| Hotline: 0983.970.780

Chuyện làm ăn ở một hợp tác xã lâm nghiệp

Thứ Hai 26/10/2020 , 08:31 (GMT+7)

“Chúng tôi chấp nhận lãi ít, miễn sao có thể giúp được cho bà con có công ăn việc làm và nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng”.

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Hữu Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hiệp Thuận (xã Hiệp Thuận, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) khi xây dựng HTX và liên kết với người dân trồng rừng gỗ lớn.

Mỗi năm, HTX Hiệp Thuận thu mua hơn 3.000 tấn gỗ lớn với đường kính từ 15cm trở lên. Ảnh: L.K.

Mỗi năm, HTX Hiệp Thuận thu mua hơn 3.000 tấn gỗ lớn với đường kính từ 15cm trở lên. Ảnh: L.K.

Hướng đi từ rừng gỗ lớn

Xã Hiệp Thuận có diện tích đa phần là đồi núi, toàn xã có khoảng 1.600ha rừng sản xuất. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân địa phương phát triển kinh tế rừng. Nhiều năm qua, trồng rừng là nghề mang lại thu nhập chính cho bà con nơi đây. Tuy nhiên, giá cả thị trường gỗ trồng vô cùng bấp bênh nên việc tiêu thụ sản phẩm của bà con gặp nhiều khó khăn.

Trước thực tế này, năm 2017, HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận được thành lập với mong muốn giúp cho người dân trong xã và các xã lân cận có được đầu ra ổn định, từ đó yên tâm sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế, đặc biệt là từ mô hình trồng rừng gỗ lớn.

HTX Hiệp Thuận bỏ hàng tỷ đồng để đầu tư nhà xưởng, mua trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc sơ chế gỗ để xuất khẩu. Ảnh: Lê Khánh

HTX Hiệp Thuận bỏ hàng tỷ đồng để đầu tư nhà xưởng, mua trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc sơ chế gỗ để xuất khẩu. Ảnh: Lê Khánh

Ông Dương cho biết, rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với rừng gỗ mà bà con chỉ để từ 4 đến 5 năm là thu hoạch như cách bà con vẫn làm. Thông thường, mỗi ha rừng gỗ có độ tuổi từ 4 – 5 năm, người dân chỉ thu được từ 50 – 60 triệu đồng. Đó là chưa kể đến việc giá cả có khi hạ xuống thấp.

Còn rừng gỗ lớn có tuổi đời từ 7 đến 8 năm, người trồng sẽ thu được trên dưới 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, gỗ từ rừng gỗ lớn đang ngày càng được thị trường ưa chuộng, không lo về giá cả và đầu ra. “Trước khi thành lập HTX, tôi đã đi đến nhiều nơi và tìm hiểu thì nhu cầu thu mua các sản phẩm từ gỗ lớn rất nhiều và xu hướng ngày càng tăng. Do đó, tôi mới quyết định đầu tư để phát triển sản phẩm này”, ông Dương chia sẻ.

Kế thừa diện tích rừng gỗ lớn ở địa phương với gần 850ha mà dự án WB3 đã tài trợ vào năm 2006, ông Dương cùng các thành viên trong HTX đã đầu tư 3,5 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ cho việc chế cưa xẻ gỗ thành các sản phẩm thô ban đầu để xuất ra thị trường. Năm đầu tiên thành lập, HTX Hiệp Thuận thu mua được 800 tấn gỗ chủ yếu là keo lai loại có đường kính từ 15cm trở lên.

Lựa chọn đúng hướng đi đã giúp cho HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận ngày càng phát triển. Từ số tiền lãi thu được, HTX tiếp tục đầu tư thêm các loại máy móc cần thiết, nâng cao năng suất lao động. Từ 800 tấn gỗ/năm thu mua ban đầu thì đến thời điểm hiện nay, mỗi năm HTX thu mua của bà con đến hơn 3.000 tấn để sơ chế và xuất ra thị trường.

