| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 29/02/2020 , 06:50 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 06:50 - 29/02/2020

Chuyện nhà và chuyện trường thời Covid-19

Làm sao chắc chắn cổng trường an toàn tuyệt đối khi Covid-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn?

Nhân viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Quận 1) thường xuyên vệ sinh phòng học trong thời gian học sinh nghỉ. Ảnh: Báo TN-MT.

Nhân viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Quận 1) thường xuyên vệ sinh phòng học trong thời gian học sinh nghỉ. Ảnh: Báo TN-MT.

Không lạc quan như nhiều người hy vọng, virus Corona bùng phát tại Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tâm lý cộng đồng lại thêm một phen bị thử thách.

Việt Nam chưa phải là nước đạt được trình độ cao về mọi mặt đời sống, vì vậy sự lúng túng và sự loay hoay chống dịch bệnh thấy rõ trong mỗi ngành, mỗi nghề. Ngay cả chuyện cho học sinh ở nhà hay để học sinh đến trường đã là một câu chuyện nhiêu khê và hồi hộp.

Covid-19 thực sự làm thay đổi nhịp điệu bình thường của người Việt suốt một tháng sau Tết Nguyên đán Canh Tý.

Trước đại dịch, nhiều người mới thấy rằng số phận con người rất mong manh, so với những đua chen, giành giựt lẫn hãnh tiến. Và quan trọng hơn, những hậu quả kinh khủng của virus corona lên mọi mặt xã hội, cũng là đã buộc con người phải suy nghĩ lại những động cơ tham lam và độc ác của mình, đối với môi trường, đối với thiên nhiên, đối với nhân loại.

Những ngày khẩu trang lên cơn sốt, những ngày ái ngại đám đông, con người bỗng được sống chậm lại. Có chút vui lương thiện, có chút buồn bao dung.

Thế nhưng, thế giới vẫn đang vận động đi lên. Trường học đóng cửa đến bao giờ, cũng là một đắn đo của người dạy lẫn người học. Trừ những trường quốc tế vẫn ung dung, vì xưa nay giáo trình của họ không đơn thuần là nhồi nhét kiến thức để phục vụ cho các kỳ thi.

Trường quốc tế không chỉ ủng hộ nghỉ học chống dịch, mà họ đã quen hỗ trợ học sinh tư duy độc lập, tự rèn giũa kỹ năng sinh tồn và tự trang bị hành lý tương lai. Bài học phổ biến nhất mà các trường quốc tế cho học sinh học trực tuyến, chính là tìm hiểu về dịch bệnh, quá trình lây nhiễm cũng như biện pháp ứng phó.

Đáng tiếc, phần lớn trẻ em Việt Nam vẫn phải chấp nhận cách học quen thuộc ở những ngôi trường có lối truyền thụ rập khuôn và máy móc. Khi dịch bệnh hoành hành, học sinh ở nhà thì phụ huynh cũng lao đao không biết phải chăm sóc và dạy dỗ con em ra sao.

Văn bản của Bộ GD-ĐT đề nghị cho học sinh trở lại trường ngày 2/3.

Văn bản của Bộ GD-ĐT đề nghị cho học sinh trở lại trường ngày 2/3.

Sau gần cả tháng né tránh những câu hỏi gay gắt xung quanh, chiều 24/2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã trực tiếp nói về rắc rối của trường học trong mùa covid-19. Vẫn kiên quyết, không thể chờ hết dịch mới cho học sinh quay trở lại trường, tư lệnh ngành giáo dục có vẻ sốt ruột về những báo cáo thành tích nhiệm kỳ. Mỗi trường học tập trung khử độc tiêu trùng, nhưng dịch bệnh có phải nằm yên một chỗ chờ chúng ta đến xử lý đâu.

Ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Qua đánh giá, tình hình kiểm soát dịch bệnh và công tác phòng chống dịch tốt. Kế hoạch là ngày 28-2 hết thời hạn tạm nghỉ, nên bộ đã ban hành văn bản điều chỉnh về khung năm học.

Theo đó, tất cả địa phương căn cứ tình hình kiểm soát dịch, không phát sinh diễn biến phức tạp thì từ ngày 2-3 học sinh trên toàn quốc đi học trở lại. Kỳ thi THPT quốc gia là từ 23 đến 26-7, tức là lùi 1 tháng so với bình thường.

Khi tính toán kỹ các phương án, cơ bản thống nhất nhưng một số địa phương như TP.HCM và 3 tỉnh chưa công bố hết dịch, nên có thể học bù. Với học sinh lớn tuổi có thể phòng chống dịch bệnh thì thống nhất đi học trở lại từ 2-3.

Với bậc tiểu học, trung học cơ sở, mầm non thì tùy tình hình mà địa phương ra quyết định, nhưng đảm bảo đồng bộ đi học trở lại từ ngày 2-3. Dịch diễn biến phức tạp, không thể ngồi chờ hết dịch mới cho học sinh đi học, nên kiến nghị Thủ tướng phê duyệt đề nghị trên, theo khung thời gian chung vì mỗi địa phương một mốc sẽ khó điều hành”.

Muốn học sinh trở lại trường đầu tháng 3/2020 có vẻ duy ý chí chăng? Các quốc gia văn minh hơn chúng ta như Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc… không vội vã cho học sinh đến trường trong sự phập phồng như vậy. Làm sao chắc chắn cổng trường an toàn tuyệt đối khi covid-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn?

Đô thị càng lớn thì mật độ học sinh càng lớn, chỉ cần một trường hợp rủi ro sẽ kéo theo tai ương khôn lường. Ví dụ, hiện nay TPHCM có khoảng 1.9 học sinh các cấp, trường học rải khắp nơi, đường sá di chuyển cũng phức tạp. Mặt khác, mỗi ngày có bao nhiêu khách du lịch nước ngoài đến thành phố nhộn nhịp nhất phương Nam.

