nghiệm ép ra lấy một chất kích thích.

Ở Trung Quốc nhu cầu về giun đất rất nhiều, tại sao họ không nuôi quy mô công nghiệp như giun quế mà vẫn bắt trong tự nhiên bằng kích điện và họ cũng đang phải ngăn chặn vấn nạn này, thưa ông?

Theo tôi có lẽ là họ chưa nghĩ đến việc nuôi giun đất bởi việc kiếm giun đất trong tự nhiên dễ quá. Giun đất là người thợ cày nên chỗ nào cũng có. Khi kích giun bằng điện thì chúng lên hết, bắt rất dễ. Nếu chúng ta nuôi giun đất thì có lẽ là một trong những nước đầu tiên. Vì chưa nuôi bao giờ nên tôi không khẳng định là tốc độ sinh sản nhanh hay chậm, hiệu quả kinh tế có được không. Ở Việt Nam theo tôi biết cũng chưa có mô hình nuôi giun đất quy mô nào.

Chị Nguyễn Thị Liên, chủ trại giun quế ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội bên hộp cao giun. Ảnh:  Dương Đình Tường.

Chị Nguyễn Thị Liên, chủ trại giun quế ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội bên hộp cao giun. Ảnh:  Dương Đình Tường.

Vừa rồi tôi có nghe thông tin một số chủ trại nuôi giun quế ở Hòa Bình, ở Ninh Bình, trước tình hình giá giun đất lên cao đã thử nuôi nhưng đều thất bại. Với giá 1kg giun tươi còn đắt hơn 1kg thịt lợn hơi như hiện nay, theo ông khả năng nuôi giun đất thành công có lớn không và nếu có thì thu hoạch kiểu gì?  

Trước yêu cầu của thực tiễn, giá bán cao như vậy nên chúng ta phải nuôi. Và tôi chỉ góp ý nếu ai nuôi giun đất thì lưu ý một số điểm như vậy dựa vào kinh nghiệm nuôi giun quế chứ không phải dạy cho người ta nuôi giun đất đâu.

Các thử nghiệm ban đầu cần thực hiện đầy đủ để làm sao tránh được thất thoát về sau. Còn về thu hoạch thì con giun nào cũng phải lên mặt đất để mà quấn nhau (sinh sản). Ta tạo điều kiện đặt những cái chiếu rách hay bao tải ẩm để cho chúng lên quấn nhau thì thu hoạch rất đơn giản. Và nếu ta nuôi trong những luống thì thu hoạch không khó.

Xin cảm ơn ông!

"Theo tôi, muốn nuôi giun đất nhất định phải thử nghiệm trong phạm vi hẹp đã, làm luống rộng 1m, dài 2m, cao 40cm, cho lá ẩm đã mục nát, trên trải bao tải, chiếu rách thử nghiệm trong vài tháng là có thể biết được kết quả. Từ kết quả đó, nếu tốt có thể làm lớn. Xin đừng làm lớn vội", chuyên gia sinh học Nguyễn Lân Hùng nói.

Xem thêm
Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm