Mua bán giun đất qua kích điện là bất hợp pháp
Trong phần đề cập tới "Tăng cường tiêu chuẩn về xây dựng đất nông nghiệp", văn kiện Đại hội Đảng đầu năm nay cho rằng cần kịch liệt lên án hành vi dùng kích điện thu gom giun đất, đây là hành động hủy hoại đất đai, dinh dưỡng đất”, tờ Beijing News hồi tháng 2 đưa tin.
Giun đất, còn được gọi là “Địa long”, tức Rồng đất tại Trung Quốc. Giun đất sau khi qua chế biến được coi là một thành phần trong vài loại thuốc Đông y. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng, việc dùng kích điện để bắt giun đất là hình thức săn bắt tuyệt diệt, gây hủy hoại nghiêm trọng với môi trường.
Trong văn kiện của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi đầu năm, việc bảo vệ giun đất được coi là “không thể trì hoãn”. Tờ Beijing News cho biết giun đất cũng xuất hiện trong ca dao về 24 tiết khí tại Trung Quốc, thời điểm lập hạ tuần thứ 2 là khi giun đất bò lên mặt đất, còn lập đông tuần thứ nhất là khi giun đất cuộn mình ngủ đông. Rồng đất là một trong những tiêu chí mà nông dân Trung Quốc xác định thời điểm công việc đồng áng.
Giáo sư Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, ông Khổng Tường Bân cho biết, việc giun đất đi từ ca dao đến văn kiện chính thức, truyền đi một tín hiệu quan trọng.
“Trong thổ nhưỡng, từ động vật, đến thực vật, vi sinh vật là một quần thể. Giun đất đóng vai trò quan trọng trong quần thể đó. Số lượng giun đất tăng lên là chỉ số cho thấy an toàn lương thực được bảo đảm. Ngoài ra, việc giun đất xuất hiện trong đồng ruộng cũng là chỉ số về an toàn trồng trọt. Việc đưa vào một văn bản mang tính pháp quy, cho thấy Nhà nước rất quan tâm tới sinh vật có tính đặc hữu trong canh tác”.
Điều tra của tờ Beijing News cho biết nông dân Trung Quốc ngày càng coi trọng yếu tố duy trì dinh dưỡng trong đất để canh tác được mùa này qua mùa khác. “Họ coi giun đất là một trong những cơ sở quyết định sự bền vững, dinh dưỡng của đất đai”. Báo này khẳng định giun đất tuy nhỏ, nhưng là “kỹ sư xây dựng hệ thống sinh thái”.
Tháng 7/2022, Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc phối hợp cùng nhiều cơ quan liên quan tiến hành “chỉnh đốn đồng ruộng, rừng cây, hồ nước, thảo nguyên và khu bảo tồn tự nhiên”, trong đó khẳng định việc mua bán giun đất qua kích điện là bất hợp pháp. Các đơn vị này cũng kêu gọi tăng cường tạo môi trường cho giun đất phát triển.
Ông Lý Hiếu Hiên, Đại biểu Đại hội Nhân dân toàn quốc kỳ XIII từng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc kích điện giun đất. Ông Lý nói có những cửa hàng nhận được 1 triệu đơn làm máy kích điện, mỗi năm số máy này tiêu diệt 7,5 tỷ con giun đất, tương ứng là hơn 3,7 triệu mẫu đất tại Trung Quốc bị mất khả năng làm sạch đất.
“Kích điện giun đất là hủy hoại môi trường sinh thái, không thể coi nhẹ chuyện này. Nó trực tiếp làm giảm sản lượng canh tác mùa màng. Nghiêm cấm kích điện giun đất là góp phần giảm thiểu các yếu tố uy hiếp an toàn lương thực”, đại biểu Lý Hiếu Hiên cho biết.
Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Môi trường (Đại học Lâm nghiệp Bắc Kinh) - ông Dương Triều Hà, tán thành việc Trung Quốc đưa vấn đề bảo vệ giun đất vào văn bản chính thức. Ông Dương nói đây là “lằn ranh đỏ” trong canh tác. “Nếu giun đất bị kích điện bắt hết thì coi như 1,8 tỷ mẫu đất canh tác hiện nay ở Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đất còn đó, nhưng không có giun đất, thì sinh thái bị hủy hoại, sản lượng lương thực chắc chắn tụt giảm sâu”.
Trung Quốc mua giun đất làm gì?
Theo GS Khổng Tường Bân, nhu cầu một số ngành kinh doanh với giun đất là rất lớn. Có thể kể đến việc dùng giun đất làm thành phần thuốc Đông y, mồi câu cá, cám công nghiệp cho cá, gia cầm, gia súc, nguyên liệu phân bón. Trong khi nhu cầu cao, việc nuôi giun thủ công lại tốn kém, dẫn đến nạn kích điện giun đất ở Trung Quốc có chiều hướng gia tăng từng năm.