Vì vậy, không khó hiểu khi Chủ tịch UBND TPHCM - Nguyễn Thành Phong kiến nghị cho học sinh nghỉ hết tháng 3/2020 để tập trung cho công tác ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Phó Giáo sư- Tiến sĩ Bùi Quang Vinh phân tích: “Nếu không có gì biến động và vẫn giữ được 16 ca mắc cho tới đầu tháng 3/2020 thì quá tốt. Nhưng theo tôi, khả năng này rất khó xảy ra. Khả năng thứ hai là, vài trường hợp mới xuất hiện và chúng ta tiếp tục cô lập, kiểm soát, khống chế được.

Khả năng xấu nhất là nó “bùng nổ” như Hàn Quốc, Ý thì rất khó cô lập. Để tiếp tục làm tốt công tác phòng dịch, đòi hỏi những điều kiện gồm sự ủng hộ của thời tiết, điều kiện dịch tễ học không biến động và không có nguồn lây thường xuyên xâm nhập.

Với các điều kiện trên, ta thấy TPHCM chỉ có được lợi thế duy nhất là thời tiết nắng nóng, nhưng ngược lại, TPHCM là nơi giao thương nhiều hơn các nơi khác.

Sự lưu thông, du lịch, buôn bán, lao động là những yếu tố bất lợi khiến rất khó giữ được điều kiện dịch tễ học không biến động và không có nguồn lây mới. 16 ca vừa qua chủ yếu về từ vùng dịch, trong đó có hai du khách Trung Quốc đi qua. Trong tháng 3-4, tôi nghĩ khả năng lây rất lớn qua đường vận chuyển, giao thương và khả năng lây nhiễm cộng đồng có thể xảy ra.

Lây nhiễm cộng đồng có nghĩa là rất khó tìm ra được yếu tố lây nhiễm, tức tương tự như ở Hàn Quốc, Ý dù không có “yếu tố Trung Quốc” hay về từ vùng dịch nữa, mà các ca tự nhiên xuất hiện. Cho học sinh nghỉ học là biện pháp tốt nhất để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng”.

Học trực tuyến cũng là một giải pháp giáo dục mùa dịch. Ảnh: T. L.

Học trực tuyến cũng là một giải pháp giáo dục mùa dịch. Ảnh: T. L.

Học sinh nghỉ học là chuyện chẳng đặng đừng. Phụ huynh phải kiêm nhiệm luôn vai trò giáo viên, gần gũi con em mình hơn và cũng bận rộn túi bụi hơn. Học sinh nghỉ học thì dĩ nhiên trường học thất thu và ảnh hưởng đến thu nhập của giáo viên, nhất là giáo viên mầm non các trường tư thục.

Tuy nhiên, lẽ nào để học sinh mạo hiểm với dịch bệnh đang bủa vây? Ở trách nhiệm điều hành việc học quốc gia, lãnh đạo Bộ GD-ĐT chỉ biết đưa ra những khuyến cáo chung chung: UBND các tỉnh sẽ có chỉ đạo và hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà trường theo tinh thần "chống dịch như chống giặc". 

Ngoài ra, các địa phương nếu phải cho học sinh đi học trở lại muộn hơn trong tháng 3 cũng cân nhắc việc có thể cho học sinh lớp 12 đi học trở lại sớm hơn học sinh các lớp dưới. Học sinh khối 12 cần có đủ thời gian ôn tập thi THPT quốc gia.

Hơn nữa, sang năm 2020, học sinh lớp 12 đã bước sang tuổi 18, có khả năng tự bảo vệ mình và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn khi trở lại trường học, cũng như trên đường đi học từ nhà đến trường.

Cùng với các biện pháp phòng ngừa của nhà trường, học sinh lớp lớn có thể an toàn trở lại trường nếu không có phát sinh đặc biệt so với hiện nay. Cách xử lý linh hoạt đó có thể giúp khắc phục khó khăn chung.

Còn nếu đòi hỏi một quyết định chung cho cả nước nhưng hoàn hảo sẽ rất khó. Với các tỉnh vùng khó khăn, việc nghỉ học kéo dài sẽ còn những hệ lụy về sau khi phải đối diện với thời tiết khắc nghiệt, thiên tai trong mùa hè. 

Khi ngành giáo dục không dám đưa ra “phác đồ điều trị” hợp lý, thì chuyện nhà và chuyện trường vẫn khiến phụ huynh đau đầu.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp chia sẻ: “Từ đợt dịch này cho thấy các cơ quan khi đưa ra đề nghị chính sách không nên dựa vào áp lực trên mạng, cần phân tích thực tế bởi dư luận mạng không mang tính đại diện đầy đủ. Các chính sách cũng cần dựa vào nhu cầu của nhóm yếu thế nhất, không phải của những người có điều kiện, hoặc không bị ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường kéo dài. 

Đặc biệt, trong bối cảnh cả xã hội lo lắng, Nhà nước cần thể hiện vai trò dẫn dắt, không nên dựa vào các ý kiến cảm tính của người dân bởi người dân bị hạn chế về thông tin, mức độ nhận thức và có ưu tiên khác so với ưu tiên của Nhà nước và toàn xã hội. 

Sau khi dịch Covid-19 kết thúc, Việt Nam cần xem xét lại cách thức ứng phó với dịch bệnh trong tương lai. Cần phân loại cấp độ dịch và mức độ rủi ro đi kèm, từ đó đưa ra phản ứng phù hợp với từng thang rủi ro, chẳng hạn đến thang mức độ cao mới tính tới đóng cửa trường học”.