| Hotline: 0983.970.780

Chuyện lạ ở Hưng Yên: Người và vật nuôi hoán đổi chỗ ở để chiếm đất

Thứ Năm 05/10/2017 , 09:20 (GMT+7)

Từ năm 2004 đến nay, 112 ngôi nhà ở, nhà tạm với đủ kích cỡ, kiểu dáng bỗng mọc lên trên đất nông nghiệp tại xã Quang Hưng. Sau một thời gian dài có dấu hiệu buông lỏng quản lý thì nay, địa phương này đang quyết liệt “sửa sai” và lập lại kỷ cương.

Trước hiện tượng “nở rộ” công trình nhà ở, nhà tạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, tỉnh Hưng Yên đã ra “tối hậu thư” với các trường hợp vi phạm bằng chỉ thị số 02/CT-UBND (ngày 16/3/2016), kiên quyết xử lý nghiêm khắc những trường hợp cố tình chống đối.

10-31-39_qunghung_2
Ông Quách Giang Hán (thôn Viên Quang) thả gà, tập kết thức ăn chăn nuôi trong nhà ở để phản ứng lại quyết định tháo dỡ nhà của chính quyền

Vụ việc “vật nuôi lên nhà, người xuống kho ở” tại thôn Viên Quang, xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ đã trở thành “phép thử” về tính nghiêm minh của chính sách.
 

“Xử” cán bộ, đảng viên trước, giải toả vi phạm của dân sau

Từ năm 2004 đến nay, 112 ngôi nhà ở, nhà tạm với đủ kích cỡ, kiểu dáng bỗng mọc lên trên đất nông nghiệp tại xã Quang Hưng. Sau một thời gian dài có dấu hiệu buông lỏng quản lý thì nay, địa phương này đang quyết liệt “sửa sai” và lập lại kỷ cương.

Nói như ông Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Quang Hưng thì: “Chúng tôi không thể cả nể thêm được nữa. Dù với nguyên do gì thì hành vi biến thổ canh thành thổ cư là trái pháp luật”. Ông cũng khẳng định: “Cao điểm tháo dỡ công trình sai phạm trên đất nông nghiệp lần này sẽ không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không để dây dưa kéo dài”.

Trong danh sách các hộ gia đình, cá nhân có công trình nhà ở, nhà tạm trái phép trên đất nông nghiệp, có tổng cộng 12 đảng viên đang quản lý, sử dụng công trình vi phạm, gồm cả bí thư chi bộ thôn Viên Quang Quách Xuân Quỳnh (xây hai nấc nhà ở với tổng diện tích 90,6m2) và trưởng thôn Thọ Lão Trần Văn Hưng (xây dựng nhà ở có diện tích 24,97m2),…

Đây là những trường hợp được quan tâm đặc biệt, cần phải xử lý trước. Bởi dân ta thường nói “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Cán bộ, đảng viên làm sai thì đừng mong ai làm đúng. Sau khi được Đảng uỷ, chính quyền vận động, ông Quỳnh và ông Hưng đã tự phá dỡ công trình nhà ở trái phép. Đồng thời, BCH Đảng bộ xã đang tiến hành kiểm tra, xem xét, thi hành kỷ luật với 12 đảng viên vi phạm.

13-41-54_nh_chup_mn_hinh_2017-10-04_luc_13204_ch
13-41-54_nh_chup_mn_hinh_2017-10-04_luc_13409_ch
13-41-54_nh_chup_mn_hinh_2017-10-04_luc_13306_ch
Một số hình ảnh nhà cửa xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Hưng Yên

Riêng với trường hợp của đảng viên Quách Giang Hán (chủ mô hình kinh tế hộ VAC ở thôn Viên Quang), là một trong số hơn 10 trường hợp thả vật nuôi vào nhà ở xây dựng trên đất nông nghiệp để chống đối quyết định tháo dỡ diện tích xây dựng sai phép của cơ quan chức năng là không đúng. Bởi theo chủ tịch xã Lê Hồng Sơn: “Từ tháng 10/2016, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra thực tế và khẳng định chắc chắn khu nhà ở của ông Hán với tổng diện tích 120,5m2 được sử dụng để ở, không phải để chăn thả vật nuôi, chứa dụng cụ và thức ăn chăn nuôi. Nội dung này đã được lập vào biên bản cách đây hơn nửa năm, trước thời điểm gia chủ thả gà vào nhà".

Trao đổi với chúng tôi, ông Hán chống chế: “Chúng tôi biết xây dựng nhà trên đất nông nghiệp như vậy là sai, nhưng nếu không có nơi ở kiên cố, gia đình không thể trông nom tài sản, làm ăn lâu dài được”. Cách nhà ông Hán chỉ vài bước chân, gia đình ông Phạm Hồng Thép cũng xây dựng khu nhà ở trái pháp luật có tổng diện tích 126m2 trên đất nông nghiệp đầu tư khu VAC.