Tạo mọi điều kiện cho người dân phát triển kinh tế rừng

Với mục tiêu phát triển lâu dài, năm 2019, HTX Nông nghiệp Hiệp Thuận đã tiến hành liên kết với bà con trong xã để thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC. Sau 2 năm, đơn vị đã liên kết được với hơn 40 hộ dân trong xã trồng khoảng 300ha rừng theo mô hình này.

Vườn ươm của HTX Hiệp Thuận mỗi năm cho ra khoảng 2 triệu cây giống đạt chất lượng phục vụ cho bà con. Ảnh: Lê Khánh

Vườn ươm của HTX Hiệp Thuận mỗi năm cho ra khoảng 2 triệu cây giống đạt chất lượng phục vụ cho bà con. Ảnh: Lê Khánh

Theo đó, các hộ dân liên kết với HTX sẽ được hỗ trợ 100% giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Gỗ của các hộ gia đình sản xuất ra theo hợp đồng sẽ được HTX cam kết thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường khoảng 20%. Từ lợi ích này mà có rất nhiều hộ ngoài mô hình liên kết đã ký hợp đồng bao tiêu với HTX.

Đến nay, HTX Hiệp Thuận đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 140 hộ dân trong và ngoài xã, tổng diện tích khoảng 760ha rừng keo gỗ lớn có giấy chứng nhận FSC, phục vụ cho việc sơ chế gỗ cây thành gỗ miếng, cung cấp cho các nhà máy sản xuất gỗ ghép thanh công nghiệp.

“Mình mua giá cao thì sẽ lãi ít nhưng bà con lại sẽ chọn mình là đơn vị thu mua cho họ nên lượng sẽ tăng sản lượng đầu vào. Nhưng quan trọng là chúng tôi đã góp phần giúp cho bà con tăng hiệu quả kinh tế”, ông Dương nói và cho biết hiện nay, ngoài đảm bảo đầu ra với giá cao hơn thị trường, giúp bà con có thêm thu nhập thì HTX còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 lao động thường xuyên với mức lương thấp nhất là 6 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm của HTX hơn 5 tỷ đồng.

Cũng theo ông Dương, tại địa phương, đa số cuộc sống của bà con vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Sau thời gian nhiều năm bỏ tiền đầu tư vào rừng trồng thì người dân cũng muốn sớm bán đi lấy tiền để trang trải cuộc sống. Do đó, việc duy trì rừng trồng gỗ lớn với thời gian 7 đến 8 năm thậm chí là 10 năm với họ cũng là một vấn đề.

Biết được tâm lý này, để người dân yên tâm duy trì rừng thêm vài năm để gỗ đạt tiêu chuẩn, HTX Hiệp Thuận đã tạo điều kiện bằng cách cho các hộ gia đình liên kết sản xuất ứng trước 30% giá trị rừng khi họ có nhu cầu về tài chính. Nhờ đó, HTX luôn đảm bảo được sản lượng cũng như chất lượng gỗ khi khai thác.

Bên cạnh đó, chất lượng của gỗ lớn cũng phụ thuộc rất lớn vào giống. Nếu giống không tốt thì rừng sẽ chậm phát triển và không đạt yêu cầu. Nắm được điều này, HTX Hiệp Thuận đã xúc tiến đầu tư hạ tầng xây dựng vườn ươm giống với quy mô 6.000m2 với loại giống chủ yếu là keo tai tượng Úc, hạt giống được nhập khẩu về ươm, đảm bảo cung ứng nguồn cây giống chất lượng tốt, rõ nguồn gốc.

“Vườn ươm giống của HTX đang cung cấp khoảng 2 triệu cây giống cho bà con trong vùng mỗi năm. Trong đó có khoảng 400.000 cây là hỗ trợ miễn phí cho bà con tham gia mô hình liên kết. Với những cơ chế hỗ trợ này, bà con rất tích cực tham gia mô hình rừng gỗ lớn. Hiện nay, HTX đang tiếp tục đầu tư thêm máy móc để hướng tới tiêu thụ khoảng 9.000 tấn gỗ mỗi năm, góp phần giúp bà con phát triển mạnh kinh tế rừng”, ông Dương chia sẻ.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất