| Hotline: 0983.970.780

Hòa Bình rập rình kích giun

[Bài 1]: Dùng cả ô tô đi ăn trộm

Thứ Hai 24/07/2023 , 13:53 (GMT+7)

Sau cơn mưa hạ, trời mát mẻ lạ thường, đó là thời điểm những con giun ngoi lên sát mặt đất để thở. Điều chúng không ngờ là một dòng điện 4.500V phóng xuống.

Đi theo hình ảnh vườn chuối trên Google map

Anh Trịnh Trọng Nghĩa ở thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) có 4 vườn trong đó 2 trồng cam, 2 trồng chuối. Chỉ vào dãy hàng rào kẽm gai mới bị đổ rạp xuống của một vườn chuối anh bảo với tôi rằng: “Chúng nó mới đạp chỗ này để vào vườn kích giun đấy. Tối ngày 19/7 bọn em đang ngồi uống nước ngoài đường thì thấy hai chiếc xe máy chở theo sọt nhựa vào. Lúc đầu cũng nghĩ là shipper nhưng sau đó lại nghĩ, đó là đường độc đạo chỉ có một hộ dân lại đang ốm đau bệnh tật thì chẳng đặt hàng làm gì cả.

Chỉ có thể là bọn kích giun. Vậy là bọn em theo vào, tìm các ngách nhỏ thấy có hai cái xe máy Exciter và Dream giấu ở bụi rậm. Tìm thêm một lúc thì thấy chúng nó đi ủng, đồ nghề đầy đủ, đang đứng hút thuốc. Bọn em hỏi: “Chúng mày đi đâu?”. Chúng trả lời: “Chúng em lần đầu đến đây, đi bắt ít giun”. “Chúng mày đến bằng cách nào?”. Bọn em hỏi tiếp thì chúng trả lời: “Chúng em đi đến đây bằng Google map, tìm hình ảnh những nơi có vườn chuối”.

Đoạn rào bị nhóm kích giun dẫm đổ ở vườn chuối nhà anh Trịnh Trọng Nghĩa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đoạn rào bị nhóm kích giun dẫm đổ ở vườn chuối nhà anh Trịnh Trọng Nghĩa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn chuối, nhất là năm thứ hai có những cây vụ trước ngả xuống tạo mùn, lại bón thêm nhiều phân hữu cơ, độ ẩm cao có rất nhiều giun. Nếu cỏ rậm thì kích giun nổi lên cũng khó mà nhìn thấy để bắt nên chúng rất thích vào những vườn vừa cắt cỏ xong. Sợ người dân kéo đến đông, đòi đánh bọn chúng nên bọn em đã gọi cho công an thị trấn”.

Nạn kích giun bằng điện xuất hiện chừng 5-7 năm nay ở huyện Cao Phong nói riêng và cả tỉnh Hòa Bình cũng như nhiều địa phương khác nói chung nhưng trước chỉ lác đác, gần đây bỗng rộ lên. Đầu năm nay hạn hán kéo dài, giun ở sâu dưới đất, không đánh được. Vừa rồi có mấy trận mưa to, giun ngoi lên nhiều, là thời điểm để đám kích giun tìm đến. Không chỉ người địa phương mà còn cả dân Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội. Dù đến trên những phương tiện khác nhau như ô tô, xe máy nhưng đồ nghề của chúng giống hệt nhau từ máy kích, ắc quy, que sắt, sọt nhựa để giun đến giá đèo hàng màu đỏ (nếu là xe máy).

Giun đất bị săn bắt bằng điện. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giun đất bị săn bắt bằng điện. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Cao Xuân Tư ở thị trấn Cao Phong nhận khoán 2 vườn cam rộng 3 ha đã cẩn thận rào lưới B40 xung quanh nhưng nhiều lần đám kích giun vẫn đạp đổ để vào. Bởi thế cứ tầm 10 giờ đêm ông lại đi tuần quanh vườn, rồi 2, 3 giờ sáng lại đi lần nữa. Biết thân già nên ông soi đèn đánh động là chính, nếu thấy thì quát lên mà thôi. Lần đám kích giun tắt đèn, ngồi im trong vườn khiến ông không dám tiến vào nhưng cũng có lần chúng đủng đỉnh đi ra: “Chúng tôi đi kích giun đấy. Làm đ. gì mấy con giun mà căng?”. Ông mới nói: “Chúng mày đi phá hoại sản xuất đấy vì con giun nó làm tơi xốp đất cho vườn”.