Theo ghi nhận của PV NNVN, khu nhà ở của gia đình ông Quách Giang Hán được chia làm hai dãy. Một căn nhà kiên cố lợp mái Thái, sơn màu xanh tím, cột trụ ốp đá granite, sàn lát gạch hoa rất đẹp mắt. Trong nhà được ngăn thành các phòng, trong đó, hai phòng (thiết kế trông giống phòng ngủ) được xếp gạch, quây lưới ở cửa và nuôi gà. Gian phòng rộng ở giữa (giống phòng khách) đang chứa thức ăn chăn nuôi. Theo gia chủ, ngôi nhà này rộng khoảng hơn 60m2. Phía sau nhà còn một dãy nhà tạm cấp 4, được ngăn làm hai phòng có kê giường ngủ và một số vật dụng sinh hoạt.
 

Không thể “con sâu làm rầu nồi canh”

Ông Lê Hồng Sơn chia sẻ: Triển khai Kế hoạch số 37/KH-UBND của UBND huyện Phù Cừ (ngày 20/3/2017) và Kế hoạch 93a của UBND tỉnh Hưng Yên (ngày 31/3/2017), chính quyền xã Quang Hưng đẩy mạnh tuyên truyền vận động các hộ dân tự tháo dỡ công trình trái phép trên đất nông nghiệp.

Đến nay khoảng 50 trường hợp vi phạm tại các thôn Thọ Lão, Quang Xá, Ngũ Lão đã tự nguyện tháo dỡ nhà ở, nhà tạm sai phạm. Tuy nhiên, các trường hợp vi phạm tại thôn Viên Quang (chiếm khoảng 50% tổng số vụ vi phạm trên địa bàn xã) vẫn chưa tự giác giải tỏa vi phạm. “Chúng tôi sẽ không nhượng bộ. Đã là sai phạm thì lớn, nhỏ đều phải xử lý. Như vậy mới đảm bảo tính công bằng và nhân văn của pháp luật. Nếu không thì sẽ tạo thành tiền lệ xấu cho xã, cho huyện và thậm chí cả tỉnh. Đến giờ phút này, xã chưa tổ chức cưỡng chế phá dỡ bất cứ trường hợp vi phạm nào, nhưng nếu giải pháp vận động thuyết phục không có hiệu quả, chúng tôi buộc phải hoàn thiện hồ sơ để đề nghị UBND huyện thành lập đoàn cưỡng chế”, ông Sơn nói.

10-31-39_qunghung_1
Một ngôi nhà kiên cố xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại thôn Viên Quang, xã Quang Hưng

Ông cũng cho biết thêm: "Trước đây, để xảy ra nhiều vi phạm trên đất nông nghiệp là do Đảng ủy và chính quyền chưa vào cuộc quyết liệt. Nhiều trường hợp, khi phát hiện công trình xây dựng sai phép, cán bộ xã, huyện chỉ đến lập biên bản xử phạt hành chính (ví dụ trường hợp gia đình nhà ông Quách Giang Hán, đã bị xử phạt năm 2012).

Mặc dù biên bản xử phạt bao giờ cũng yêu cầu người có hành vi vi phạm phải hoàn trả lại nguyên trạng đất, nhưng vì cả nể nên có khi gia chủ không tự giác phá dỡ nhưng cơ quan có thẩm quyền không cưỡng chế thi hành". 

“Sau xã Quang Hưng, hiện đã có một số hộ dân ở xã Trần Cao, Minh Tân và Nguyên Hòa (thuộc huyện Phù Cừ) đưa vật nuôi lên công trình nhà ở xây dựng sai phép trên đất nông nghiệp để chống đối chính quyền. Nếu vụ việc tại xã Quang Hưng không được xử lý nghiêm minh thì rất có thể hiện tượng “vật nuôi lên nhà, người sống dưới kho” sẽ lan rộng theo hình thức “vết dầu loang”. Điều này rất nguy hiểm”, ông Lê Hồng Sơn nói.

2132013102
Tại những vùng chuyển đổi trồng cây ăn trái, đào ao thả cá,...cho thu nhập hàng tỷ đồng/ha như thế này, có những hộ vẫn cố tình xây nhà ở trên đất lúa, rồi đòi địa phương hợp thức hóa cho tồn tại

Cần phải hiểu rõ rằng, UBND tỉnh Hưng Yên có quyết định 46 (năm 2005) để khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình kinh tế VAC, kinh tế trang trại hiệu quả cao. Đất đai vẫn là của nhà nước, giao cho các hộ dân sử dụng có thời hạn. Các hộ dân muốn chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nông nghiệp thì phải lập hồ sơ dự án (trong đó thuyết minh về quy mô sản xuất, diện tích xây dựng nhà tạm) để các cấp có thẩm quyền xem xét, trình UBND huyện phê duyệt.

Tuy nhiên, nhiều hộ dân cố tình vi phạm để chiếm đất. Thống kê cho thấy, ở thôn Viên Quang có 33 hộ xây dựng nhà với diện tích 36m2 trở lên thường xuyên có người ăn ở. Nhiều gia đình chuyển ra ở thường xuyên, họ đặt bàn thờ, sắm nội thất đầy đủ để sinh hoạt lâu dài tại khu chuyển đổi sản xuất nông nghiệp.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.