Theo tờ China Press, trong khi Trung Quốc đang đẩy mạnh thu giữ, xử phạt với người kích điện giun đất thì nạn nhập lậu giun đất từ Việt Nam tăng mạnh. Báo này cho biết các máy kích điện giun đất được tuồn sang Việt Nam. Sau đó, người Việt dùng máy này đi gom giun đất bán cho các xưởng gia công để làm sạch, phơi khô. "Rồng đất" tiếp tục được đưa lên biên giới, qua các ngả buôn lậu để sang Trung Quốc. “Nếu bán sang đến Trung Quốc, mỗi cân giun đất Việt Nam đã phơi khô có giá 600.000 VNĐ đến 700.000 VNĐ”, China Press cho biết. Báo này dẫn lời một số thương lái nói 13 cân giun tươi sẽ được 1 cân giun khô.
Trong khi đó, theo Beijing Daily, hiện có 200 loài giun đất ở Trung Quốc, chủ yếu tại miền nam nước này. Bộ Tài nguyên Trung Quốc hồi 2016 đã có quy định cụ thể về số lượng giun đất trên diện tích canh tác, coi đây là một trong các chỉ số đánh giá chất lượng tài nguyên đất.
Báo này dẫn “Trung Quốc dược điển”, cho biết có 4 loại giun đất được dùng trong các vị thuốc Đông y. Một loại là “địa long” hay “quảng địa long” do có xuất xứ từ Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến. Ba loại khác là “hỗ địa long”, phân bố chủ yếu ở Chiết Giang.
Trong một số tác phẩm điện ảnh Trung Quốc, cũng nhắc đến giun đất như vị thuốc. Có bộ phim còn nói về “giun đất khô vị sầu riêng”. Tờ People của Trung Quốc dẫn lời dược sỹ Trung y Phương Tân Hoa (Bệnh viện Y học cổ truyền TP Hàng Châu) cho biết: “Thực ra, giun đất được dùng trong y học cổ truyền hàng nghìn năm nay. Có điều nhiều người thấy lạ vì nó không phải là thực phẩm ăn trực tiếp, mà được bào chế cùng nhiều vị thuốc khác”.
Dược sỹ Phương cho biết giun đất có thể dùng làm thuốc chữa hen suyễn, khó thở, đầy bụng khó tiêu... Ngoài ra, giun đất khô có hàm lượng protein 50 - 70%, một số loại amino acid thiết yếu cho con người.
Tuy nhiên, dược sỹ Viên Dũng của Bệnh viện Đại học Y Hải Nam cho biết không thể tùy tiện dùng giun đất phơi khô như vị thuốc. Thứ nhất là không đảm bảo vệ sinh, thứ hai là phải được bác sỹ chuyên ngành bắt mạch, khám, dùng liều lượng phù hợp với các vị thuốc khác. Dược sỹ Viên cho biết giun đất có vị mặn, tính hàn vào 3 kinh Tỳ, Vị, Thận, có tác dụng thanh nhiệt trấn kinh, lợi tiểu, giải độc.
Giải pháp hiện tại là cấm dùng máy kích điện bắt giun đất, có chế tài xử phạt thật nặng với người dùng máy này. Thậm chí, cần có biện pháp cấm sản xuất các loại máy kích điện, theo tờ Beijing Daily. Báo này dẫn lời nhiều chuyên gia nông nghiệp kêu gọi phục hồi, phát triển nghề nuôi giun đất có từ những năm 80 của thế kỷ trước.
“Hiện tại, Quảng Đông đã có lệnh cấm với máy kích điện. Hi vọng với việc nâng cao tay nghề, sự vào cuộc của các nhà khoa học, nghề nuôi giun sẽ phát triển trở lại. Kết hợp giữa nông dân, nhà khoa học, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi giun”.
Nhu cầu giun đất ở Trung Quốc
Năm 2010, nhu cầu giun đất ở Trung Quốc là 400 tấn, đến năm 2020 là 675 tấn. Chỉ trong 10 năm, nhu cầu giun đất tăng xấp xỉ 50%. Theo khảo sát của một số tờ báo tại Trung Quốc, giá giun đất tại thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây vài năm trước là 40 - 50 nhân dân tệ/kg, hiện tăng vọt lên 230 nhân dân tệ/kg. Thành phố Ngọc Lâm được coi là “thủ phủ dược liệu” của Trung Quốc.
Vài năm trước, một người với máy kích điện có thể bắt được 500kg giun đất mỗi ngày. Song do lợi nhuận cao, ngày càng nhiều người coi đây là nghề kiếm ăn nên số lượng giun đất tại Quảng Tây sụt giảm nghiêm trọng.