| Hotline: 0983.970.780

Hiểm họa kích điện giun đất

Nuôi giun đất để giải quyết tận gốc nạn kích giun

Thứ Năm 10/08/2023 , 06:15 (GMT+7)

Đó là ý kiến của TS Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hòa Bình. Ông cho biết sẽ có đề tài khoa học về nuôi giun đất.

Thời gian qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều bài viết về vấn nạn sử dụng kích điện để bắt giun đất tại diễn ra tại một số địa phương, nhất là tại tỉnh Hòa Bình. Sau khi Báo phản ánh, nhiều cơ quan thông tấn, báo chí cũng đã vào cuộc lên tiếng, điều tra phản ánh. Vấn đề này đã nhận được sự quan tâm, bày tỏ sự lên án mạnh mẽ của dư luận xã hội. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương cũng đã chỉ đạo công an, dân quân ngăn chặn nạn kích giun đất...

TS Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

TS Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Liên quan tới vấn đề này, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hòa Bình.

Ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã có những động thái vào cuộc như thế nào sau khi có thông tin về chuyện bùng phát trở lại nạn kích giun trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

Vừa rồi, UBND tỉnh và Sở NN-PTNT đã có những văn bản chỉ đạo các địa phương và cơ quan, ban ngành quyết liệt cùng vào cuộc để ngăn chặn nạn kích giun. Vì vậy từ đầu tháng 8 đến nay, tình hình đã tạm lắng. Tuy nhiên, tôi thấy những giải pháp như thông tin tuyên truyền, xử lý các trường hợp kích giun trên cơ sở lí do làm mất an ninh trật tự, rồi xử lý cả các cơ sở sấy giun từ trước đến nay vẫn làm, nhưng mỗi khi chính quyền, cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt thì tình trạng này giảm đi, một thời gian sau lại rộ lên. Nó cũng giống như “bắt cóc bỏ đĩa” vậy, vì chế tài xử phạt chưa đầy đủ, chưa nghiêm và vì cái gốc của vấn đề là nhu cầu tiêu thụ vẫn còn.

Cách đây khoảng 2 tuần, tôi có trao đổi với ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) và đặt ra cách tiếp cận mới để giải quyết vấn đề kích giun là tại sao giá bán giun đất đắt và nếu nó có cung cầu thực sự thì không đưa thành vật nuôi thông thường giống như giun quế? Cách ấy vừa bền vững, vừa có thể khai thác được tác dụng của con giun đất này.

Vừa qua, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình đã giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV để xây dựng mô hình nhân nuôi giun đất, nhưng để làm được mô hình, tôi thấy có mấy vấn đề cần giải quyết:

Kích giun đất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Kích giun đất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thứ nhất là chưa đủ cơ sở khoa học. Chúng ta có rất nhiều đề tài nghiên cứu về con giun quế, nhân nuôi giun quế nhưng về nhóm giun đất kích thước lớn (giun đào đất) thì gần như chỉ có một số nghiên cứu của một số trường đại học và một số trung tâm nghiên cứu về môi trường - sinh vật và hầu hết mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu thành phần loài, đặc điểm phân loại, một số đặc tính sinh thái. Còn nhiều đặc điểm sinh thái cần làm rõ, đặc biệt là quy trình kỹ thuật nhân nuôi thì gần như chưa có.

Thứ hai, nếu thực hiện làm mô hình khuyến nông để thử nghiệm nuôi giun đất thì phải có định mức. Chúng ta mới chỉ có định mức cho mô hình nuôi giun quế, nhưng với giun đất là một nhóm khác hẳn lại chưa có. Bởi thế mà Sở NN-PTNT Hòa Bình đang giao Chi cục chúng tôi tham mưu, đề xuất một đề tài khoa học về xây dựng quy trình nhân nuôi thử nghiệm một số loài giun đất kích thước lớn thuộc nhóm giun đào đất ở tỉnh Hòa Bình.

Vậy nội dung chính trong đề tài khoa học đó là gì thưa ông?

Về nghiên cứu cơ bản, sẽ có điều tra, đánh giá về thành phần loài giun đất của tỉnh Hòa Bình, phân loại các loài. Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã tìm ra gần 300 các loài giun đất khác nhau, còn trên thế giới các nhà khoa học tìm thấy khoảng 1.700 loài. Giun đất được phân thành ba nhóm: Nhóm thứ nhất là giun đỏ hay còn gọi là giun ăn phân, giống như giun quế của ta. Chúng ăn ở trên bề mặt đất, chủ yếu phân giải chất hữu cơ, chất thải của động vật, có tác dụng rất tốt trong việc phân hủy chất hữu cơ nhưng ít có tác dụng cải tạo thành phần cơ giới đất vì chủ yếu sinh sống ở trên bề mặt. Các cơ sở nhân nuôi của ta đa số đang tập trung cho nhóm giun đỏ này.