4-5 lần như vậy nên tức quá cách đây mấy hôm ông mới cùng vợ mình tổ chức mai phục. Thấy một xe ô tô hiệu Toyota đỗ ở ven vườn, gần chỗ hàng rào bị phá, họ đã nghi, tìm vào thì phát hiện ra 3 người bên trong. Hỏi: “Chúng mày đang làm gì trong vườn của tao?”. Thì chúng trả lời đi kích giun và công khai thách thức, chửi bới. Thấy vậy ông liền lấy xe máy của mình chặn ngay đầu ô tô, gọi cho con trai đến yêu cầu chúng đưa chìa khóa rồi báo công an thị trấn. “Công an đến cũng chỉ thu đồ nghề rồi thả người, thả xe vì chưa có chế tài xử lý”.

“Nhóm facebook Hóng biến Hòa Bình vừa rồi có đăng bài về chuyện bắt bọn kích giun này, nhiều người đồng tình nhưng cũng lắm người phản đối rằng: Tại sao đi bắt mấy con giun cũng bị bắt như lũ trộm chó? Tại sao lại bắt giun mà bị quỳ thế kia? Họ có biết đâu tác hại kinh khủng của việc kích giun này”, anh Trịnh Trọng Nghĩa.

Nhóm kích giun bị bắt quả tang. Ảnh: Người dân cung cấp.

Nhóm kích giun bị bắt quả tang. Ảnh: Người dân cung cấp.

Chốt chặn bắt kích giun như chốt chặn Covid

Bức xúc trước nạn kích giun, ngày 11/7 vừa qua, 12 chủ vườn đã cùng viết đơn gửi UBND huyện Cao Phong, Công an huyện Cao Phong, trong đó viết: “Hiện nay, trên địa bàn xã Thu Phong đang xuất hiện nhiều đối tượng chuyên dùng máy kích điện bắt giun và sau đó bán lại cho các đối tượng thu mua khác cũng trên địa bàn xã. Hiện tại trong vườn của chúng tôi xuất hiện hiện tượng giun nổi lên chết và xuất hiện nhiều vết chân của các đối tượng.

Ngoài ra, các đối tượng kể trên cũng đã dùng mọi thủ đoạn như đạp đổ tường bao, đạp đổ bờ rào làm bằng lưới B40 của gia đình để vào vườn cầm máy kích điện vào khu vực xung quanh… Việc các đối tượng sử dụng kích điện để bắt giun gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đất, làm suy giảm đến chất lượng cây trồng, nguy hiểm hơn là làm hỏng rễ cây trồng, làm cho cây bị vàng lá, thối rễ. Từ đó gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế với các hộ gia đình chúng tôi”.

Tôi đến xã Thu Phong tìm gặp những người viết đơn đó. Ngay đầu đường lối lên đồi là một cánh cổng sắt mới được dựng lên như thời Covid. Cánh cổng ấy cứ tối phải đóng lại để phòng nạn kích giun. Dọc đường, còn vương những chiếc gậy của cuộc tuần tra tối hôm trước. Các chủ vườn ở đây đã lập ra nhóm zalo để cắt cử nhau trông vườn, bắt đám kích giun.

Những chủ vườn không dám cắt cỏ vì sợ sau cắt sẽ bị kích giun trộm. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Những chủ vườn không dám cắt cỏ vì sợ sau cắt sẽ bị kích giun trộm. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Anh Bùi Quang Toản phẫn nộ: “Những vườn cam còn lại là của những người còn tâm huyết, sống chết với vườn và còn vốn. Đến bây giờ chúng tôi mới nhận định rằng vàng lá thối rễ không chỉ do bệnh mà còn do cả kích giun. Kích giun ở thời điểm độ ẩm cao, luồng điện 4000-5000V phóng xuống đất không chỉ làm chết hết giun, gây bí đất mà còn làm chết hết rễ tơ, bộ rễ bị tổn thương khiến cho cây vàng lá và chết.

Bọn kích giun ngày ngủ đêm cướp khiến chúng tôi phải cắt cử nhau mà trông, rất mệt mỏi. Khi bắt được bọn kích giun có thể xảy ra nhiều vấn đề như đánh nhau, thậm chí chết người nên chúng tôi muốn có chế tài để xử lý mới gửi đơn lên UBND xã Thu Phong, UBND huyện và công an huyện. Sau khi có đơn, công an cũng quần ngày đêm, bắt được nhiều vụ nhưng quan trọng nhất là nơi tiêu thụ thì chưa dẹp được”.

Cũng theo anh Toản có hai thời điểm mà đám kích giun thường nhắm vào là 8-11 giờ đêm lúc chủ vườn phải rút về nhà để ăn, và từ 2-4 giờ sáng khi chủ vườn ngủ mê mệt. Cam phải đầu tư cả tỉ mỗi ha, 5 năm mới có thu. Với giá hạ như hiện tại 1,5 ha vườn nhà 7 năm hòa vốn đang mừng thì lại có nạn kích giun trộm khiến cho vợ anh cứ rền rĩ than: “Khi phát hiện ra là lá đã vàng, cây đã bắt đầu chết rồi. Bọn nó còn táo tợn đến mức ở trên vườn đang cắt cỏ ở dưới đã kích giun rồi. Bốn hôm trước chúng tôi phát hiện ra, tổ chức vây bắt thì chúng tắt đèn, chạy theo lạch nước trốn thoát mất”.

Chế biến giun để sấy khô. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chế biến giun để sấy khô. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Hữu Thuận cho biết thường đám kích giun mỗi máy đi hai người, một soi đèn và kích, một nhặt giun. Đèn đội trên đầu, đèn gắn gắn cả trên ủng: “Mới đây chúng tôi phát hiện ra hai xe máy với bốn thằng vào. Chiều bắt được hai thằng kích giun ở trên núi đá, thả ra, trả lại điện thoại chúng nó lại báo cho chủ thu mua, báo cho cả đội nên hai thằng còn lại không bắt được. Chúng tôi đành phải vứt cả gậy ở đường. Chúng tôi mang gậy phòng thân thôi chứ máy kích ấy còn nguy hiểm hơn cả dùi cui điện.

Theo tôi cần phải xóa hết các điểm tiêu thụ, sấy giun ở trong huyện và ngoài huyện, chứ như ở huyện Kim Bôi có làng có mấy lò sấy giun. Phải có chế tài xử phạt kích giun như kích cá chứ như hiện nay, bắt rồi lại thả. Nếu bị bắt người đi kích không mất gì cả vì ngày mai chủ buôn, chủ lò sấy lại đầu tư cho máy mới ngay. Hầu hết các vườn ở đây đều bị bọn kích giun chà đi, xát lại. Cứ vườn nào vừa phát cỏ xong là bị kích do dễ nhìn thấy giun bò lên để nhặt. Bởi thế mà chúng tôi giờ không dám phát cỏ vườn nữa dù có rậm đến thế nào”.

Một chủ vườn ở xã Thu Phong đã phải cắm biển cấm kích giun. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một chủ vườn ở xã Thu Phong đã phải cắm biển cấm kích giun. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Văn Giao cảnh báo, để kích giun tràn lan khắp nơi thì cả nền nông nghiệp của Việt Nam cũng hỏng bởi cây gì dí điện cũng chết, chưa nói tới các sinh vật ở dưới đất. Giá giun tươi đã 70.000-80.000đ/kg, lợi nhuận quá cao càng khiến cho nhiều người đổ xô đi kích điện.

Mới đây, một nhóm 6 người đánh ở khe gần vườn nhà anh Thuận ở xã Thu Phong một đêm mà được tới 120 kg. Hay vườn nhà anh Nhật ở thị trấn một nhóm khác đánh đêm trước được 100 kg, tối sau quay lại đánh được 40 kg thì bị lộ.

“Cứ mưa tạnh mà kích thì giun lên như giòi. Trước đây là đồi keo, có rất ít giun. Trong quá trình trồng cam chúng tôi đầu tư nhiều phân bón hữu cơ để cải tạo độ màu mỡ nên giờ giun rất nhiều nên chúng mới mò vào kích, chứ rừng nhiều nhưng chúng có đánh đâu vì không có giun mấy”.         

Xem thêm
Ông Nguyễn Duy Ngọc được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị

Ông Nguyễn Duy Ngọc, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu bổ sung vào Bộ Chính trị và giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nam đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình

Hà Nam là địa phương đứng đầu cả nước trong công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2024.

Bình luận mới nhất