| Hotline: 0983.970.780

Chuyện người phụ nữ đưa heo rừng về nuôi ở vùng cát trắng

Thứ Sáu 09/02/2018 , 09:45 (GMT+7)

Chị Huy cũng cho biết, hiện đàn heo nái tăng lên gần 40 con. Mỗi heo rừng nái đẻ 2 lứa một năm, mỗi lứa được 6 đến 8 con. Chăm sóc tốt thì khoảng 40 - 45 ngày là xuất bán giống...

Sự cố môi trường biển làm cá chết hàng loạt do Formosa gây ra đã đẩy ngư dân vào cảnh khó khăn hơn. “Nói là chuyển đổi ngành nghề, nhưng biết chuyển sang làm cái chi để có thu nhập là việc khó như đãi cát tìm… ngọc trai”, chị Nguyễn Thị Huy ở thôn Liêm Tiến, xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) kể lại.

11-13-02_nnvn-1-chi-huy
Chị Huy cho bầy heo nái ăn

Vậy rồi, có lần chị nghe thấy người ta nói nuôi heo rừng là được. Nuôi heo thì chị cũng đã từng, chứ heo rừng thì chưa thấy lúc nào cả. Lại nghe tin, cách quê khá xa, có doanh nghiệp nuôi tôm trên cát có nuôi heo rừng, chị Huy dặn lòng phải đi coi cho bằng được.

Buổi chiều, chị đạp xe hơn tiếng đồng hồ đến bên hàng rào của người ta khoanh nuôi heo rừng mà nhìn vào. Ban đầu đứng xa nhìn vì sợ người ta mắng. Sau thấy heo rừng chạy như đuổi nhau thì thích mê, cứ bước vội đến gần để xem. Xem rồi, chị quyết tâm trở thành chủ trang trại heo rừng.

Nghĩ là làm, chị gom góp hết vốn liếng, tiền đền bù… được gần 70 triệu đồng để mày mò nuôi heo rừng. Trên diện tích hơn 200m2 đất vườn, chị xây dựng hệ thống chuồng nuôi, xung quanh giăng lưới B40.

Xong phần chuồng trại, chị Huy phải vay thêm 20 triệu đồng nữa để mua 8 con heo giống. Học hỏi mọi người đi trước, chị chọn 7 con heo nái và 1 con heo đực. Thả đàn heo đầu tay vào chuồng, chị thở nhè nhẹ với đủ điều lo lắng.

Heo đồng bằng thì chị cũng nuôi quen, nhưng heo rừng lại là một chuyện khác. Người phụ nữ quen bán buôn cá mú miền biển phải học trên cả sách vở, cả kinh nghiệm của người đã từng nuôi. Trong chuồng, được phân thành các khu cho heo chạy, cho ăn… Hàng ngày, các khu trong chuồng đều được dọn vệ sinh sạch sẽ. Thức ăn của heo chủ yếu từ nguồn rau, cỏ tự trồng hoặc mua của bà con xung quanh.

11-13-02_nnvn-2-heo-con
Heo con chuẩn bị xuất bán giống

Ngoài ra, heo được ăn thêm nhiều loại thức ăn sạch như khoai, sắn, cám gạo. Để tạo thêm dinh dưỡng, chị Huy mua các loại sản phẩm biển thứ phẩm rẻ tiền như ghẹ, tôm cá phơi khô, nghiền thành bột cho heo ăn. Không chỉ chăm chút về thức ăn, chế độ dinh dưỡng, chị Huy còn theo đúng định kỳ thực hiện khử trùng chuồng trại, tiêm các loại vắc xin cho đàn heo.

Không phụ lòng chị, đàn heo cứ lớn dần. Rồi heo cái động đực, có chửa. “Hôm con heo nái đẻ lứa đầu tiên, tôi cả đêm mất ngủ. Vừa mừng vừa lo. May sao, lứa đó có được 7 con. Rồi tháng sau, heo nái thứ hai đẻ thêm 8 con. Bà con biết chuyện, ai cũng mừng, khen tôi mát tay. Còn tôi mừng kiểu khác. Mừng kiểu đưa được heo rừng về với biển mặn mòi”, chị Huy mừng rỡ nói.

Tính lại, sau gần một năm đầu tư đưa heo rừng về vườn nhà, chị Huy đã xuất bán được lứa đầu tiên. Cầm cọc tiền thương lái trả, chị nghe mằn mặn trên môi, nước mắt đã rơi xuống tự lúc nào.

“Sau hơn một năm lăn lộn với heo rừng, tôi cũng đã có chút kinh nghiệm và có được đồng vốn nên quyết định ngoài nuôi heo nái bán giống, nay mở rộng thêm quy mô nuôi heo thịt thương phẩm”, chị Huy bộc bạch.

Chị Huy cũng cho biết, hiện đàn heo nái tăng lên gần 40 con. Mỗi heo rừng nái đẻ 2 lứa một năm, mỗi lứa được 6 đến 8 con. Chăm sóc tốt thì khoảng 40 - 45 ngày là xuất bán giống. Mỗi năm, trang trại nhỏ của chị xuất chuồng gần 200 con heo giống và heo thịt.

“Giá lợn thịt bán trung bình khoảng 120.000 - 150.000 đồng/kg. Vào dịp Tết thì giá có khi tăng cao gấp đôi. Khách hàng phải dặn trước mới có thịt. Vào dịp đó là không có đủ heo thịt để bán”, chị Huy kể.

11-13-02_nnvn-3-mot-goc
Một góc trang trại heo rừng

Nhìn đàn heo con, chị Huy cười: “Qua gần một năm đầu, có khi tôi cũng định bỏ cuộc. Phần thì chưa xuất được lứa heo mô, phần thì vốn vay đến kỳ trả nợ. May mà gia đình ai cũng động viên. Rồi cán bộ trên xã cùng quan tâm nói giúp vô.

Ngày xuất lứa heo đầu tiên là như cởi được khúc mắc trong lòng. Bây giờ thì chưa thể nói là trang trại mô. Mỗi năm trừ đi chi phí tất tật rồi cũng dư dả được gần hai trăm triệu. Trước đây, chưa khi mô có được bạc triệu trong nhà”.

Nhiều bà con xã thấy chị làm được cũng có ý định học theo. Nhiều người đến hỏi kinh nghiệm, chị Huy hướng dẫn cặn kẽ cho từng người. Ai thiếu tiền giống, chị cho mua nợ lại.

Hiện, toàn xã Ngư Thủy Nam đã có thêm hơn 5 hộ phát triển mô hình này. Ngoài ra, còn có một số hộ khác đang trong giai đoạn nuôi thử nghiệm vài con để lấy kinh nghiệm và tích lũy vốn mở rộng chuồng, tăng thêm đàn, mang lại kết quả khả quan.

Nói về dự định sắp tới, chị Huy khẳng định sẽ mở rộng quy mô chuồng trại và tăng thêm số lượng heo đàn. “Lợi thế vùng biển là đất rộng, tạo nguồn thức ăn cho heo cũng dễ dàng. Vì vậy tăng thêm khoảng trăm heo nái và trăm heo thịt là trong tầm tay. Khi đó, thu nhập cũng đã tăng gấp đôi”, chị cho hay.

Xem thêm
Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.