Giun đất sau khi mổ ruột. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giun đất sau khi mổ ruột. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhóm thứ hai là giun đào đất hay còn gọi là giun mồi câu, thường có kích thước lớn. Chúng ăn tất cả những gì trên đường chúng đào hang, kể cả chất hữu cơ và chất khoáng rồi thải phân trong đất. Nhóm này có tác dụng rất tốt trong cải tạo thành phần cơ giới đất, làm đất tơi xốp, giữ ẩm, thoát nước tốt.

Ngoài ra theo theo tài liệu y học, một số loài trong nhóm trùn đào đất có chứa những hoạt chất có tác dụng phá huyết, chống co giật, kháng histamin, làm giãn mạch nội tạng và hạ áp chậm nhưng lâu dài, làm giãn phế quản và hạ cơn hen cấp, an thần và hạ thân nhiệt… Chính vì vậy chúng có tên trong thành phần của nhiều bài thuốc đông y (gọi là địa long). Giới khoa học cũng đánh giá chúng cao nhất trong việc cải tạo thành phần cơ giới đất vì hoạt động đào hang.

Nhóm thứ ba ít hơn là giun ăn khoáng. Chúng chủ yếu ăn khoáng chất trong đất, vai trò cải tạo đất không bằng nhóm giun đào hang.

Nội dung mà đề tài khoa học chúng tôi dự kiến đề xuất là tập trung vào nhóm giun đất đào hang, tìm hiểu về đặc điểm sinh thái cũng như thử nghiệm trên các môi trường nuôi nhân tạo. Có hai hướng nhân nuôi. Thứ nhất là những giải pháp về sinh thái, canh tác để tăng mật độ của loài này trong tự nhiên; thứ hai là thử nghiệm để xây dựng quy trình nhân nuôi. Kỳ vọng là sẽ có quy trình nuôi cho một, hai loài phổ biến nhất trong nhóm giun đất này.

Tôi thấy giun quế không đào hang trong đất nên dễ nuôi và dễ thu hoạch, còn giun đất thì đào hang sâu trong đất nên không biết cách nuôi, cách thu hoạch sẽ phải thế nào, thưa ông?

Đúng thế. Giun đất có thể đào sâu đến vài mét trong đất nên cách nuôi, cách thu hoạch sẽ khó hơn so với giun quế. Cũng rất may tôi có liên lạc với một người gần như “trùm” về giun ở Việt Nam là TS Nguyễn Anh Đức ở Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), được anh cung cấp cho nhiều thông tin về con giun đất. Tên đề tài khoa học mà chúng tôi đề xuất cũng là gợi ý của TS Anh Đức cho tỉnh Hòa Bình.

Lò sấy giun đất ở xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Người dân cung cấp.

Lò sấy giun đất ở xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Người dân cung cấp.

Vậy đề tài khoa học trên sẽ do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình thực hiện hay đơn vị nào, thưa ông?

Theo quy định, Chi cục là đơn vị quản lý nhà nước nên chỉ tham mưu với Sở NN-PTNT để đề xuất đặt hàng nhiệm vụ khoa học, trên cơ sở đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh sẽ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Trường hợp thấy cần thiết và cấp bách, UBND tỉnh sẽ duyệt danh mục rồi Sở Khoa học và Công nghệ sẽ thông báo công khai để tuyển chọn tổ chức/cá nhân thực hiện nhiệm vụ đặt hàng, giống như đấu thầu vậy. Các đơn vị muốn thực hiện đề tài sẽ phải chuẩn bị đề cương và hồ sơ nộp về Sở Khoa học và Công nghệ. Việc xét duyệt hồ sơ tuân thủ theo quy định hiện hành của UBND tỉnh đã quy định.

Xin cảm ơn ông!

Ông nhận định thế nào về nguyên nhân thời gian qua, nhu cầu thu mua giun đất bỗng nhiên tăng mạnh, khiến nạn dùng điện kích giun đất tái diễn mạnh trở lại?

Trong rất nhiều bài thuốc đông y của ta lẫn Trung Quốc thì giun đất chính là địa long, chúng được sử dụng đã hàng ngàn năm nay. Mẹ vợ tôi làm đông y, tôi vẫn thấy bà dùng giun đất nhưng trước đây không để ý lắm, giờ khi nạn kích giun bùng phát mới quan tâm. Việc chúng có tác dụng trong y dược càng củng cố thêm cách tiếp cận để giải quyết nạn kích giun là vấn đề cung - cầu hay vấn đề thị trường. Tức là phải nhân nuôi được loài này, coi chúng như những loài sinh vật nuôi khác thì sẽ là giải pháp lâu dài, bền vững và hạ giá thành, qua đó sẽ góp phần hạn chế được hành vi kích điện để khai thác giun đất tự nhiên như hiện nay.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.